BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức

18/04/2022 19:57

Ngày 18/4, tại tỉnh Hải Dương, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện các Bộ, Ban, ngành ở trung ương; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ một số tỉnh phía Bắc; đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và thành viên Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Trương Hải Long cho biết, vào ngày 18/02/2022, Bộ Nội vụ đã tổ chức lễ khởi động Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam, trong đó có phương thức ra đề thi trong công tác tuyển dụng công chức. Việc đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức là một nội dung mà Bộ Nội vụ cũng như Chính phủ yêu cầu tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Như vậy, việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức đã được Đảng đề ra từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và đã được thể chế hóa vào Luật Cán bộ, công chức.

Từ năm 2019 đến nay, trên cơ sở nhiệm vụ được giao Bộ Nội vụ đã nghiên cứu Đề án thí điểm kiểm định chất lượng đầu vào công chức, đồng thời đã tổ chức rất nhiều cuộc Hội thảo để lấy ý kiến góp ý vào Đề án. Tuy nhiên, Luật Cán bộ, công chức sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, cho nên việc thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực áp dụng ngay chứ không phải là thí điểm nữa. Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thể chế hóa quy định này bằng Nghị định, một khi Nghị định này có hiệu lực thì tất cả các kỳ tuyển dụng công chức trên cả nước phải được áp dụng thống nhất theo quy định của Nghị định này chứ không áp dụng quy định về tuyển dụng công chức như hiện nay của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Trên cơ sở kết quả mà Bộ Nội vụ nghiên cứu tại Đề án kiểm định chất lượng đầu vào công chức nhưng chưa được Chính phủ ban hành, Bộ đã dự thảo Nghị định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức để quy định thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức trên phạm vi toàn quốc.

Thứ trưởng Trương Hải Long đề nghị, các đại biểu tham gia là những người tham mưu, giúp việc có nhiều kinh nghiệm trong quá trình tuyển dụng công chức tại các Bộ, ban, ngành và địa phương tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào một số nội dung sau: cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định; hình thức, nội dung và thời gian kiểm định; ngân hàng câu hỏi; thang điểm và phân loại đầu vào công chức; trình tự, thủ tục kiểm định chất lượng đầu vào công chức; tổ chức thực hiện… Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, Ban, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ ban hành theo quy định làm cơ sở triển khai trong phạm vi cả nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Lê Minh Hương,
Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam trình bày tóm tắt dự thảo Nghị định tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Lê Minh Hương Giám đốc Ban Quản lý Dự án hỗ trợ cải cách kỹ thuật thi tuyển công chức Việt Nam trình bày tóm tắt dự thảo Nghị định. Theo đó, dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương và 19 Điều quy định về các nội dung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc kiểm định; điều kiện đăng ký tham dự kiểm định chất lượng; cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định; hội đồng kiểm định; hình thức, nội dung và thời gian kiểm định; ngân hàng câu hỏi; trình tự, thủ tục kiểm định; thẩm quyền quản lý kiểm định và tổ chức thực hiện.

Về nguyên tắc kiểm định, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức phải công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật. Thống nhất về điều kiện, tiêu chuẩn tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Thống nhất về chủ thể thực hiện việc kiểm định, nội dung, công cụ, quy trình, phương thức kiểm định chất lượng đầu vào công chức và thống nhất việc sử dụng kết quả kiểm định trong toàn quốc.

Về cơ quan có thẩm quyền tổ chứ kiểm định, dự thảo Nghị định đưa ra 02 phương án:

Phương án 1: Bộ Nội vụ thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức tối thiểu 04 đợt/năm; không giới hạn số lần tham gia kiểm định chất lượng đầu vào công chức của thí sinh (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc theo nhu cầu của ác Bộ, ngành, địa phương).

Phương án 2: Cơ quan quy định tại khoản 1, Điều 39 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao biên chế, kinh phí hoạt động, có con dấu, tài khoản riêng và được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng công chức.

Về hình thức, nội dung và thời gian kiểm định, dự thảo Nghị định cũng đưa ra 02 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: 1. Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính. 2. Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh dự thi trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, logic, bao quát những lĩnh vực về  chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực, quyền, nghĩa vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ… ; đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh. Các nội dung về phần thi kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học sẽ được tổ hợp chung trong một bài thi kiểm định. 3. Thời gian kiểm định tối đa: 200 phút. 4. Số câu hỏi cho mỗi kỳ kiểm định không quá: 180 câu. 5. Thang điểm: Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi như sau: a) Thí sính trả lời đúng: từ 90% số câu hỏi trở lên thì người tham dự kiểm định được xác định đạt loại xuất sắc; từ 80% số câu hỏi đến dưới 90% số câu hỏi thì được xác định đạt loại giỏi; từ 70% số câu hỏi đến dưới 80% số câu hỏi thì được xác định đạt loại khá và từ 60% số câu hỏi đến dưới 70% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại đạt trong đánh giá kiểm định; b) Trường hợp thí sinh có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu trả lời đúng từ 80% số câu hỏi trở lên thì người tham dự kiểm định được xác định đạt loại xuất sắc; từ 70% số câu hỏi đến dưới 80% số câu hỏi thì được xác định đạt loại giỏi, từ 60% số câu hỏi đến dưới 70% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại khá và từ 50% số câu hỏi đến dưới 60% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại đạt trong đánh giá kiểm định.

Phương án 2: 1. Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính. 2. Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh dự thi trên các phương diện về kiến thức, kỹ năng, logic, bao quát những lĩnh vực về chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về ngành, lĩnh vực, quyền, nghĩa vụ của công chức, kiến thức về văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ…; đánh giá năng lực nhận thức và năng lực tư duy, năng lực ứng dụng vào thực tiễn của thí sinh. 3. Thời gian kiểm định tối đa: 150 phút. 4. Số câu hỏi cho mỗi kỳ kiểm định không quá: 120 câu. 5. Thang điểm: Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi như sau: a) Thí sính trả lời đúng: từ 90% số câu hỏi trở lên thì người tham dự kiểm định được xác định đạt loại xuất sắc; từ 80% số câu hỏi đến dưới 90% số câu hỏi thì được xác định đạt loại giỏi; từ 70% số câu hỏi đến dưới 80% số câu hỏi thì được xác định đạt loại khá và từ 60% số câu hỏi đến dưới 70% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại đạt trong đánh giá kiểm định; b) Trường hợp thí sinh có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số hoặc là người dân tộc thiểu số dự tuyển vào vị trí việc làm ở vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nếu trả lời đúng từ 80% số câu hỏi trở lên thì người tham dự kiểm định được xác định đạt loại xuất sắc; từ 70% số câu hỏi đến dưới 80% số câu hỏi thì được xác định đạt loại giỏi, từ 60% số câu hỏi đến dưới 70% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại khá và từ 50% số câu hỏi đến dưới 60% số câu hỏi thì trở lên được xác định loại đạt trong đánh giá kiểm định...


Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng thống nhất với bố cục của dự thảo Nghị định. Ông Hùng cho rằng, triển khai thực hiện kiểm định đầu vào công chức thống nhất trong cả nước là một bước cải cách, đổi mới rất tích cực đối với công tác tuyển dụng trong toàn quốc, đồng thời, giảm bớt được gánh nặng cho các Bộ, ngành, địa phương phải thi tuyển vòng 1.

Về góp ý vào một số nội dung trong dự thảo, Phó Giám đốc Sở Hùng nhấn mạnh, đối với việc quy định cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm định tại Điều 6 của dự thảo Nghị định, nên lựa chọn Phương án 1 là giao Bộ Nội vụ thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Vì như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất, tính chuyên nghiệp cao và sẽ có ngân hàng câu hỏi thống nhất trong phạm vi cả nước.

Còn đối với hình thức tuyển dụng quy định tại Điều 8 dự thảo Nghị định, ông Hùng đề xuất chọn Phương án 2 là thi cả ngoại ngữ và tin học. Bởi vì, hiện nay do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu thì việc đáp ứng các yêu cầu về ngoại ngữ và tin học là điều kiện cần thiết. Việc thi trắc nghiệm trên máy tính thì không tổ chức thi tin học, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đinh Mạnh Hùng đề xuất không nên bỏ thi tin học, vì, thi trắc nghiệm trên máy tính chỉ là những kiến thức cơ bản và đơn giản.

Bên cạnh đó, Ông Hùng cũng đề xuất xem xét lại việc xếp lại đạt, khá, giỏi, xuất sắc đối với người trúng tuyển vòng 1 có cần thiết hay không? Và khi xếp loại như vậy thì sang thi vòng 2, công chức có được ưu tiên hay không, nếu không được ưu tiên thì cần phải cân nhắc, nếu không sẽ mất thời gian, công sức cho việc xếp loại này. Mặt khác, nếu vẫn quy định việc xếp loại này trong Nghị định, thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2020/NĐ-CP cho phù hợp về nội dung ưu tiên trong tuyển dụng…

Phát biểu tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên; Sở nội vụ Hà Nam; Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh và Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương đều cơ bản nhất trí với việc cần thiết phải ban hành Nghị định để thống nhất việc kiểm đinh chất lượng đầu vào công chức trong phạm vi cả nước; thống nhất với việc giao Bộ Nội vụ là thực hiện việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Bên cạnh đó, các đại biểu đều cho rằng cần làm rõ, thống nhất các nội dung quy định trong Điều 6 và Điều 8 dự thảo Nghị định, để từ đó làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nghị định cho thống nhất; đồng thời, trao đổi, thảo luận, phân tích làm rõ một số nội dung: phân loại, hình thức kiểm định; ngân hàng câu hỏi,…


Mr. Watanabe Tadakazu, Phó Cục trưởng phụ trách về khảo thí Cơ quan nhân sự Quốc gia Nhật Bản phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng phụ trách về khảo thí Cơ quan nhân sự Quốc gia Nhật Bản Mr. Watanabe Tadakazu bình luận thêm về nội dung tại Khoản 2 Điều 8 dự thảo Nghị định, thực hiện phương án là chấm theo từng phần (ngoại ngữ, kiến thức chung, tin học) hơn là chung cho cả 3 phần với nhau.

Còn quy định tại Điều 6, Mr. Watanabe Tadakazu thông tin thêm, hiện ở Nhật Bản thì Viện nhân sự Quốc gia thực hiện kỳ thi đầu vào công chức thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, Mr. Watanabe Tadakazu nghĩ ở Việt Nam cũng nên quy định cơ quan quản lý, địa điểm thi thế nào để thuận tiện và thống nhất trong phạm vi cả nước.

Còn về việc có nên đưa môn thi ngoại ngữ, tin học vào thi tuyển hay không? Mr. Watanabe Tadakazu cho rằng, còn tùy vào quan điểm của Việt Nam là có muốn phổ cập chung ngoại ngữ và tin học hay không? Còn ở Nhật Bản thì đưa vào thi tại vòng 1.

Về số câu hỏi và thời gian thi, Mr. Watanabe Tadakazu nhấn mạnh, ở Nhật Bản thì số câu hỏi càng nhiều, với thời gian càng dài thì càng đánh giá được chính xác hơn. Tuy nhiên, phải cân nhắc khi thi trực tuyến, thí sinh phải nhìn vào màn hình quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi. Vì vậy, Bộ Nội vụ Việt Nam cần cân nhắc để tham mưu cho Chính phủ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trương Hải Long ghi nhận ý kiến của các đại biểu, đồng thời đề nghị Tổ biên tập xây dựng Nghị định tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo một cách tốt nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 Hội thảo được kết nối trực tuyến với Cơ quan Nhân sự quốc gia Nhật Bản tại Tokyo, Nhật Bản


Quang cảnh Hội thảo

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo:







 

Anh Cao

Tìm kiếm