BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Họp Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập

22/02/2017 08:37

Sáng ngày 21/02/2017, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ,
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại cuộc họp

Dự cuộc họp có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; Lãnh đạo, đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đào Thị Hồng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ công bố nội dung Quyết định số 150-QĐ/BCSĐ ngày 09/11/2016 của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng chí Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ
giới thiệu nội dung dự thảo Kế hoạch triển khai và Đề cương Đề án

Đồng chí Đào Thị Hồng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ
công bố Quyết định của Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ sự nghiệp công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu về dịch vụ sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… Nhiều người dân có khả năng chi trả cao để được hưởng thụ dịch vụ sự nghiệp công chất lượng cao. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của các tầng lớp nhân dân cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những biện pháp đó là phải đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập theo hướng nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực lao động, tài chính, tổ chức bộ máy…

Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nói riêng. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế. Mặt khác, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn, hợp lý dẫn đến hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả. Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động khai thác nguồn thu thực hiện chế độ tự chủ, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi đối với dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi ngân sách nhà nước đối với hoạt động dịch vụ công, thì việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết.

Đây là cuộc họp lần đầu tiên được Bộ Nội vụ tổ chức để công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; Giới thiệu dự thảo Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập xây dựng Đề án; Giới thiệu Đề cương Đề án; Lấy ý kiến góp ý của các đại biểu dự họp vào dự thảo Kế hoạch, Đề cương Đề án.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Kế hoạch và Đề cương Đề án. Các ý kiến của đại biểu chủ yếu tập trung góp ý vào các nội dung liên quan đến: tên gọi của Đề án; Sự cần thiết của Đề án; Yêu cầu và nguyên tắc lập Đề án; đánh giá được thực trạng tình hình đổi mới cơ chế quản lý mà chủ yếu tập trung vào các quy định hiện hành liên quan đến cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, hệ thống tổ chức, người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; đánh giá tổng quát về thực trạng như số lượng, chất lượng dịch vụ, hiệu quả thực hiện, mức độ hài lòng của người dân và cả kinh nghiệm quốc tế của những nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam, nguyên tắc xây dựng Đề án….

Liên quan đến quan điểm, mục tiêu, giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trong Đề cương, các đại biểu đề nghị cần bám sát theo tinh thần của Đại hội Đảng XII và kế thừa một số nội dung liên quan đến các Nghị quyết của Trung ương trước đây và đặc biệt là Nghị quyết đại hội Đảng XII và Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Về đánh giá thực trạng, các đại biểu đề nghị tập trung vào 3 nội dung chính: cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, đánh giá thực trạng tập trung vào việc cần đổi mới cơ chế quản lý nào, đổi mới cơ chế tài chính nào…, thực trạng của các đơn vị sự nghiệp hiện nay là gánh nặng rất lớn mà nhà nước đã bao cấp, vì vậy, cần đổi mới để tạo ra đột phá cho toàn bộ quá trình đổi mới cơ chế về đơn vị sự nghiệp công lập với những quan điểm chủ đạo của Đại hội XII...

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp cụ thể, rất có giá trị của thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; đồng thời, yêu cầu thường trực Tổ Biên tập tiếp thu chi tiết các ý kiến tại cuộc họp để bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Kế hoạch, Đề cương Đề án và báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng, thực hiện Đề án. Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng thống nhất lại một số vấn đề như sau: (1) Về tên của đề án, trong Chương trình toàn khóa của Trung ương đã nói rõ là “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”, vì vậy, tên của Đề án giữ nguyên cho phù hợp. Phạm vi, đối tượng áp dụng, đánh giá hiện trạng,… sẽ theo đúng khuôn khổ như tên Đề án. Việc đánh giá hiện trạng hiện nay là tổng thể của những đổi mới từ trước cho đến nay. (2) Về Kế hoạch, để trình Trung ương vào tháng 10, cần phải làm nhanh và kết hợp nhiều công việc cùng một lúc, hạn chế tối đa việc tổ chức họp mà gửi lấy ý kiến để tiết kiệm thời gian, những vấn đề gì chưa thống nhất còn có ý kiến khác nhau mới cần họp để thống nhất. Thứ trưởng đề nghị Tổ Biên tập qua ý kiến góp ý của các đại biểu cần điều chỉnh lại tiến độ trong Kế hoạch cho hợp lý. (3) Sản phẩm đầu ra của Đề án, xác định vấn đề nào nội dung nào là trọng tâm, vấn đề nào nội dung nào là trọng điểm để đưa ra lộ trình thực hiện.

Thứ trưởng cũng đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập nỗ lực, dành thời gian và tâm huyết để việc xây dựng và thực hiện Đề án đạt được những kết quả cao nhất để trình Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đúng tiến độ, thời gian mà Ban Chỉ đạo đã đặt ra.

Toàn cảnh cuộc họp

Anh Cao
Tìm kiếm