BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 – 2030

20/07/2022 15:11

Sáng ngày 20/7, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học góp ý dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 – 2030
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, Trưởng Ban soạn thảo Đề án chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo và công chức của Vụ Tổ chức cán bộ/ đơn vị phụ trách cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Chỉ số cải cách hành chính đã được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và tổ chức quốc tế xây dựng và triển khai áp dụng từ năm 2012 để đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính nhà nước hàng năm của các bộ, các tỉnh. Đây được coi là công cụ quản lý quan trọng, giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác và khách quan về tình hình triển khai và kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh thông qua hệ thống các tiêu chí, tiêu chí thành phần được thiết kế theo từng lĩnh vực cải cách hành chính; khắc phục được tính chủ quan, định tính, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính; tăng cường sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh.

Về lý do phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa, thứ nhất, thời gian qua, có nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để điều chỉnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan đến cải cách hành chính cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu cải cách. Do vậy, cần phải rà soát lại để loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung cả nội dung, thang điểm đánh giá của một số tiêu chí, tiêu chí thành phần cho phù hợp với các quy định, chỉ tiêu mới. 

Thứ hai, một số tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa quy định rõ ràng, dẫn đến khó lượng hóa để đánh giá, cho điểm; vẫn còn một số bất cập các phiếu hỏi và công tác tổ chức triển khai hoạt động điều tra xã hội học, cần được sớm khắc phục... 

Thứ ba, các phương thức đánh giá, điều tra xã hội học cần tiếp tục được nghiên cứu, cải tiến cho phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao hơn nữa tính khách quan, công khai, minh bạch và công bằng trong đánh giá, xếp hạng kết quả cải cách hành chính hàng năm của các bộ, tỉnh.

Về trình tự, cách làm, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính với sự tham gia của các bộ, cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì triển khai các nội dung cải cách hành chính quy định tại Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. 

Từ đầu năm, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã tổ chức họp, tích cực nghiên cứu, trao đổi và đề xuất những nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính theo các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi các bộ, tỉnh nghiên cứu, đánh giá và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai thời gian qua. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã rà soát, nghiên cứu và dự kiến đề xuất một số nội dung sửa đổi, bổ sung cấu trúc Chỉ số, các tiêu chí, tiêu chí thành phần và thang điểm đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo đánh giá một cách định lượng, thực chất, khách quan và công bằng kết quả cải cách hành chính của các bộ, địa phương.

Nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức 04 cuộc hội thảo trong tháng 7/2022, đây là hội thảo đầu tiên. 03 hội thảo tiếp theo sẽ được thực hiện lần lượt ở một tỉnh phía Bắc, một cuộc tại miền Trung và một cuộc tại miền Nam.

Để đạt được sự thống nhất chung, làm cơ sở cho việc rà soát, hoàn thiện dự thảo Đề án để trình cấp có thẩm quyền ban hành theo kế hoạch, Thứ trưởng Nguyễn Trọn Thừa đề nghị các đại biểu thảo luận sâu, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, trong đó tập trung vào các nội dung: tên gọi của các lĩnh vực, tiêu chí đánh giá; thang điểm đánh giá; phương thức đánh giá qua báo cáo; nội dung phương thức điều tra xã hội học,...

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng báo cáo tại Hội thảo

Trình bày tóm tắt dự thảo Đề án, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng cho biết, mục tiêu chung của Đề án nhằm nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện nội dung tiêu chí, phương pháp xác định Chỉ số cải cách hành chính phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả triển khai cải cách hành chính hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Về phạm vi áp dụng là công tác theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các bộ, các tỉnh.

Về đối tượng áp dụng là các bộ, cơ quan ngang bộ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về cấu trúc, Bộ Chỉ số sẽ được chia thành các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực phân chia thành các tiêu chí, mỗi tiêu chí có thể được chi tiết thành các tiêu chí thành phần, cụ thể: 

Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ, bao gồm 07 lĩnh vực đánh giá: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; (2) Cải cách thể chế; (3) Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) Cải cách chế độ công vụ; (6) Cải cách tài chính công; (7) Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. 

Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, bao gồm 08 lĩnh vực đánh giá: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; (2) Cải cách thể chế; (3) Cải cách thủ tục hành chính; (4) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; (5) Cải cách chế độ công vụ; (6) Cải cách tài chính công; (7) Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; (8) Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Về thang điểm đánh giá, tổng điểm đánh giá là 100 điểm. Trong đó, dự kiến, tỷ lệ điểm điều tra xã hội học dao động từ 30% - 40% số điểm, tùy thuộc vào số lượng các tiêu chí đánh giá. Thang điểm đánh giá được xác định cụ thể đối với từng tiêu chí, tiêu chí

Về phương pháp đánh giá, sẽ đánh giá qua báo cáo và đánh giá qua điều tra xã hội học…

Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Lê Tuấn Phong phát biểu tại Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cáo sự chuẩn bị công phu, khoa học của Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đối với dự thảo Đề án.

Về phạm vi đánh giá, các đại biểu tán thành đánh giá tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ; đồng thời, cân nhắc tiêu chí “mức độ tham gia của cá nhân, tổ chức vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” vì có nhiều lĩnh vực người dân không hiểu biết, không quan tâm, họ chỉ quan tâm đến vấn đề cần giải quyết.

Tại dự thảo Đề án, đại biểu đề nghị rà soát và thống nhất các tiêu chí không chấm điểm là việc ban hành các báo cáo, kế hoạch công tác mà chú trọng vào kết quả thực hiện.

Đối với lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó có nhiều tiêu chí, tiêu chí thành phần có nội hàm trùng lắp nên cần rà soát và gom vào thành một tiêu chí nhằm thực hiện một cách thuận lợi.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ Cao Huy Long phát biểu tại Hội thảo

Đối với các tiêu chí thành phần về dịch vụ công trực tuyến, trong đó có nhiều tiêu chí mới, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc vì có những dịch vụ người dân làm trực tiếp nhanh hơn trực tuyến; nếu nộp hồ sơ trực tuyến mà tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến không có bị trừ điểm là chưa hợp lý.

Về điều tra xã hội học, các đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá gộp cùng với việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS). Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó quy định cả cải cách tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp để phù hợp với Nghị quyết số 18 và 19 của Bộ Chính trị…

Qua ý kiến một số đại biểu, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ sẽ nghiên cứu, sửa đổi một số tiêu chí để đảm bảo không trùng lắp, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và các tiêu chí thành phần về cải cách thủ tục hành chính.

Trao đổi với các đại biểu, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng trân trọng tiếp thu các ý kiến đã phát biểu. Tuy nhiên, cần thống nhất quan điểm là chỉ điều chỉnh các vấn đề chung, không thể điều chỉnh các vấn đề riêng; chọn vấn đề chung để đánh giá chứ không đánh giá vấn đề đặc thù. 

Về các tiêu chí, tiêu chí thành phần trong lĩnh vực xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, ông Phạm Minh Hùng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát các tiêu chí để đảm bảo ngắn gọn, đánh giá các tiêu chí chung, hạn chế tính cụ thể và có khả năng bao quát tất cả các bộ, ngành.

Quang cảnh Hội thảo

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Bộ Nội vụ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện Đề án trình cấp thẩm quyền ban hành trong tháng 9/2022. Thứ trưởng cũng đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, hoàn thiện Đề án.

Đề án được ban hành phải đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và tất cả các bộ, ngành; bảo đảm tính khoa học, đa chiều; phản ánh đúng thực trạng cải cách hành chính. Về các tiêu chí, Thứ trưởng đề nghị cần rà soát lại đảm bảo tính chung, lượng hóa được.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, Chỉ số cải cách hành chính có tác dụng lớn đối với việc đánh giá, xác định mức độ cải cách hành chính của từng bộ, ngành. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, như Thủ tướng Chính phủ từng nói “đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho sự phát triển”, do đó, đề nghị các đại biểu tập trung, quan tâm nhiều hơn nữa trong việc xây dựng Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính để có sản phẩm hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan nhà nước.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm