Đồng chí Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Đề án và đồng chí Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó Trưởng ban đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập xây dựng đề án; Đại diện Lãnh đạo tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… Để đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị công lập, đồng thời cần phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, nên cần đẩy mạnh đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công lập. Hiện nay, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn, phù hợp dẫn đến hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Ngân sách nhà nước phải chi phí rất lớn cho sự nghiệp công, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước gấp 8 lần so với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện. Để cải cách chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tái cơ cấu ngân sách nhà nước và chế độ tiền lương. Đáp ứng được nhu cầu thực tiễn thì cần phải nâng cao hoạt động hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm chi ngân sách nhà nước đối với các hoạt động dịch vụ công và đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị hội thảo tập trung nghiên cứu, góp ý dự thảo Đề cương Đề án, các nội dung như bố cục đề án, cơ chế quản lý tài chính, tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ các đơn vị sự nghiệp công lập. Về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp trong dự thảo, tính phù hợp, khả thi của 07 nhóm nhiệm vụ trong dự thảo và những đề xuất, kiến nghị về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với ngành, lĩnh vực. Đồng thời cần trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tại địa phương về những kết quả đạt được, hạn chế vướng mắc và đề xuất các giải pháp kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
Trên cơ sở báo cáo của 28 Bộ, ngành và 57 địa phương, (các Bộ, ngành chưa gửi báo cáo, gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Các địa phương chưa gửi báo cáo, gồm: Hải Phòng, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Bình Phước, Đồng Nai, Phú Yên), năm 2011, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương là 54.396 đơn vị, Tính đến thời điểm 31/12/2016, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương giảm 538 đơn vị còn 53.858 đơn vị, chủ yếu giảm ở các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương so với các đơn vị sự nghiệp công thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Về thực hiện cơ chế tự chủ, Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Có 1.109 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính (tăng 97 đơn vị so với năm 2011), gồm: 208 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (tăng 20 đơn vị so với năm 2011); 526 đơn vị đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí (tăng 86 đơn vị so với năm 2011) và 256 đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (giảm 05 đơn vị so với năm 2011). Đối với các địa phương: Có 49.465 đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ về tài chính (giảm 978 đơn vị so với năm 2011), gồm: 1.366 đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (giảm 59 đơn vị so với năm 2011); 8.966 đơn vị đơn vị sự nghiệp đảm bảo một phần chi phí (giảm 92 đơn vị so với năm 2011) và 39.009 đơn vị do NSNN bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (giảm 951 đơn vị so với năm 2011).
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại biểu tham dự đã nghiêm túc, trách nhiệm đóng góp ý kiến, đề xuất bổ sung nội dung của dự thảo Đề cương Đề án; đồng thời trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, những kết quả đã đạt được và làm rõ thêm những vấn đề hạn chế, vướng mắc, bất cập về các quy đinh của pháp luật và quá trình triển khai thực hiện trong việc thực hiện cơ chế quản lý, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lâp. Kinh nghiệm, kết quả trong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiểu quả và tinh giản biên chế; giải pháp phân cấp giữa Trung ương và địa phương.