Mục đích của Phương án nhằm nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng, đáp ứng phù hợp, hiệu quả trong tình huống dịch bệnh diễn biến phức tạp khi đất nước có trên 250.000 người mắc F0 trong khoảng thời gian 28 ngày cần chăm sóc y tế.
Ngăn chặn và phát hiện sớm trường hợp nhiễm Sars-Cov-2, khoanh vùng và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc và tử vong. Đồng thời, hạn chế, giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới phát triển kinh tế, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ
Về giải pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở các đơn vị. Chỉ đạo triển khai bảo đảm các hoạt động cần thiết như: Trực cơ quan, xử lý văn bản mật, khẩn, các hoạt động vận hành trụ sở cơ quan.
Cập nhật, báo cáo thường xuyên về tình hình dịch COVID-19 và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ. Chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Chỉ đạo huy động toàn thể công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ nhằm đạt hiệu quả nhất; phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Đo thân nhiệt người vào trụ sở Bộ Nội vụ
Giải pháp trong công tác giảm nguy cơ lây nhiễm, các đơn vị thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính quyền địa phương nơi đặt trụ sở các đơn vị. Yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế bắt buộc đối với toàn bộ công chức, viên chức, người lao động và các quy định về cách ly y tế, cách ly tại nhà với các trường hợp được yêu cầu.
Chủ động và kịp thời triển khai tất cả các biện pháp phòng, chống nhiễm khuẩn, xử lý môi trường tại trụ sở Bộ, đặc biệt là biện pháp xử lý khi phát hiện có ca F0, F1 tại trụ sở cơ quan bảo đảm an toàn theo hướng dẫn ngành Y tế. Bố trí phòng tại chỗ cách ly tạm thời cho các trường hợp phải thực hiện theo yêu cầu của cơ quan y tế.
Phối hợp kịp thời với đơn vị y tế nơi đặt trụ sở các đơn vị để vận chuyển các trường hợp F0 và F1 tại cơ quan (nếu có) đi điều trị, cách ly y tế ...theo hướng dân của cơ quan y tế. Trong trường hợp khẩn cấp sử dụng một số xe sẵn có và lái xe của Bộ để thực hiện công tác vận chuyển.
Các đơn vị tổ chức triển khai phương án làm việc một cách phù hợp đảm bảo an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn hoàn thành theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Về công tác hậu cần, thực hiện mua sắm thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế, máy thở... để sẵn sàng ứng phó, đáp ứng yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch. Bố trí phương tiện đi lại và có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho những người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo, Bảo vệ cơ quan và những người có liên quan).
Cung cấp một số thực phẩm, nước uống và trang thiết bị thiết yếu trong trường hợp khẩn cấp phải cách ly tại trụ sở Bộ và các đơn vị. Liên hệ với Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 mức độ nặng, nguy kịch để chuyển người bệnh đến bệnh viện phù hợp khi cần thiết. Liên hệ với cơ sở y tế test nhanh COVID-19 khi cần thiết và tập trung đề xuất với Bệnh viện Bạch Mai tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 cho 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ...
Về công tác truyền thông, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ yêu cầu các đơn vị thông tin, báo chí trong Bộ tăng cường truyền thông mạnh mẽ công tác phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu toàn thể công chức, viên chức, người lao động tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch bệnh đã đi qua; cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để công chức, viên chức, người lao động không lo sợ, hoang mang, lúng túng, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì khi dịch xảy ra, luôn chủ động, tích cực, ủng hộ và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành y tế.
Tăng cường truyền thông để công chức, viên chức, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nơi đang sinh sống; thực hiện nghiêm khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành y tế; đặc biệt là thực hiện nghiêm thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 khi đến lượt; thực hiện nghiêm quy định khai báo y tế theo hướng dẫn, cài đặt và sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý hoạt động tiêm chủng cá nhân. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị sử dụng công nghệ phòng, chống COVID-19 để ghi nhận người đến địa điểm của mình để hỗ trợ công tác truy vết, khoanh vùng, cách ly...
Căn cứ vào Phương án này, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Nội vụ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiến hành xây dựng Phương án chi tiết, bố trí nguồn lực và nhân sự để triển khai kịp thời theo quy định.
Đặc biệt, thực hiện quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chuyển từ phòng ngự sang tấn công, lấy phòng dịch là cơ bản, là chiến lược, là lâu dài, là quyết định; Kiên định, thực hiện tốt các phương châm “Ngăn chặn, hạn chế tối đa các nguồn lây nhiễm; phát hiện sớm, cách ly các trường hợp nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh”; triển khai thực hiện nghiêm quy định “5K+ vắc xin phòng bệnh” và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong làm việc và kiểm soát dịch bệnh…
Thanh Tuấn