Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Buổi làm việc
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; các đồng chí đại diện một số Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Buổi làm việc
Theo Báo cáo tình hình triển khai và kết quả công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), công tác CCHC của Bộ GD&ĐT đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trên tất cả các mặt công tác. Điển hình là công tác lãnh đạo, chỉ đạo cải cách hành chính được Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hàng năm, Bộ đã ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC đầy đủ, chi tiết, bao trùm tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Bộ đã trình ban hành và ban hành 177 văn bản, gồm 36 văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 07 thông tư liên tịch, 43 thông tư và 91 văn bản cá biệt.
Tổ chức công bố Bộ thủ tục hành chính (TTHC) gồm 185 thủ tục, trong đó 92 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Trung ương, 54 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh; 35 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 04 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã.
Công bố công khai các TTHC mới ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung; cập nhật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và TTHC đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Đối với việc giải quyết TTHC trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tiếp nhận 11.217 hồ sơ giải quyết TTHC, trong đó đã giải quyết đúng hạn 9.660 TTHC, còn 1.557 TTHC chưa đến hạn giải quyết.
Về cải cách tổ chức bộ máy, theo Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT, Bộ GD&ĐT đã giảm 02 đơn vị hành chính thuộc Bộ và giảm 17 phòng trong các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ và đã được Bộ Nội vụ thẩm định, phê duyệt; trên cơ sở đó, Bộ đang tiến hành rà soát, sắp xếp, mô tả công việc và xây dựng khung năng lực theo danh mục vị trí việc làm của các đơn vị thuộc Bộ.
Đã tinh giản biên chế cho 58 trường hợp, bao gồm 03 trường hợp tại cơ quan Bộ, 55 trường hợp tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ cho 56/56 đơn vị trực thuộc.
Đã xây dựng và áp dụng 07 Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, trong đó, 01 hệ thống của các Vụ và Văn phòng, 01 Hệ thống của Thanh tra, 05 Hệ thống của 05 Cục thuộc Bộ.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ được triển khai một cách mạnh mẽ, từng bước tin học hóa có hiệu quả các quy trình hoạt động, các hình thức tiếp nhận, lưu trữ, trao đổi, tìm kiếm, xử lý thông tin, giải quyết công việc của Bộ.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thành viên Đoàn công tác đã có những nhận xét, góp ý, kiến nghị để công tác CCHC của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, cụ thể: Việc xây dựng và gửi báo cáo cần được thực hiện đúng tiến độ thời gian, Các văn bản có dấu hiệu vi phạm cần được xử lý triệt để. Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng văn bản mang tính khả cao thi trong thực tiễn, tránh dàn trải, không đúng trọng tâm. Vẫn tồn tại một số văn bản quy định các thủ tục con liên quan đến lĩnh vực đào tạo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Bộ GD&ĐT cần làm rõ việc giao đầu mối xây dựng và áp dụng ISO trong Bộ; quan tâm bố trí nhân lực, tài chính để áp dụng ISO hiệu quả. Tăng cường kiểm tra việc xây dựng và áp dụng ISO tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Thực hiện tinh giản biên chế vẫn hạn chế, chủ yếu tinh giản viên chức sự nghiệp; việc giảm tổ chức cũng chưa thực sự mạnh mẽ. Việc xây dựng cơ cấu công chức theo vị trí việc làm và triển khai thực hiện “Đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công” còn chậm. Ngoài ra, đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ…
Toàn cảnh Buổi làm việc
Kết luận Buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao kết quả CCHC của Bộ GD&ĐT, đặc biệt đánh giá cao vai trò của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ đã rất quan tâm, sâu sát, lãnh đạo thực hiện công tác CCHC của Bộ đạt nhiều kết quả cao.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu cho rằng, thứ hạng trong PAR Index cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng điểm số cao trong các chỉ số thành phần, điều đó mới chứng tỏ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, muốn tăng thứ hạng trước hết phải giao chỉ số thành phần cho từng cơ quan, đơn vị chủ trì, quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu nếu chỉ số giảm. Đặc biệt hàng năm cần làm rõ nguyên nhân và tìm giải pháp để chỉ số PAR Index từng bước được cải thiện trong bảng xếp hạng.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp nâng cao chất lượng công chức, viên chức của ngành; xây dựng chế độ làm việc chuyên viên, không có chế độ thủ trưởng trong đó. Đẩy nhanh việc thực hiện vị trí việc làm và cơ cấu công chức trong đơn vị hành chính; tiếp tục thực hiện giao tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tiến tới giao tự chủ hoàn toàn. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, trong đó chú trọng phân cấp về tổ chức và phân cấp về quản lý tài chính. Tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Bộ GD&ĐT cần rà soát nhiệm vụ, ưu tiên nhiệm vụ mang tính đột phá nhằm đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GD&ĐT. Kịp thời cập nhật văn bản vào cơ sở dữ liệu, thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh các văn bản cho phù hợp thực tiễn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ.