Ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
tỉnh Quảng Bình báo cáo với Đoàn công tác
Tham gia Đoàn công tác có đại diện một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ: Vụ Tổ chức biên chế, Vụ Chính quyền địa phương, Vụ III - Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương.
Thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2017, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào các nội dung: công tác kiện toàn Ban chỉ đạo và Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp; công tác triển khai phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020.
Ngày 11/10/2017, làm việc với Đoàn công tác tại tỉnh Quảng Bình có ông Trần Đình Dinh - Giám đốc Sở Nội vụ, ông Phan Văn Khoa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Sở Nội vụ, đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Bình.
Bà Võ Thị Tuyết Thu - Trưởng đoàn Đoàn công tác đề nghị tỉnh Quảng Bình báo cáo bổ sung
về một số nội dung trong báo cáo tình hình triển khai xây dựng nông thôn mới
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Quảng Bình cho thấy, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) các cấp và Bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo các cấp về chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, cụ thể, Ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Ban chỉ đạo ở cấp huyện do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, ở cấp xã do Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3742/QĐ-UBND ngày 21/11/2016 về việc kiện toàn nhân sự Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; ban hành các văn bản về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo. Hiện nay, Văn phòng điều phối nông thôn mới ở cấp tỉnh có 10 biên chế kiêm nhiệm, gồm có Chánh Văn phòng là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 02 Phó Chánh Văn phòng do Chi Cục trưởng và Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cùng 7 công chức cấp phòng thuộc một số Sở kiêm nhiệm. Ngoài ra, có 4 biên chế sự nghiệp, gồm 01 Phó Chánh Văn phòng chuyên trách và 3 biên chế làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Văn phòng điều phối ở cấp huyện bố trí 8 biên chế sự nghiệp, tổng số thành viên Văn phòng điều phối ở 8/8 huyện trong tỉnh Quảng Bình làm việc kiêm nhiệm là 51 người. Ở cấp xã, có 12/136 xã sử dụng con em của tỉnh Quảng Bình tốt nghiệp đại học làm chuyên trách xây dựng nông thôn mới; 124/136 xã cử công chức kiêm nhiệm. Đến nay, toàn tỉnh có 43 xã đạt 19/19 tiêu chí (chiếm 31,6%), 19 xã đạt từ 15 đến 18/19 tiêu chí (chiếm 13,9%), 49 xã đạt từ 10 đến 14/19 tiêu chí (chiếm 36,1%), chỉ còn 02 xã đạt dưới 5 tiêu chí (chiếm 1,5%) là xã miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn.

Ông Trần Đình Dinh - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTG ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành các văn bản liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, kêu gọi và phát động phong trào thi đua sâu rộng tới toàn thể nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp tham gia và hưởng ứng thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, đạt được một số kết quả tích cực.
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Bình, bà Võ Thị Tuyết Thu đánh giá cao công tác kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đặc biệt công tác tổng hợp số liệu báo cáo được làm tốt, phản ánh được đầy đủ, cung cấp thông tin tương đối toàn diện về các mặt công tác tỉnh đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, bà Võ Thị Tuyết Thu đề nghị cung cấp thông tin về các trường hợp biên chế sự nghiệp, đồng thời tỉnh Quảng Bình cần bố trí công chức giúp việc cho Văn phòng điều phối theo đúng quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp và Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 về quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng điển hình tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, từ đó tiếp tục đẩy mạnh Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 tại địa phương theo Quyết định số 1730/QĐ-TTG ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Bình, chiều ngày 11/10/2017, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh.
Thực trạng đường giao thông nội đồng phong quang, sạch sẽ tại xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh,
ngày 11/10/2017 khi tỉnh Quảng Bình đang chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới
Ngày 12/10/2017, tại tỉnh Quảng Trị, làm việc với Đoàn công tác có: ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Trần Văn Thu - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, phụ trách Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị; ông Trần Hữu Anh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Hoàng Văn Mai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng; công chức một số đơn vị thuộc Sở Nội vụ và Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị.
Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp một số thông tin
cơ bản về tình hình triển khai chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Báo cáo về kết quả kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới các cấp cho thấy, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 3310/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 về việc thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2020 (thay cho BCĐ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và BCĐ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) gồm 31 người do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 02 Phó Chủ tịch UBND tỉnh là Phó Trưởng ban thường trực phụ trách 2 Chương trình MTQG và 28 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể cấp tỉnh. Để đảm bảo hoạt động của Ban chỉ đạo, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các văn bản liên quan quy định về quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ phụ trách thực hiện, trong đó giao cụ thể đơn vị chủ trì, nêu rõ trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở cấp huyện và cấp xã của các địa phương. Kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo cấp huyện ở 08 huyện và 01 thị xã, với Trưởng ban là Bí thư Huyện ủy (huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng) và Trưởng ban là Chủ tịch UBND huyện ở các huyện thị còn lại. Toàn bộ 117/117 xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thành lập Ban chỉ đạo cấp xã.

Ông Hoàng Văn Mai - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh Quảng Trị
phát biểu về công tác thi đua-khen thưởng trong xây dựng nông thôn mới
Công tác tổ chức biên chế của Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh được kiện toàn với 14 biên chế, trong đó chức vụ Chánh Văn phòng do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, 01 Phó Chánh Văn phòng do Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm nhiệm (còn thiếu 01 biên chế Phó Chánh Văn phòng), 03 công chức chuyên trách và 08 công chức kiêm nhiệm. Đối với các thành viên BCĐ và Văn phòng điều phối chương trình ở cấp tỉnh được UBND tỉnh bố trí chế độ hàng tháng. Chế độ ở cấp huyện mới được thực hiện tại huyện Hải Lăng, các huyện còn lại chưa có quy định. Tổng số biên chế chuyên trách các cấp là 128 người, trong đó 03 công chức ở cấp tỉnh, 09 công chức chuyên trách ở cấp huyện tại 8 huyện và 01 thị xã, 117 công chức chuyên trách cấp xã ở 117 xã trong tỉnh.
Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTG ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các quyết định triển khai công tác phát động, hưởng ứng triển khai giai đoạn II của phong trào ở cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ngành phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Ngoài chính sách khen thưởng theo Quyết định số 2001/QĐ-TTg ngày 20/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc thưởng công trình phúc lợi cho các địa phương có thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Trị đã cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện chính sách khen thưởng của tỉnh cho 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên năm 2014 (Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thủy) mỗi xã 1 tỷ đồng; khen thưởng cho 01 xã tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới (Triệu Thành) là 500 triệu đồng; Khen thưởng cho 28 xã đạt chuẩn trong giai đoạn 2015-2016 mỗi xã 300 triệu đồng; Khen thưởng cho 3 xã đạt từ 3 tiêu chí trở lên trong năm và luôn giữ vững các tiêu chí trong 2 năm liền; Khen thưởng cho xã Tân Liên đạt từ 4-5 tiêu chí trở lên qua mỗi năm và giữ vững qua 2 năm liền; Khen thưởng cho huyện Cam Lộ là huyện tiêu biểu trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của tỉnh Quảng Trị cũng chỉ ra một số tồn tại cần được khắc phục như: Phong trào thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương và tổ chức đoàn thể các cấp, một số phong trào còn mang tính hình thức, chưa gắn với hoạt động thiết thực và mang tính liên tục; công tác huy động nguồn lực ở các huyện miền núi còn nhiều khó khăn; công tác sơ kết, tổng kết phong trào ở các cấp, các ngành còn sơ sài, chưa thực sự đảm bảo chất lượng, chưa gắn với các hoạt động thi đua - khen thưởng cụ thể.
Quang cảnh buổi làm việc của Đoàn công tác tại tỉnh Quảng Trị
Kết luận buổi làm việc, bà Võ Thị Tuyết Thu đánh giá cao công tác kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Trị, đồng thời đề nghị tỉnh cũng cần nghiên cứu các quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/9/2016 và Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 để bố trí công chức giúp việc cho Văn phòng điều phối và Ban chỉ đạo các cấp phù hợp; có các giải pháp thiết thực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới để Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 tại địa phương theo Quyết định số 1730/QĐ-TTG ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ ngày càng phát huy được hiệu quả tốt hơn nữa.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã Cam Chính, huyện Cam Lộ.
Đoàn công tác làm việc với chính quyền xã Cam Chính, huyện Cam Lộ
Đoàn công tác thăm mô hình trang trại hồ tiêu trên địa bàn xã Cam Chính,
nơi có thương hiệu hồ tiêu "Cùa" nổi tiếng
Trưởng đoàn công tác Võ Thị Tuyết Thu chụp ảnh lưu niệm
với cán bộ xã Cam Chính tại trang trại hồ tiêu
Ngày 13/10/2017, Đoàn công tác tiến hành kiểm tra tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có: ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; bà Phan Thị Hồng Loan - Phó Giám đốc Sở Nội vụ; ông Phạm Quyền - Phó Chánh Văn phòng, phụ trách Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh; đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo với Đoàn công tác
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 tại Thừa Thiên Huế cho thấy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3083/QĐ-UBND ngày 06/12/2016 thành lập BCĐ các Chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 tỉnh Thừa Thiên Huế (BCĐ cấp tỉnh) do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 03 Phó Trưởng ban (Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), 38 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện và Phó Chánh Văn phòng chuyên trách của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh. Toàn bộ 08 huyện, thị xã trong tỉnh đã kiện toàn bộ máy của BCĐ cấp huyện, với Trưởng ban do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã đảm trách; Phó Trưởng ban là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thị xã. Văn phòng điều phối tỉnh có 03 cán bộ chuyên trách, 11 cán bộ kiêm nhiệm, thuộc biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, cơ quan liên quan. Cán bộ chuyên trách chưa có phụ cấp đặc thù, cán bộ kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp 20% mức lương đang hưởng.
Tại 07 trong số 08 huyện, thị xã đã kiện toàn bộ máy Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới cấp huyện, Chánh Văn phòng điều phối cấp huyện là Phó Chủ tịch UBND huyện, thị xã, được bố trí 1-2 cán bộ chuyên trách, tổng số có 13 cán bộ chuyên trách ở 8 huyện thị. Riêng ở cấp xã chưa bố trí được công chức cấp xã có năng lực theo dõi chương trình xây dựng nông thôn mới theo quy định.
Về tình hình thực hiện Quyết định số 1730/QĐ-TTG ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Nội vụ đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" và "Giảm nghèo bền vững" giai đoạn 2016-2020, Theo đó, các sở, ngành, tổ chức trong tỉnh đã phát động thi đua, các cơ quan truyền thông kịp thời tuyên truyền, phản ánh về tình hình triển khai, gương điển hình xây dựng nông thôn mới, thu hút được quan tâm, đóng góp của các tầng lớp nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn ở nhiều địa bàn trong tỉnh đã bước đầu có những chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Hiện nay, có 23/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2017, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu tăng thêm 10 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn trong toàn tỉnh là 33/104 xã.
Bà Võ Thị Tuyết Thu, Trưởng đoàn công tác phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn Võ Thị Tuyết Thu ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của tỉnh trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, trong đó có ý kiến đề xuất của địa phương về việc tăng cán bộ chuyên trách, giảm cán bộ kiêm nhiệm ở Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, nghiên cứu về chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp. Trong bối cảnh cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế, bà Võ Thị Tuyết Thu đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng các quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/9/2016, Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 và các quy định hiện hành về chế độ phụ cấp để bố trí và hỗ trợ công chức Văn phòng điều phối và Ban chỉ đạo các cấp phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, kể cả cán bộ cấp huyện, cấp xã; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các trưởng thôn, trưởng bản trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội ở từng địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động thi đua, kịp thời khen thưởng, giới thiệu gương điển hình tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc để Phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 Thừa Thiên Huế ngày càng khởi sắc.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc và kiểm tra thực tế tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, thăm mô hình nuôi cá lồng trên sông Hương trong địa bàn xã Phú Thượng.
Đoàn công tác làm việc với chính quyền xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế
về tình hình triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã
Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại mô hình nuôi cá lồng trên sông Hương
Mô hình nuôi cá lồng ở khu vực gần cầu Chợ Dinh
Thăm quan bể nuôi cá giống
Tin: Nam Phong
Ảnh: Nguyễn Thắng