BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập

07/07/2022 16:25

Sáng ngày 07/7, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập (Đề án).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng ban Ban soạn thảo chủ trì cuộc họp. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại cuộc họp

Dự cuộc họp có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập là đại diện một số Bộ, ngành và địa phương.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp mà Ban soạn thảo, Tổ biên tập được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập với tinh thần, trách nhiệm cao, tập trung thời gian nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến, ý tưởng vào một số nội dung trong dự thảo Kế hoạch xây dựng và dự thảo Đề cương Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể tập trung vào một số vấn đề:

Đối với dự thảo Kế hoạch, gồm: nội dung; các nhiệm vụ cụ thể; các đề án, chuyên đề mà các Bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì thực hiện; thời gian dự kiến hoàn thành các đề án, chuyên đề; khảo sát ở địa bàn nào và thành phần gồm những ai; kinh nghiệm quốc tế; đổi mới mô hình cơ cấu, tổ chức quản lý trong từng giai đoạn; chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang doanh nghiệp; Đẩy mạnh tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập; kinh phí; nghiên cứu những mô hình hay, cách làm tốt tại một số Bộ, ngành, địa phương và kinh nghiệm quốc tế;…

Đối với dự thảo Đề cương Đề án: Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị, trên cơ sở ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập ngày hôm, bộ phận thường trực Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện một lần nữa dự thảo Kế hoạch triển khai và dự thảo Đề cương Đề án lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo bằng văn bản.

Thứ trưởng cũng gợi mở một số nội dung trong dự thảo Đề cương Đề án để các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tập trung trao đổi, thảo luận và cho ý kiến như: thực trạng; đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; đề xuất cơ chế quản lý, tổ chức hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập; đánh giá tác động;…

Trường hợp cần thiết sẽ tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để hoàn thiện Đề cương Đề án trình cấp có thẩm quyền đúng tiến độ và chất lượng được giao, kịp thời triển khai trong thời gian tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Đào Thị Hồng Minh
công bố các Quyết định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc Đề án

Tại cuộc họp, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập và các đại biểu tham dự đã được nghe Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Vũ Hải Nam trình bày tóm tắt dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng và đề cương Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.


Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế Vũ Hải Nam trình bày dự thảo Kế hoạch triển khai và Đề cương Đề án tại cuộc họp.

Theo dự thảo Kế hoạch, phạm vi gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương.

Về nội dung triển khai, dự thảo Kế hoạch tập trung: a) Đánh giá việc hoàn thiện thể chế liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập. Đánh giá về hiệu quả, hoàn thiện thể chế liên quan đến đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó tập trung vào đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 08/NQ-CP như: xây dựng và hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá và lộ trình tính đủ giá; cơ chế giao vốn và tài sản cho đơn vị sự nghiệp công lập; cơ ché, chính sách khuyến khích xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công…; b) Đánh giá kế quả thực hiện về sắp xếp, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo từng ngành, lĩnh vực và theo phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2015 - 2021, trong đó làm rõ về kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân; c) Đề xuất phương hướng và giải pháp cụ thể về đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn đầu mối, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương phù hợp với định hướng đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ; d) Tổng hợp, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trình Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo Kế hoạch cũng dự kiến danh mục Đề án, chuyên đề, nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai theo tiến độ trong thời gian tới.

Phát biểu góp ý tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính Nguyễn Trường Giang đánh giá đây là Đề án có phạm vi, đối tượng rất rộng và khó đã được Chính phủ giao; Vì vậy, cần có sự thống nhất, đồng lòng của các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trình Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng được giao.

Sau cuộc họp, Bộ Nội vụ cần có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị đánh giá về tổ chức, cơ chế, biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành, địa phương mình và đề xuất các giải pháp.

Về dữ liệu: ông Nguyễn Trường Giang đề xuất Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần thiết kế biểu mẫu và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cung cấp số liệu để trên cơ sở đó sẽ phân tích định lượng.

Còn về đổi mới cơ chế, tổ chức, biên chế cần phải gắn với tài chính và theo hướng bỏ cơ chế cứng và tăng cường cơ chế mềm nhằm tăng tính cạnh tranh giữa đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị ngoài công lập trên cơ sở đảm bảo lợi ích, chất lượng dịch vụ công tốt nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đối với dự thảo Đề cương, đề nghị cần bổ sung một số nội dung cho phù hợp như: đánh giá triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp trong công ty cổ phần, trong đó, ưu tiên vào nghiên cứu, đánh giá một số lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp;…

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Bách Việt nhất trí với ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và ý kiến góp ý của thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và đề nghị phần nội dung của Đề cương Đề án cần bám sát nội dung, số liệu trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Kinh tế Trung ương để đảm bảo tính thống nhất.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn thống nhất việc xây dựng chuyên đề của từng Bộ, ngành, địa phương: Tiến độ, kinh phí, chất lượng, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá hoạt động của các Trường thuộc quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương.

Còn đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Thành Lệ cho rằng, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần đang bị vướng bởi quy định về điều kiện chuyển đổi, vì vậy, đề nghị Bộ Nội vụ có văn bản gửi các Bộ, ngành sớm ban hành quy định phê duyệt quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để làm căn cứ Bộ phê duyệt mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Huyền thống nhất với nội dung phân công nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ trong dự thảo Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án. Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, cần lựa chọn nghiên cứu đại diện một số địa phương, phân vùng kinh tế - xã hội,… từ đó đề ra phương án sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập tại các địa phương trong cả nước.

Về kinh phí thực hiện, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thống nhất những nội dung nào do Bộ Nội vụ chủ trì thì sẽ tự chủ động kinh phí. Những nội dung nào giao cho các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, Bộ Nội vụ cần có văn bản đề nghị tự bố trí kinh phí để đảm bảo phù hợp với từng ngành, lĩnh vực.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ Cao Huy Long cho rằng, dự thảo Đề cương Đề án cần làm rõ để toát lên hai vấn đề khi xây dựng Đề án, đó là: Một là, cơ chế quản đơn vị sự nghiệp công lập. Hai là, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá toàn bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập Bộ, ngành, địa phương để sắp xếp, tổ chức lại cho phù hợp.

Về nội dung trong dự thảo Kế hoạch, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương. Cần có đánh giá cơ chế quản lý, cơ chế vận hành hiện nay có những ưu điểm, hạn chế gì, từ đó đổi mới cơ chế quản lý hay tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập như thế nào cho phù hợp.

Đề xuất sau buổi họp hôm nay, Tổ biên tập tổng hợp ý kién góp ý, chỉnh sửa và hoàn thiện gửi xin ý kiến trực tiếp các thành vào dự thảo. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai.


Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) Nguyễn Huyền Hạnh phát biểu tại cuộc họp

Tại cuộc họp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước Nguyễn Huyền Hạnh cho rằng, trong dự thảo Kế hoạch có một số chuyên đề là theo cơ chế đặt hàng các chuyên gia. Vì vậy, các chuyên đề do các Bộ, ngành, địa phương chủ trì xây dựng cần có sự thống nhất với việc xây dựng chuyên đề của các chuyên gia để thuận lợi cho việc tổng hợp và xây dựng Đề cương Đề án.

Cũng tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã trao đổi thêm về một số vấn đề như: tài chính; chi thường xuyên; quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp ngành, lĩnh vực tại các Bộ, ngành khi triển khai thực hiện quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cơ chế quản lý đối với lĩnh vực đặc thù ngành; số liệu; giao nhiệm vụ và đặt hàng; định mức kinh tế - kỹ thuật; vai trò của các Bộ, ngành trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập;…


Toàn cảnh cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm và tâm huyết của thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập và các đại biểu; đồng thời, đề nghị các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập ngoài những ý kiến góp ý tại cuộc họp có thể tham gia trực tiếp vào dự thảo và gửi lại Tổ biên tập để tổng hợp.

Thứ trưởng đề nghị, Thứ nhất thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập tham gia góp ý cần phải cụ thể, tránh trường hợp tập trung vào Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bởi, Đề án này tập trung vào 2 nội dung chính là: (1) Đổi mới cơ chế quản lý và (2) Tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ hai, trong quá trình xây dựng Đề án, một số Bộ, ngành, địa phương đã làm thí điểm, những gì tốt cần nghiên cứu phát huy, nhân rộng và những gì yếu kém thì cần có giải pháp khắc phục.

Thứ ba, việc xây dựng Kế hoạch triển khai cần cụ thể, làm rõ phạm vi, nội dung, kế hoạch và tiến độ triển khai, kinh phí triển khai thực hiện như thế nào?, phân công rõ nhiệm vụ, đầu việc của từng thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập. Khi cần, thành viên Ban soạn thảo cần báo cáo xin ý kiến trực tiếp Ban soạn thảo. Bộ phận thường trực dự thảo Kế hoạch, công văn của Bộ Nội vụ gửi lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo để sớm trình ban hành theo đúng tiên độ.

Thứ tư, khi xây dựng Đề cương Đề án cần nêu rõ các phần, mục, đặc biệt là phần nội dung cần làm rõ 2 nội dung: (1) Đổi mới cơ chế quản lý và (2) Tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, cần tính toán kỹ lưỡng và đánh giá tác động một cách chi tiết trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ năm, giao Vụ Tổ chức - Biên chế phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, ngành, để khi Đề án hoàn thiện sẽ tiến hành trình cấp có thẩm quyền ban hành làm cơ sở để triển khai ngay.

Thứ sáu, đối với phân công nhiệm vụ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh thêm, Bộ nào, tỉnh nào cần chủ động xây dựng chuyên đề của Bộ, tỉnh mình? Trong đó đề ra các giải pháp, phương hướng đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ, tỉnh mình.

Thứ bảy, cần duy trì chế độ thông tin giữa thành viên Ban soạn thảo, thành viên Tổ biên tập với nhau và giữa thành viên Ban soạn thảo và bộ phận thường trực Ban soạn thảo để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung cho phù hợp với quy định, đảm bảo tính thống nhất, khả thi, chất lượng và tiến độ được giao.

Thứ trưởng yêu cầu, trước ngày 12/7 sẽ ban hành dự thảo Kế hoạch phân công chi tiết cho các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ biên tập của Đề án; đồng thời, trước ngày 15/7 phải hoàn thành dự thảo Đề cương Đề án.

Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập phát biểu tại cuộc họp:







 

Anh Cao

Tìm kiếm