Hội đồng nghiệm thu gồm 07 thành viên do PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn làm Chủ tịch.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành
trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tàiTại buổi nghiệm thu, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành đã thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của Đề tài. Đề tài xác định hiện nay, công tác quản lý đối với hội, tổ chức phi chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hội, tổ chức phi chính phủ tạo điều kiện để hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động đúng hướng, có hiệu quả. Đã phân công, phân cấp rõ ràng về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ đáp ứng nhu cầu chính đáng của công dân, tổ chức. Cơ chế, chính sách được quy định rõ ràng đã tạo điều kiện cho các hội, tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội của mình. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của hội, tổ chức phi chính phủ trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội chủ yếu được thực hiện bằng các văn bản dưới luật; hệ thống pháp luật về hội còn chưa đồng bộ, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hội khác nhau (các hội nói chung được điều chỉnh theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP; riêng các liên đoàn Luật sư Việt Nam theo Luật Luật sư, Hiệp hội Công chứng theo Luật Công chứng); các quy định của pháp luật về hội chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh trong tổ chức và hoạt động của hội, chưa có các quy định về tạm đình chỉ, thu hồi con dấu; một số quy định về chính sách, chế độ với người làm việc tại hội còn bất cập.
Do đó, để đáp ứng điều kiện hội nhập quốc tế, công tác quản lý nhà nước đối với các hội, tổ chức phi chính phủ cần được đổi mới, đảm bảo tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với các hội, tổ chức phi chính phủ và nâng cao trách nhiệm xã hội, phát huy vai trò của các hội, tổ chức phi chính phủ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ những lý do trên, việc nghiên cứu thực hiện Đề tài "Đổi mới quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ ở nước ta trong điều kiện hội nhập quốc tế" là rất cần thiết. Đề tài góp phần làm rõ cơ sở lý luận, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với các hội, tổ chức phi chính phủ. Từ đó, đưa ra các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện để các hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động tự nguyện, tự quản, tự chủ và phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đề tài được kết cấu gồm 3 chương, trong đó: Chương 1 trình bày cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối với hội, tổ chức phi chính phủ; Chương 2 phân tích, đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với hội, quỹ ở Việt Nam hiện nay; Chương 3 từ những bất cập đặt ra trong thực tiễn nhóm tác giả đã đưa ra những quan điểm, phương hướng, giải pháp đổi mới quản lý nhà nước đối với hội, quỹ trong điều kiện hội nhập quốc tế.
TS. Phan Tùng Mậu nhận xét phản biệnĐánh giá kết quả nghiên cứu của đề tài, ý kiến của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đều cho rằng Đề tài nghiên cứu này là rất cần thiết, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng được tính cấp thiết của đổi mới thể chế quản lý và đòi hỏi của xã hội, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài được xác định rõ; đối tượng và phạm vi nghiên cứu cũng được khoanh gọn. Chương 1 của đề tài nhóm tác giả đã khái quát được 6 đặc trưng, đề xuất 4 nguyên tắc, nêu rõ 3 tính chất và xác định 5 vai trò quan trọng của các tổ chức này trong sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây là đóng góp không nhỏ của các tác giả, vì nếu không xác định rõ đối tượng quản lý Nhà nước thì không thể quản lý có hiệu quả. Tại Chương 2 nhóm nghiên cứu dành nhiều công sức nhất là nghiên cứu về thực trạng quản lý nhà nước đối với tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam hiện nay. Trong điều kiện hạn hẹp về thời gian và kinh phí, nhóm nghiên cứu đã dày công tiến hành điều tra xã hội học, bằng hình thức phát hành các phiếu khảo sát. Đối tượng khảo sát là công chức, cá nhân là thành viên các tổ chức phi chính phủ, với phạm vi là 11 Bộ, 54 UBND và 200 tổ chức phi chính phủ trên cả nước. Trên cơ sở phân tích, thống kê các số liệu thu được, nhóm nghiên cứu đã thống kê ý kiến về thực trạng quản lý nhà nước đối với các tổ chức phi chính phủ trên các mặt xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước; đội ngũ công chức tham gia quản lý nhà nước về tổ chức phi chính phủ; quản lý về tổ chức, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ; thanh tra, kiểm tra tổ chức phi chính phủ. Ngoài việc điểm qua những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã tập trung phân tích những hạn chế của thể chế quản lý nhà nước hiện hành, đồng thời nêu những nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm quan trọng. Những nội dung được nhóm nghiên cứu trình bày trong Chương 2 là cơ sở thực tiễn quan trọng để xây dựng các phương hướng, mục tiêu, đặc biệt là đề xuất giải pháp đổi mới quản lý nhà nước đối với hội, quỹ trong giai đoạn tới được trình bày trong Chương 3, trên cơ sở phân tích khá sâu về xu thế phát triển của tổ chức phi chính phủ và các thách thức đối với công tác quản lý, các tác giả cũng đã đề xuất hệ thống quan điểm, mục tiêu, phương hướng và đặc biệt là các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước các tổ chức phi chính phủ. Sáu nhóm giải pháp mà các tác giả đề xuất trong đề tài là dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta. Những kiến nghị của nhóm nghiên cứu về xây dựng đội ngũ trí thức hoàn toàn hợp lý, là cơ sở quan trọng để nhà nước xây dựng cơ chế chính sách quản lý hội, quỹ trong giai đoạn tới.
Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, Hội đồng nghiệm thu cũng đã chỉ ra những hạn chế của nhóm nghiên cứu về khái niệm hội, quỹ còn lúng túng, không phân định rõ ràng. Chương 2, đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của hội, quỹ vẫn còn một số vấn đề mang tính chất định tính, không có số liệu cụ thể, những loại hình hội như thế nào, trung ương có bao nhiêu, địa phương bao nhiêu, không rõ. Những kết luận cũng mang tính đại khái, chưa làm rõ nguyên nhân của các hạn chế yếu kém. Những giải pháp đề xuất còn chung chung, thiếu nội dung cụ thể và thiếu kế hoạch thực hiện.
PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu phát biểu kết luậnPhát biểu kết luận, PGS.TS. Nguyễn Minh Mẫn - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài; cho rằng đây là một đề tài hay, nhưng khó. Các phương pháp nghiên cứu mà đề tài sử dụng là phù hợp; Tuy nhiên để hoàn thiện, nhóm nghiên cứu cần tiếp thu những ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài.
Kết quả bỏ phiếu đánh giá của Hội đồng nghiệm thu: Đề tài đạt loại khá.
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tàiMột số hình ảnh của Nhóm nghiên cứu đề tài và Hội đồng nghiệm thu