BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo khoa học góp ý Đề án Văn hóa công vụ

20/01/2017 19:24

Ngày 19/01/2017, tại Thành phố Hải Phòng, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo góp ý “Đề án Văn hóa công vụ”. Ông Nguyễn Duy Thăng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã tới dự và chủ trì Hội thảo.

Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Xây dựng; lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ một số tỉnh phía Bắc. Về phía Bộ Nội vụ có đại diện lãnh đạo và chuyên viên các đơn vị: Vụ Công tác thanh niên, Vụ Tổ chức phi chính phủ, Vụ Cải cách Hành chính, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, các nhà khoa học từ Học viện Hành chính Quốc gia. Về phía Viện Khoa học tổ chức nhà nước có TS. Trần Văn Ngợi, Viện trưởng, ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng cùng với Nhóm soạn thảo Đề án và viên chức của Viện.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng
 phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nhiệt liệt chào mừng và cảm ơn các nhà khoa học và các đại biểu tham dự Hội thảo. Thứ trưởng khẳng định vai trò quan trọng của Văn hóa công vụ trong hoạt động công vụ nước ta. Văn hóa công vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các quan quan hành chính nhà nước và quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Văn hóa công vụ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và giúp cho hoạt động của các cơ quan nhà nước được thông suốt, phân công, phân nhiệm rõ ràng, trụ sở, cảnh quan môi trường làm việc văn minh, hiện đại. Trong thời gian qua, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương. Chính sách nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có yêu cầu xây dựng văn hóa công vụ, hình thành nên chuẩn mực, nề nếp, kỷ cương làm việc trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 02/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về quy chế văn hóa công sở; Luật Cán bộ công chức năm 2008 và Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành ngày 08/11/2011 đã xác định xây dựng Đề án Văn hóa công sở là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg, một số bộ, ngành và địa phương đã cụ thể hóa, xây dựng và ban hành quy chế văn hóa công sở và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế văn hóa công sở trên thực tế vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành một quy chế văn hóa công sở trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa và vai trò hết sức quan trọng và cấp thiết.

Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước TS. Trần Văn Ngợi trình bày nội dung dự thảo Đề án

Hội thảo đã nghe TS. Trần Văn Ngợi, Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Đề án Văn hóa công sở. Đề án gồm 7 phần chính, trong đó Nhóm soạn thảo đã đưa ra những quan niệm, đặc điểm của văn hóa công vụ; đánh giá tình hình thực hiện văn hóa công vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước trên các nội dung: Trang phục, lễ phục của cán bộ, công chức; đeo thẻ của cán bộ, công chức; giao tiếp và ứng xử của các bộ, công chức; về treo quốc huy, quốc kỳ, bài trí khuôn viên công sở, phòng làm việc; trang thiết bị phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức. Từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức về văn hóa công sở, phương thức, lề lối làm việc của các cơ quan hành chính chưa có sự chuyển biến, mang nặng tính hình thức… Nhóm soạn thảo cũng chỉ ra nguyên  nhân của những hạn chế trên và xác định mục tiêu, phạm vi, quan điểm và nội dung xây dựng văn hóa công sở trên cơ sở đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và các quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.

PGS. TSKH Nguyễn Văn Thâm, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu góp ý Đề án Văn hóa công sở

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi và trình bày nhiều ý kiến quan trọng liên quan đến nội dung của Đề án Văn hóa công sở. PGS.TSKH Nguyễn Văn Thâm, Học viện Hành chính Quốc gia, đề nghị Nhóm soạn thảo sửa tính cần thiết của Đề án thành tính cấp thiết, cũng như cần đánh giá cụ thể hơn về tình hình triển khai thực hiện quy chế văn hóa công sở vì Văn hóa công sở được triển khai thực hiện từ trước Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg. Trong phần phạm vi, đối tượng áp dụng văn hóa công sở mới chỉ đưa ra đối tượng là cơ quan hành chính nhà nước vào áp dụng, còn thiếu đối tượng là cán bộ, công chức. Nhiều đại biểu cho rằng, Nhóm soạn thảo nên cân nhắc đưa viên chức vào quy định trong phần đối tượng của Đề án văn hóa công sở. Vì viên chức là người thay mặt nhà nước, hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân. Vì vậy, rất cần quy định rõ về văn hóa ứng xử trong hoạt động công vụ của viên chức. Việc thanh tra và kiểm tra về văn hóa công vụ cũng cần quy định cụ thể, giao cho cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc này? Có nên cân nhắc đưa đối tượng áp dụng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào trong đối tượng áp dụng của Đề án Văn hóa công vụ hay không? Nhóm soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung một số quy định về lễ nghĩa trong các hội họp và các buổi tiếp khách. 

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đã ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp, trao đổi của các đại biểu tham dự Hội thảo; tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung, đối tượng, phạm vi của Đề án nhưng với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của mình, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp các ý kiến phát biểu có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng Đề án Văn hóa công sở. Thứ trưởng yêu cầu Nhóm soạn thảo tiếp tục tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, chỉnh sửa và sớm hoàn thiện Đề án Văn hóa công sở trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhân dịp năm mới 2017, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới toàn thể các đại biểu tham dự Hội thảo./.

Mạnh Hoàn (Viện KHTCNN)

Tìm kiếm