Toàn cảnh Hội thảo
Đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) và đồng chí Phạm Văn Linh, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo của Ban (Vụ) Tổ chức - Cán bộ của một số ban đảng Trung ương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; Ban Công tác đại biểu Quốc hội; Vụ Tổ chức - Biên chế, Vụ Pháp chế (Bộ Nội vụ); lãnh đạo Ban Tổ chức tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội một số tỉnh khu vực phía Bắc cùng các chuyên gia, nhà khoa học chuyên về lĩnh vực tổ chức, cán bộ.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ “Đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách quản lý biên chế theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo”, “Hoàn thiện thể chế, quy định về công tác cán bộ, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí, cơ chế đánh giá cán bộ”. Do đó, việc phân tích thực trạng, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế, đặc biệt là quản lý biên chế gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm trong tình hình hiện nay là vấn đề thực sự cấp bách, có vai trò hết sức quan trọng, bảo đảm cho các chủ trương của Đảng thực sự đi vào cuộc sống. Việc này cần có sự bàn thảo kỹ lưỡng của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý đại diện các vụ (ban) tổ chức - cán bộ của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn.
Đồng chí Lê Việt Trung, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) phát biểu khai mạc tại Hội thảo.
Đồng chí Lê Việt Trung cho rằng, Hội thảo là diễn đàn khoa học để các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học am hiểu sâu sắc về lĩnh vực tổ chức xây dựng Đảng trao đổi, thảo luận các vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Đây là những luận cứ khoa học quan trọng để Viện Khoa học tổ chức, cán bộ tiếp thu, hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học và có những đề xuất, kiến nghị thiết thực, khả thi với lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương.
Các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo quản lý tham dự Hội thảo đã đóng góp nhiều ý kiến trao đổi nhằm làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan đến việc hệ thống hóa những vấn đề lý luận về quản lý biên chế công chức; đặc điểm, vai trò và nội dung của quản lý biên chế công chức trong các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; luận giải làm rõ quan điểm, nguyên tắc quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm trong khối cơ quan này.
Bên cạnh đó, với kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn, các đại biểu cũng phân tích đánh giá thực trạng công tác quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm trong các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, chỉ ra ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra hiện nay đối với công tác quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm.
Các đại biểu tham gia trao đổi góp ý tại Hội thảo.
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp chủ yếu, khả thi nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, trọng tâm là tại các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trước những yêu cầu của tình hình mới đối với công tác cán bộ của Đảng.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài "Quản lý biên chế công chức trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm ở khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội: Thực trạng và giải pháp" và Ban Chủ nhiệm Đề án "Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị - Lý luận và thực tiễn tại Việt Nam" cần làm rõ thêm một số nhóm vấn đề như những vấn đề lý luận về Đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế... để tạo sự thống nhất về nhận thức; đặc điểm chung, nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả của vấn đề quản lý biên chế, tiêu chuẩn biên chế...; khung tiêu chuẩn, tiêu chí nhằm đánh giá đúng, thực chất cán bộ; những chủ trương, đường lối, văn bản, quy định nào của Đảng còn đang tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực hiện; tham vấn thêm các kinh nghiệm quốc tế về quản trị bộ máy, hướng tới sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ phải thạo việc, tạo ra sự minh bạch trong công tác cán bộ; nêu rõ thực trạng, những vấn đề đặt ra, những bất cập, điểm nghẽn trong thực tiễn về tổ chức bộ máy tại Trung ương và địa phương; dự báo những vấn đề mới đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy, biên chế và đội ngũ cán bộ,...