Cùng dự buổi họp báo có ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi họp báo
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã đồng hành cùng Bộ Nội vụ trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng mong muốn trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền sâu đậm hơn các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Thông tin cho báo chí, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, đề án về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ như: lĩnh vực tổ chức, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; văn thư, lưu trữ; công tác tôn giáo… Đặc biệt là đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6/2022 và trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình 2 kỳ họp.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương rà soát, tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với việc xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Trung ương bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định của 26 bộ, ngành.
“
Hết năm 2021, về tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, đã giảm 561 xã, 8 huyện, 2.099 phòng và tương đương phòng cấp tỉnh, cấp huyện. Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ngay khi có kết quả sắp xếp, Bộ Nội vụ sẽ công khai trên các phương tiện thông tin, báo chí.
Bên cạnh đó, tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ theo tinh thần những đơn vị phục vụ trực tiếp nhiệm vụ quản lý nhà nước thì giữ lại, các đơn vị khác có thể phân cấp cho địa phương hoặc chuyển sang cơ chế tự chủ. Khó khăn lớn nhất là nhận thức và đồng thuận” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Về quản lý công chức, viên chức cũng là vấn đề nóng bỏng, do đó, Bộ Nội vụ đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ và cắt giảm các loại chứng chỉ như bỏ chứng chỉ về tin học, ngoại ngữ, các loại chứng chỉ bồi dưỡng khác… Phân cấp về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, thăng hạng, Bộ Nội vụ chỉ chủ trì thi nâng ngạch, thăng hạng lên chuyên viên cao cấp để bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bộ, ngành và địa phương trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Nội vụ đang đề nghị các bộ ngành địa phương thực hiện tốt Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Về lĩnh vực cải cách hành chính, thời gian qua, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; tham mưu Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đánh giá kết quả CCHC năm 2021 và ban hành Kế hoạch hoạt động CCHC năm 2022, Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2022. Đồng thời, tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX 2021) năm 2021 của các Bộ, các địa phương. Theo đó, chỉ số PAR INDEX năm 2021 bình quân đạt 86,37% tăng 2,65 điểm phần trăm so với năm 2020 (83,72%); Chỉ số SIPAS năm 2021 bình quân đạt 87,16% tăng 1,68 điểm phần trăm so với năm 2020 (85,48%).
Thông qua đó, đã thấy được những tác động rõ nét về công tác cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính được nâng lên…
Quang cảnh buổi họp báo
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022 và năm 2021 là sự nỗ lực vượt bậc của Bộ Nội vụ trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đạt được những kết quả đó là sự chia sẻ, đồng hành của các cơ quan thông tin, báo chí ở Trung ương và địa phương. Các bài viết có sức lan tỏa mạnh mẽ, truyền tải thông điệp tích cực, đổi mới, kịp thời; báo chí đã dành sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc, tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao trong mọi tầng lớp Nhân dân, đóng góp to lớn vào kết quả đạt được của Bộ Nội vụ. Thay mặt Bộ, ngành Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tin, báo chí.
Trong thời gian tới, các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ còn nhiều khó khăn như: tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18, 19 và các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ; tiến hành tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18,19 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2025, từ đó giảm đầu mối các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công chức, viên chức và các lĩnh vực quản lý nhà nước khác của Bộ. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong rằng, các cơ quan thông tin, báo chí sẽ tiếp tục gắn bó, đồng hành, tiếp tục thông tin mạnh mẽ các nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ tới mọi tầng lớp Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tặng Bằng khen cho các phóng viên, biên tập viên
Nhân dịp Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/1925-21/6/2022 và để ghi nhận những thành tích xuất sắc của các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã quyết định tặng Bằng khen cho 05 phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí: Thông Tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội, Báo điện tử Vietnamnet, Báo điện tử Vnexpress và Báo Hà Nội mới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tặng Bằng khen cho 05 phóng viên, biên tập viên
Trả lời các cơ quan báo chí xung quanh việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc lấy ý kiến Nhân dân về đề xuất tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất đối với ông Nguyễn Văn Trì, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang gây xôn xao dư luận, ông Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết, việc Vĩnh Phúc lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh mới chỉ là một bước trong quy trình thi đua, khen thưởng. Sau khi tiếp nhận ý kiến của Nhân dân trong khoảng thời gian nhất định thì sẽ hoàn tất thông tin, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trả lời báo chí
Hiện nay, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương chưa nhận được tờ trình của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và khi tiếp nhận hồ sơ thì Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương sẽ xem xét, đối chiếu với các quy định liên quan và có ý kiến chính thức.
Thông tin thêm về việc này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các quy định khen thưởng của Nhà nước hiện nay rất chặt chẽ, được làm một cách thận trọng và đảm bảo đúng theo các quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
Liên quan đến dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, các bộ, ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam trả lời báo chí
Hiện nay Bộ Giao thông vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban chỉ đạo.
Theo ông Vũ Hải Nam, có 03 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ, gồm: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; Chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; Được phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
Đối chiếu vào đó thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành, lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.
Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Nguyễn Tuấn Ninh trả lời báo chí
Về kiểm định chất lượng đầu vào của công chức, ông Nguyễn Tuấn Ninh, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức cho biết, việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức là một nội dung mà Bộ Nội vụ cũng như Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức 03 cuộc hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Sau khi dự thảo Nghị định được hoàn thiện, Bộ Nội vụ sẽ gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đăng tải công khai xin ý kiến Nhân dân trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Nội vụ, dự kiến hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 9/2022.
“
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay chứ không phải thí điểm nữa. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa bằng nghị định. Khi Nghị định có hiệu lực, sẽ tạo sự thống nhất, đồng bộ cũng như mặt bằng chung đầu vào công chức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay” - ông Nguyễn Tuấn Ninh nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà kết luận buổi họp báo
Kết luận buổi họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà một lần nữa gửi lời cảm ơn tới các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương; đồng thời, mong muốn trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền sâu đậm hơn các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.
Thanh Tuấn