BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Nội vụ

03/01/2023 14:23

Ngày 30/12/2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 1281/QĐ-BNV ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Nội vụ.

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ, trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nội vụ, góp phần thực tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. 

Đồng thời, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ nói chung và của từng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nói riêng.

Về cải cách thể chế, Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Nội vụ trong đó tập trung xây dựng các văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Luật Lưu trữ (sửa đổi), Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở,… nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch đã được phê duyệt. 

Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, đặc biệt là các lĩnh vực: Quản lý cán bộ; công chức, viên chức; tổ chức bộ máy; chính quyền địa phương; văn thư, lưu trữ; quản lý hội, quỹ và các tổ chức phi chính phủ; quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thi đua, khen thưởng.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đa dạng hóa các phương pháp tuyên truyền gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ…

Về cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát việc ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa (loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý,…), công khai, minh bạch về quy định và quy trình giải quyết. 

Thực hiện cập nhật, công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ, hủy bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ theo đúng quy định của pháp luật, dưới nhiều hình thức đa dạng, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong tìm hiểu và thực hiện. 

Tăng cường triển khai hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Bộ. Tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục hành chính giải quyết công việc nội bộ giữa các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ theo hướng đơn giản hóa, gắn kết với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp giải quyết công việc nói chung và giải quyết thủ tục hành chính nói riêng… 
 
Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó tập trung chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở Trung ương và địa phương. 

Chủ trì, nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có đề xuất giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bảo đảm tinh gọn các bộ, cơ quan ngang bộ.

Chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo hướng phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định của pháp luật gắn với triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến 2030. 

Tiếp tục hướng dẫn, đẩy mạnh thực hiện sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp với yêu cầu quản lý và tổ chức hoạt động gắn với điều kiện thực tế. Tham mưu xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị trực thuộc cấp tỉnh, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở những nơi có đủ điều kiện…

Tham mưu đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn với quyền hạn và trách nhiệm; khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước…

Về cải cách chế độ công vụ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên thông giữa hệ thống văn bản của Đảng với các quy định của pháp luật; sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. 

Tham mưu xây dựng, ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định về việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức; quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách đối với viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi hoạt động theo hướng đẩy mạnh tự chủ; nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách ưu đãi trong việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,… 

Nghiên cứu, đổi mới phương pháp, quy trình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, lượng hóa các tiêu chí đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và gắn với tiêu chuẩn, yêu cầu của vị trí việc làm, công việc, sản phẩm cụ thể. 

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và áp dụng chế độ thanh tra, kiểm tra công vụ, quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ; kịp thời xử lý nghiêm những cá nhân có sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục triển khai xây dựng, vận hành có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước; rà soát, hoàn thiện vị trí chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức ngành Nội vụ…
 
Về cải cách tài chính công, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc và trực thuộc Bộ. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng ngân sách nhà nước trong phạm vi thẩm quyền được giao; mở rộng công khai minh bạch tài chính đối với việc quản lý sử dụng ngân sách. 

Tiếp tục cải tiến công tác dự toán, phân bổ, cân đối ngân sách nhà nước và quản lý chi tiêu để tạo sự chủ động, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường các giải pháp nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Nội vụ…
 
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, xử lý công việc nội bộ nhằm đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động; triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Nội vụ đến 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục cập nhật, triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Nội vụ phiên bản 2.0, triển khai theo lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình của Bộ Nội vụ. 

Cập nhật, vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; tiếp tục đẩy mạnh triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, giữa Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương theo quy định tại Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử trong hệ thống hành chính nhà nước; xây dựng các giải pháp, phần mềm ứng dụng nhằm liên thông hệ thống văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ với phần mềm Voffice của Bộ. 

Thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử; tiếp tục đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, định danh số, chuyển đổi số và niêm phong điện tử trong xử lý văn bản hành chính, cắt giảm giấy tờ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ. 

Xây dựng và phát triển kho dữ liệu điện tử, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, cung ứng dịch vụ công của Bộ Nội vụ và chia sẻ dữ liệu theo quy định của pháp luật; xây dựng Hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp; xây dựng các kênh tương tác trực tuyến để người dân tham gia, giám sát hoạt động xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ…

Để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trên, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu, tầm quan trọng của cải cách hành chính; xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, đơn vị. 

Xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. 

Đồng thời, cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nội vụ; đồng thời tăng cường tính chủ động, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để cải cách hành chính trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của Bộ.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm