BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


'Lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để bố trí cán bộ'

20/02/2023 11:06

Bà Trương Thị Mai cho biết kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tín nhiệm cao và sắp xếp người tín nhiệm thấp.

Phát biểu tại hội nghị về xây dựng đảng sáng 17/2, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chỉ ra những hạn chế của quy định lấy phiếu tín nhiệm năm 2014 là một bộ phận người đứng đầu cấp ủy nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của quy định. Một số nơi còn nể nang, dĩ hòa vi quý, tinh thần phê bình, tự phê bình chưa cao. Có nơi còn lợi ích nhóm.

Nêu thực trạng một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, bà Mai yêu cầu các cấp ủy lấy phiếu tín nhiệm theo quy định 96 mới ban hành cần thực hiện nghiêm, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu, người tham gia quá trình lấy phiếu. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội giám sát để việc lấy phiếu tín nhiệm năm nay đạt kết quả thực chất.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: TTXVN

Theo Phó ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm mới được ban hành đã kế thừa quy định cũ và cập nhật tình hình mới. Văn bản mới liên thông với quy định 41 của Bộ Chính trị về từ chức, miễn nhiệm cán bộ và thông báo kết luận 20 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ sau khi bị kỷ luật mà năng lực, uy tín giảm sút.

Quy định 96 được cụ thể hóa, chặt chẽ, nghiêm minh hơn; bổ sung nhiều tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm theo hướng cụ thể, giảm định tính, như kết quả chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực; các điều đảng viên không được làm; giữ mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy nơi cư trú; kết quả lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm được coi là nội dung quan trọng đánh giá cán bộ, thay vì chỉ là một trong những kênh tham khảo như văn bản cũ.

Quy định về lấy phiếu tín nhiệm với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị được Bộ Chính trị ban hành lần đầu ngày 18/2/2013 (quy định 165). Một năm sau, văn bản này được thay thế bằng quy định 262 và ngày 2/2/2023 quy định 96 được ban hành.

Quốc hội dự kiến lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023. Các chức danh do Quốc hội bầu gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Nguồn: vnexpress.net

Tìm kiếm