Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Buổi làm việc
Tham gia Đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Bình Dương.
Các đại biểu tham dự Buổi làm việc
Theo báo cáo việc thực hiện Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công của tỉnh Bình Dương, từ năm 2004 đến nay, tại khu vực hành chính sự nghiệp, mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh 10 lần, với mức tăng 4,48 lần theo Đề án cải cách tiền lương của Chính phủ.
Mức lương tối thiểu tăng trong giai đoạn 2003-2017 đã góp phần cải thiện một phần đời sống của người hưởng lương so với chỉ số giá tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách tiền lương hiện nay có điều chỉnh tăng nhưng không đáp ứng yêu cầu thực tế, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp hơn mặt bằng tiền lương, tiền công trên thị trường, do đó, khó thu hút được người có tài năng vào làm việc tại khu vực Nhà nước, chảy máu chất xám, không khuyến khích được tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đối với công việc và có thể dẫn đến các hiện tượng tham nhũng, hối lộ…
Báo cáo cũng nhìn nhận về quan hệ tiền lương không đồng nhất giữa khối hành chính với khối đảng, lực lượng vũ trang. Khung phụ cấp chức vụ lãnh đạo còn thấp, chênh lệch phụ cấp chức vụ chưa thể hiện rõ thứ bậc trong hành chính, chưa tương xứng với trách nhiệm công việc được giao.
Chế độ phụ cấp lương còn mang tính chắp vá, chưa giải quyết được bản chất của việc cải cách tiền lương.
Việc xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp công (dịch vụ công) còn chậm và đạt kết quả thấp, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch.
Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức thực hiện tốt bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cải cách thủ tục và nâng cao chất lượng phục vụ; tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm, phù hợp với nhiệm vụ cụ thể đề ra; nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý.
Xác định vai trò quan trọng trong thực hiện chính sách đối với người có công , chăm lo đời sống cho người có công, gia đình liệt sĩ là công tác quan trọng, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc nên các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Bình Dương luôn chỉ đạo việc thực hiện các chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Bình Dương đã giải quyết chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và thân nhân đã tổ chức xét duyệt, công nhận và giải quyết mới cho 9.060 hồ sơ người có công các loại. Thực hiện chi trả đầy đủ và kịp thời các chính sách ưu đãi hàng tháng theo quy định của Nhà nước cho 8.564 đối tượng, với tổng kinh phí trợ cấp trên 13,4 tỷ đồng.
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thông qua việc cấp thẻ Bảo hiểm y tế để điều trị bệnh, trong 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức cho người có công được chăm sóc sức khỏe tại gia đình và đưa đi điều dưỡng tại các Trung tâm điều dưỡng Người có công cho 15.856 lượt đối tượng, với tổng kinh phí là 21.806.270.000 đồng.
Ngoài ra, hàng năm tỉnh Bình Dương đều trích ngân sách từ 01 đến 02 tỷ đồng tổ chức cho đối tượng là các Mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và người có công tiêu biểu được một lần đi tham quan Hà Nội – viếng Lăng Bác, Côn đảo và Phú Quốc.
Tại Buổi làm việc, Đoàn công tác đã lắng nghe báo cáo, các kiến nghị của tỉnh Bình Dương, đồng thời, cùng thào luận, trao đổi và đề nghị tỉnh Bình Dương bổ sung số liệu, làm rõ một số vần đề mà Đoàn công tác quan tâm liên quan đến 03 nội dung về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách cho người có công với cách mạng của tỉnh.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao kết quả đã đạt được của tỉnh Bình Dương. Ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các gia đình chính sách đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn mức bình quân chung của tỉnh trên cả 3 nội dung cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách cho người có công với cách mạng.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng khẳng định, qua buổi làm việc, thảo luận giữa Đoàn công tác và tỉnh Bình Dương đã thể hiện sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương về một số định hướng và chủ trương sắp tới trong việc xây dựng Đề án về cải cách chính sách tiền lương nói chung, trong đó có cả vấn đề về bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, Kết luận số 63-KL/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XI đặt vấn đề là phải từng bước đẩy mạnh nâng lương, trong đó ưu tiên cho lương của khối doanh nghiệp trước và mục tiêu là khoảng cách giữa lương tối thiểu vùng và lương cơ sở từng bước sát lại, đảm bảo cuộc sống, theo lộ trình đó thì hàng năm phải tăng từ 7 -8%, nhưng đến nay rõ ràng khoảng cách giữa lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở vẫn còn khoảng cách tương đối khá lớn. Hiện nay, lương cơ sở mới tăng được từ tháng 7 là 1,3 triệu đồng, trong khi đó mức lương tối thiểu vùng ở mức thấp nhất là trên 2,5 triệu đồng và mức cao nhất là chiếm 34,6% của lương vùng 1, cũng chỉ bằng 50,39% đối với lương vùng 4. Về khoảng cách này, mối tương quan giữa lương cơ sở và mức lương tối thiểu vùng trong cải cách tiền lương cần tính toán để làm sao đảm bảo được cuộc sống của người lao động nói chung, trong đó có lực lượng công chức, viên chức.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đồng tình với những ý kiến và báo cáo của tỉnh Bình Dương về những bất cập trong chế độ phụ cấp và phụ cấp đặc thù, cũng như hệ thống thang bảng lương hiện nay và khoảng cách chênh lệch giữa ngạch, bậc trong thang bảng lương còn thấp.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, cần nghiên cứu những khoản phụ cấp mang tính chất ổn định để đưa vào lương, trừ lĩnh vực đặc thù; thang bảng lương cần nghiên cứu lại nhất là mức lương tối thiểu và mức lương tối đa, vì khoảng cách này hiện nay còn khá xa. Đối với lương trong hệ thống thang bảng lương của Nhà nước sắp tới, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước cũng nên nghiên cứu và cải tiến phù hợp.
Về chính sách theo lương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đồng tình là hiện nay quá nhiều các loại phụ cấp, vì vậy nên nghiên cứu để đưa thẳng vào tiền lương cơ sở để thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, vấn đề đóng thuế thu nhập để có mức thu nhập cao sau khi nghỉ hưu.
Thực hiện chính cải cách sách tiền lương, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, phải thực hiện đồng bộ trong việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy trong hệ thống chính trị, vấn đề nguồn nào để cải cách chính sách tiền lương cũng đã được đặt ra.
Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay chiếm một tỷ lệ lương trong tổng chi ngân sách nhà nước là rất lớn, trên 30%. Theo lộ trình riêng các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2021 tinh giản được 10%, giảm chi 10% từ ngân sách nhà nước, tăng 10% đơn vị giao quyền tự chủ chi thường xuyên hoặc là chi thường xuyên, chi đầu tư nếu làm được đúng thì sẽ thực hiện được theo lộ trình đề ra.
Sắp tới, theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 6, Chính phủ sẽ ban hành và tạo điều kiện để địa phương chủ động sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện theo phương pháp đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho địa phương. Giao cho tổng số các cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh là 19 hay 20, trên cơ sở đó tỉnh sẽ chủ động xem xét quy định những cơ quan chuyên môn thống nhất trong cả nước là 8 hay 9 hay 10, còn lại là linh động có hay không có, sáp nhập hay không sáp nhập là do địa phương. Về số lượng cấp phó, sắp tới cũng chỉ quy định khung. Biên chế là giao tổng biên chế chung cho địa phương và thông qua HĐND quyết định.
Quang cảnh Buổi làm việc
Về chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, nên nghiên cứu điều chỉnh đối với lương hưu qua các thời kỳ cho phù hợp. Về chính sách người có công, không chỉ riêng Nhà nước mà là sự chung tay của cả cộng đồng để cùng lo chính sách người có công trên nguyên tắc đảm bảo cuộc sống của các gia đình chính sách, các gia đình có công phải bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của mặt bằng xã hội.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị Đoàn khảo sát với chức năng, nhiệm vụ của mình qua buổi làm việc với tỉnh Bình Dương sẽ tiếp thu để hoàn thiện Đề án chính sách tiền lương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Tin: Hà Nguyên, Thanh Tuấn.
Ảnh: Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ