BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học “Tổ chức cơ quan thực thi - Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam”

27/10/2022 12:29

Sáng ngày 26/10, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Tổ chức cơ quan thực thi - Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn Việt Nam”.

PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: TS. Thang Văn Phúc, TS. Trần Anh Tuấn; các chuyên gia, các nhà khoa học của một số Viện nghiên cứu, các Trường Đại học; đại diện một số Bộ, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo và nghiên cứu viên của Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ.

PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, hiện nay ở nước ta, cơ quan thực thi vẫn còn khái niệm tương đối mới và chủ yếu được đề cập đến trong một số diễn đàn, các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế. Vì vậy, nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất xây dựng mô hình tổ chức các cơ quan độc lập có chức năng thực thi pháp luật trên một số lĩnh vực là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm cải cách thể chế hành chính trong 10 năm tới là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Điều này cũng xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính ở Trung ương đã được đưa ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội… đều hướng tới mục tiêu tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho biết, xuất phát từ những yêu cầu trên, việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ sở lý luận và thực tiễn mô hình tổ chức cơ quan thực thi của một số nước trên thế giới; trên cơ sở đó đề xuất quan điểm, định hướng và điều kiện tổ chức mô hình cơ quan thực thi pháp luật ở nước ta hiện nay là hết sức cần thiết. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu phục vụ cho việc đề xuất hoàn thiện hệ thống hệ thống tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng đề nghị các tham luận, các ý kiến của các các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia chia sẻ, thảo luận tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, trao đổi, thảo luận để xác định, nhận diện, quan niệm về cơ quan thực thi là gì? trên thế giới có những mô hình như thế nào?, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan trên ra sao?

Hai là, ở Việt Nam hiện nay có những quan điểm, định hướng nào về việc tổ chức cơ quan thực thi? Thực tiễn ở Việt Nam đã có mô hình tổ chức/cơ quan nào tương tự hoặc gần giống với các cơ quan thực thi hay chưa? So sánh, đối chiếu với cách nhận diện trên để trao đổi, thảo luận về những ưu điểm, hạn chế của nó, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm gì cho việc tổ chức cơ quan thực thi phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Ba là, trao đổi, thảo luận qua thực tiễn Việt Nam thì những cơ quan, tổ chức thuộc lĩnh vực nào hiện nay có thể chuyển đổi cơ quan, tổ chức đó theo mô hình cơ quan thực thi có tính khả thi nhất? Những yêu cầu, đòi hỏi, điều kiện bảo đảm nào để tổ chức thành công mô hình cơ quan thực thi ở Việt Nam?

Thứ trưởng Triệu Văn Cường mong muốn các ý kiến đóng góp, thảo luận, trao đổi quý báu của quý vị đại biểu tại hội thảo khoa học sẽ cung cấp những luận cứ, thông tin khoa học và thực tiễn góp phần thực hiện thành công Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ đã đề ra.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tham luận tại Hội thảo

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Nhận diện cơ quan thực thi chính sách ở một số nước trên thế giới và những vấn đề gợi mở cho Việt Nam”, TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, xu hướng tại một số nước trên thế giới, để tách bạch việc ra chính sách và việc thực thi chính sách, một số cơ quan (bộ phận) thực thi chính sách được khuyến nghị ra đời cho phép phân phối các chức năng thực hiện chính sách công của Chính phủ được thực hiện tách biệt nhưng trong khuôn khổ luật pháp. Đồng thời, một số cơ quan tập trung vào việc ban hành và làm chính sách, sau đó chuyển giao chính sách sang cho các cơ quan khác thực thi chính sách bao gồm: (1) Cung cấp dịch vụ cơ bản cho chính sách của cơ quan đó; (2) Thực hiện các chức năng theo luật định hoặc quy định; (3) Cung cấp dịch vụ cho các bộ phận khác của chính quyền trung ương bằng các kỹ năng chuyên môn và (4) Cung cấp các chức năng chuyên biệt cho vai trò cốt lõi của bộ phận thực thi chính sách tại một số nước như Anh, Hoa Kỳ, Canada, Hà Lan, Nhật Bản và Singapore.

Cũng theo TS. Lê Anh Tuấn, cơ quan thực thi chính sách có các đặc điểm như: Nằm ngòai chức năng trực tiếp hoạch định chính sách, pháp luật; thường không thực hiện chức năng quản lý nhà nước; Có năng lực tổ chức thực hiện chính sách; cung ứng dịch vụ công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp; các cơ quan thực thi chính sách thường không nằm trong cơ cấu Chính phủ, có tính độc lập tương đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo ra khách quan trong quá trình thực thi.

Trên cơ nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và xuất phát từ quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hình chính ở Trung ương và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở Trung ương, TS. Lê Anh Tuấn cho rằng việc tổ chức/thành lập các cơ quan thực thi là một hướng đi đúng đắn và nên được áp dụng tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta đang ngày càng phát triển. Cơ quan thực thi ra đời nhằm giúp Chính phủ tránh được việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, giúp minh bạch hóa quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện các cơ quan thực thi còn giúp Chính phủ và nhà nước tinh gọn bộ máy, giảm thiểu nguồn nhân lực trong các đơn vị này nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

PGS. TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội tham luận tại Hội thảo

PGS. TS. Lê Minh Thông, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội tham luận với chủ đề “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ quan thực thi ở Việt Nam” cho rằng, trong cơ cấu bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ vẫn còn lẫn lộn, chồng chéo các chức năng, nhiệm vụ giữa các cấu trúc tham mưu, hoạch định chính scáh với các cấu trúc thực thi pháp luật, thực hiện quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành, tuân thủ pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ. Các cấu trú trong bộ máy các Bộ, cơ quan ngang Bộ như Tổng cục, Cục, Vụ, Viện… vẫn chưa quy định rõ nhiệm vụ, chức năng, đặc biệt mô hình Tổng cục, Cục vừa thực hiện chức năng tham mưu chính sách vừa thực hiện quản lý nhà nước chuyên ngành đang không thật sự hiệu quả và làm cồng kềnh bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ.

PGS. TS. Lê Minh Thông cũng gợi mở một số vấn đề để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, như: bản chất của cơ quan thực thi pháp luật; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan thực thi pháp luật; các loại hình cơ quan thực thi pháp luật; mô hình tổ chức các cơ quan thực thi pháp luật đặc thù và địa vị pháp lý của cơ quan thực thi pháp luật để đặt ra và nghiên cứu, xây dựng các luận cứ khoa học và thực tiễn, đổi mới tư duy về cơ quan thuộc Chính phủ để đề xuất một mô hình thích hợp về cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng thành lập một số cơ quan thực thi pháp luật đặc thù nhằm đảm bảo thực thi đầy đủ, nghiêm minh và công bằng các quy định pháp luật trong một số lĩnh vực quan trọng như: thuế và hải quan; an toàn, vệ sinh thực phẩm - dược phẩm; đảm bảo cạnh tranh, chống độc quyền; chứng khoán nhà nước; quản lý thị trường - bảo vệ người tiêu dùng;…

PSG. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại Hội thảo

Tham luận với chủ đề “Cơ quan thực thi, mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính/công quyền độc lập ở nước Pháp, vài liên hệ với Việt Nam”, PSG. TS. Nguyễn Hoàng Anh, Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cơ quan đầu tiên ở Pháp được thành lập theo mô hình này là cơ quan trung gian giải quyết khiếu nại công dân, tuy nhiên, trong luật được gọi là “nhà chức trách độc lập”. Phân loại các cơ quan độc lập có thể dựa trên các tiêu chí khác nhau. Nếu căn cứ vào tiêu chí mục tiêu hoạt động, có thể chia thành: (1) cơ quan giám sát hoạt động hành chính, bảo vệ quyền công dân và (2) cơ quan điều tiết các hoạt động kinh tế.

Về thẩm quyền của các cơ quan độc lập, gồm: thẩm quyền lập quy; thẩ quyền điều tra và xử lý vi phạm; thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

PSG. TS. Nguyễn Hoàng Anh cũng gợi mở một số nội dung để Hội thảo nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và tìm ra các giải pháp và mô hình mà Việt Nam.

Hội thảo cũng được nghe TS. Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ tham luận chủ đề “Nghiên cứu đề xuất tổ chức cơ quan thực thi đối với một số ngành, lĩnh vực ở Việt Nam”; TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương tham luận chủ đề “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương theo hướng cơ quan thực thi độc lập” và ThS. Nguyễn Phước Thọ, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ tham luận chuyên đề “Cơ sở pháp lý tổ chức mô hình cơ quan thực thi ở Việt Nam hiện nay”…

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng gợi mở, trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến việc tổ chức cơ quan thực thi như: xác định, nhận diện, quan niệm về cơ quan thực thi là gì? trên thế giới có những mô hình như thế nào? vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của cơ quan trên ra sao? quan điểm, định hướng nào về việc tổ chức cơ quan thực thi?...

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS. TS. Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự Hội thảo. Thứ trưởng giao Viện Khoa học tổ chức nhà nước tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các đại biểu làm nguồn tài liệu để nghiên cứu và đưa ra đề xuất, kiến nghị với Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền. 

Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ Nguyễn Ngọc Vân phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham luận và trao đổi tại Hội thảo:








 

Anh Cao

Tìm kiếm