Cùng dự Hội thảo có đồng chí: Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Phan Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đại diện các cơ quan công tác liên ngành về tôn giáo ở Trung ương; các nhà khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý tôn giáo.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Theo Báo cáo tại Hội thảo, từ khi thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương đến nay, nhất là từ khi quan điểm “đổi mới” về tôn giáo được thể chế hóa thành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, các tôn giáo ở nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về tổ chức, cơ sở thờ tự, số lượng tín đồ. Đến năm 2017, nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 15 tôn giáo với khoảng 24,3 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số. Sau gần 15 năm thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, số lượng cơ sở thờ tự là 27.916 (tăng 15,2 %), số chức sắc 53 ngàn (tăng 55%), số chức việc 133.662 (tăng 69%), tín đồ tăng 35%. So sánh với thời điểm trước và sau khi có Pháp lệnh cho thấy nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân gia tăng. Các hoạt động tôn giáo nhìn chung diễn ra nề nếp, tuân thủ pháp luật và thuần túy tôn giáo.
Xu hướng “đồng hành cùng dân tộc” của các tôn giáo ngày càng khẳng định rõ nét dưới nhiều hình thức. Đại đa số chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo có ý thức dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, xuất hiện nhiều tấm gương sáng “sống tốt đời đẹp đạo” trong đời sống xã hội. Các tổ chức tôn giáo đều xây dựng và thực hiện đúng đường hướng, phương châm hành đạo gắn bó với dân tộc; tăng cường hoạt động từ thiện đóng góp ngày một lớn cho công tác an sinh xã hội như: việc nuôi dạy trẻ mồ coi, trẻ khuyết tật, giáo dục mầm non, dạy nghề, khuyến học… góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Gần đây, các tổ chức tôn giáo có xu hướng tham gia vào đời sống chính trị sâu rộng hơn, tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Bên cạnh đó, nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của ngành quản lý nhà nước có thay đổi rõ rệt, định kiến mặc cảm với tôn giáo cơ bản được khắc phục, thay vào đó tôn giáo được nhìn nhận là “nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân”, được từng bước đáp ứng, giải quyết. Đặc biệt, là nhận thức của chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo về chính sách, pháp luật và công tác tôn giáo cũng thay đổi tích cực. Không những chỉ làm thay đổi ở trong nước mà bạn bè quốc tế nhìn nhận, đánh giá về chính sách, pháp luật và việc thực hiện của Việt Nam tốt hơn, tạo môi trường thuận lợi trong mở cửa hội nhập hợp tác với nước ngoài.
Từ sau Nghị quyết số 25-NQ/TW, các quy định pháp lý về lĩnh vực tôn giáo (Hiến pháp, Luật và các chính sách khác) ngày càng hoàn thiện và đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của mọi người dân tốt hơn, tạo điều kiện thuận lọi cho các tôn giáo hoạt động. Quyền tự do tôn giáo được đảm bảo trên nguyên tắc Hiến định: Hiến pháp 1992 khẳng định đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tự do của công dân và Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng hơn và khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là quyền con người; đặc biệt, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 là văn bản pháp lý cao nhất đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc tinh thần của Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo, với nhiều điểm tiến bộ, xác định rõ chủ thể, có quy định chương riêng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quy định pháp nhân tôn giáo; quyền hoạt động tôn giáo của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam…
Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo được tăng cường, định hướng rõ, đồng thời triển khai theo hướng nhìn nhận sự tồn tại khách quan của tôn giáo trong đời sống xã hội, giảm thiểu khác biệt và từng bước bình thường hóa đưa hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật. Chính quyền các cấp nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, quyền hạn của mình; đặc biệt, là việc cấp phép xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở thờ tự tôn giáo, thuyên chuyển bổ nhiệm chức sắc và chức việc theo pháp luật… một số lễ trọng lớn của các tôn giáo đã trở thành lễ hội chung của nhân dân được lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi chúc mừng, tạo sự đồng thuận của chức sắc, chức việc ủng hộ, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo đạt hiệu quả.
Trong 15 năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đẩy mạnh việc bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, đây là lực lượng trực tiếp tham mưu, giải quyết những công việc hàng ngày liên quan đến chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia góp ý, trao đổi thảo luận nhiều nội dung, vấn đề về hoạt động tôn giáo, công tác quản lý tôn giáo để hoàn thiện Báo cáo của Bộ Nội vụ và Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trình Bộ Chính trị. Các đại biểu thống nhất đánh giá việc một số nơi cấp ủy Đảng, chính quyền còn chưa quan tâm đúng mức về lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tôn giáo; chậm đổi mới phương thức lãnh đạo. Cơ chế phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tôn giáo của một số bộ, ngành chức năng và chính quyền một số địa phương còn hạn chế, phụ thuộc quá nhiều vào công tác phối hợp liên ngành. Công tác thể chế pháp luật còn chậm, chưa phát huy tốt vai trò của các tôn giáo trong tham gia chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục, dạy nghề; việc phát huy các giá trị văn hóa đạo đức của tôn giáo trong đời sống xã hội chưa được nhiều; chưa ngăn chặn kịp thời sự tha hóa, lệch chuẩn, biến thái của tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tín ngưỡng, tôn giáo mới…
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá cao hai báo cáo tổng kết của Bộ Nội vụ và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cùng ý kiến góp ý, trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự Hội thảo. Tuy nhiên, để có một bản báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương hoàn thiện trình Bộ Chính trị vào ngày 10/8/2017, các vấn đề về quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc, tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số, quan hệ giữa tôn giáo và tín ngưỡng, tôn giáo và văn hóa - những điểm tích cực, tiêu cực, vấn đề lợi dụng tôn giáo, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, vấn đề phân biệt đối xử, vấn đề đất đai, vấn đề tôn giáo mới, vấn đề đoàn kết trong hoạt động tôn giáo, vấn đề thông tin tuyên truyền và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng đối với vấn đề tôn giáo, vấn đề liên tôn giáo cần được tiếp tục bổ sung, làm rõ. Đồng chí Trương Thị Mai cũng yêu cầu Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ tiếp tục cập nhật số liệu, so sánh đối chiếu số liệu từ năm 2003 tới nay và lập danh mục các tôn giáo mới, số liệu, địa bàn để trình Bộ Chính trị. Đặc biệt, Bộ Nội vụ cần tiếp tục có các đề xuất cụ thể với Bộ Chính trị về hoạt động quản lý nhà nước đối với tôn giáo và tổ chức bộ máy.

Toàn cảnh Hội thảo