Các đại biểu thực hiện nghi thức Chào cờ
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu ghi nhận và biểu dương những thành tích của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
Lãnh đạo Bộ Nội vụ tặng hoa chúc mừng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
Tham dự Lễ Kỷ niệm có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Nguyễn Trọng Thừa, Nguyễn Duy Thăng, Triệu Văn Cường; đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện cơ quan ngoại giao một số nước tại Hà Nội; đại diện Sở Nội vụ một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo và nguyên lãnh đạo, công chức, viên chức của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước qua các thời kỳ.
Diễn văn tại Lễ Kỷ niệm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, ngày 04/9/1962, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102-CP về việc thành lập Cục Lưu trữ trực thuộc Phủ Thủ tướng. Cục Lưu trữ là cơ quan có chức năng giúp nhà nước quản lý tập trung, thống nhất công tác lưu trữ và thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho nhà nước trong việc ban hành các chế độ, quy định về công tác lưu trữ. Việc thành lập Cục Lưu trữ thuộc Phủ Thủ tướng - cơ quan quản lý toàn quốc về công tác lưu trữ đã khẳng định một bước tiến quan trọng về xây dựng tổ chức của ngành Lưu trữ Việt Nam.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Lễ Kỷ niệm
Ngày 25/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 24-CT về việc giao cho Cục Lưu trữ Nhà nước quản lý công tác Văn thư. Từ đây, Cục Lưu trữ Nhà nước có chức năng tham mưu quản lý nhà nước về công tác văn thư, lưu trữ.
Đến năm 1992, thực hiện yêu cầu cải cách hành chính và tinh giản tổ chức bộ máy, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 06 ngày 27/10/1992 về việc chuyển Cục Lưu trữ Nhà nước về Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ nay là Bộ Nội vụ.
Theo Quyết định số 177 ngày 01/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Lưu trữ Nhà nước được đổi tên thành Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước với chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực văn thư, lưu trữ và quản lý tài liệu lưu trữ quốc gia thuộc Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Trong 60 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng với sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ công chức, viên chức, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về xây dựng thể chế, Cục đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện công tác văn thư, lưu trữ; bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Về bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản tư liệu mang hồn cốt của dân tộc, chứa đựng các giá trị thông tin, giá trị về lịch sử, chính trị, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cũng như về mọi mặt đời sống của dân tộc. Đó là bằng chứng lịch sử quý giá chứa đựng những thông tin xác thực về nhiều vấn đề, sự kiện thuộc mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phản ánh thành tựu sáng tạo của nhân dân qua các thời kỳ, góp phần xác lập, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Những tài liệu đã phục vụ các cơ quan chức năng nghiên cứu về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp những bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và phục vụ công tác nghiên cứu…
Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng gửi lời tri ân sâu sắc những đóng góp của các thế hệ công chức, viên chức đối với sự phát triển của Cục Văn thư và Lưu trữ trong thời gian qua.
Ông Đặng Thanh Tùng khẳng định, tập thể Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, tập trung trí tuệ, đồng sức, đồng lòng, phấn đấu vượt mọi khó khăn, hoàn thành sứ mệnh chính trị của ngành Lưu trữ, bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước ngày càng vững mạnh và phát triển, xứng đáng với niềm tin, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Lễ Kỷ niệm
Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, để có một kho tàng di sản quốc gia của dân tộc và việc phát huy giá trị di sản tư liệu quốc gia được như ngày hôm nay là sự dày công kiên trì, tỉ mỉ, cần mẫn và sự nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm rất cao của các thế hệ tiếp nối thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cũng như toàn ngành Văn thư và Lưu trữ cả nước. Đồng thời, không chỉ là mồ hôi, công sức trí tuệ mà còn là sự hy sinh thầm lặng, cống hiến với tinh thần sáng tạo, năng động, linh hoạt để giữ gìn nguyên vẹn tài liệu di sản an toàn, trường tồn với thời gian và phát huy những giá trị tài nguyên quốc gia của lịch sử do cha ông trao truyền lại cho các thế hệ muôn đời sau; qua đó thiết thực đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng.
Bên cạnh việc lưu giữ, bảo quản, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành văn thư, lưu trữ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt bằng nhiều phương thức, trong đó đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để phát huy giá trị quý báu của khối di sản tư liệu quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản tư liệu thiết thực phục vụ cuộc sống cho người dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc nhất là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay; đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy:
“Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”.
Những thành tựu nổi bật mà Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đạt được đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, tôn vinh nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Bằng khen của Chính phủ và các bộ, ngành cho tập thể, cá nhân tiêu biểu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Cục Văn thư và Lưu trữ đạt được trong những năm qua và ngày hôm nay.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của Cục Văn thư và Lưu trữ và biểu dương tinh thần đoàn kết, cống hiến thầm lặng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục Văn thư và Lưu trữ trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang 60 năm xây dựng và trưởng thành.
Các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm
Trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số đòi hỏi Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước càng nhạy bén, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản, phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ nhằm phục vụ rộng rãi, hiệu quả cho công chúng, xã hội và đáp ứng yêu cầu của kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước thực hiện tốt một số nội dung:
Một là, tập trung tham mưu Lãnh đạo Bộ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đủ mạnh và chặt chẽ trên cơ sở tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong đó trọng tâm là Luật lưu trữ sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài liệu điện tử, lưu trữ tư nhân và hoạt động dịch vụ lưu trữ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện hiệu quả công tác văn thư lưu trữ trong tình hình mới.
Hai là, tham mưu Lãnh đạo Bộ và chủ động tập trung cho xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị có năng lực quản trị, tâm huyết, trách nhiệm; có đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, say mê, yêu nghề, gắn bó, tận tâm, tận tụy với công việc, có kỹ năng ứng dụng công nghệ số để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số của các trung tâm. Đồng thời, học hỏi, phát huy kinh nghiệm của các thế hệ đi trước nhằm tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao trong điều kiện, yêu cầu mới của công tác văn thư và lưu trữ.
Ba là, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số và bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia. Trong đó hình thành mô hình Kho lưu trữ tài liệu điện tử để bảo đảm được chức năng tập trung nguồn tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; quản lý chặt chẽ tài liệu lưu trữ điện tử của Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Việc xây dựng Kho lưu trữ tài liệu điện tử cần được tổ chức với quy mô phát triển rộng dần, qua nhiều giai đoạn với nguồn đầu tư lớn được bổ sung thường xuyên. Gắn công tác lưu trữ với công nghệ thông tin, tăng cường phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý xã hội và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước.
Bốn là, coi trọng và tích cực triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, cập nhật các thông tin khoa học nghiệp vụ để vận dụng vào công tác lưu trữ ở Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Lưu trữ Việt Nam trên trường quốc tế.
Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Lưu trữ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng, ngành Lưu trữ sẽ tạo ra động lực mới, tinh thần mới và giá trị mới trong sự nghiệp đổi mới và phát triển của ngành Văn thư lưu trữ nói riêng và ngành Nội vụ cũng như toàn xã hội nói chung.
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh công bố Quyết định tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho các tập thể, cá nhân
Để ghi nhận những thành tích và công lao đóng góp của các tập thể, cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn thư và Lưu trữ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã quyết định tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu
Lãnh đạo Bộ Nội vụ chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước
Một số tiết mục văn nghệ chào mừng
Thanh Tuấn