Tương phản
Bản quyền: Bộ Nội vụ - Số 8 Tôn Thất Thuyết - Nam Từ Liêm - Hà Nội
Đơn vị quản lý: Trung tâm Công nghệ thông tin - Bộ Nội vụ
Tel (84-024)62821016 - Fax (84-024)62821020 - Mail: websitemaster@moha.gov.vn
Ngày 22/5/2017, tại trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề cương Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập xuất phát từ chủ trương của Đảng, Chính phủ. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công (khám chữa bệnh, đào tạo…); mở rộng hoạt động, phát triển nguồn thu sự nghiệp; tiết kiệm chi, tăng thu nhập cho viên chức, người lao động; đồng thời chủ động xác định nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức và hoạt động; chủ động trong việc thành lập mới, sáp nhập, giải thể các tổ chức sự nghiệp trực thuộc; ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí hoạt động còn được chủ động quyết định số lượng biên chế để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động khai thác nguồn thu thực hiện chế độ tự chủ, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước.
Mặt khác, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… (dịch vụ sự nghiệp công) của xã hội và của từng người dân ngày càng cao về số lượng và chất lượng. Nhiều người dân có khả năng chi trả cao để được hưởng thụ dịch vụ công chất lượng cao theo nhu cầu. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị công lập, đồng thời cần phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, nên cần đẩy mạnh đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn, chưa hợp lý dẫn đến hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập không hiệu quả. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi đối với dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi ngân sách nhà nước đối với hoạt động dịch vụ công, thì việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo cần tập trung trao đổi, thảo luận một cách thẳng thắn và khoa học, trên cơ sở các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật và những nội dung chính cần trao đổi, thảo luận trong Hội thảo; trên cơ sở đó đưa ra những ý kiến đóng góp về các nội dung chủ yếu như: Bố cục của Đề án; Cơ chế quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đã bao hàm cả quản lý tài chính, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nhân sự đơn vị sự nghiệp công lập; 02 mục tiêu và 06 quan điểm và 07 nhóm giải pháp nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” trình Chính phủ.
Tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Bộ Nội vụ Thái Quang Toản, Tổ trưởng Tổ biên tập giới thiệu tóm tắt một số nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” và một số nội dung chính cần tập trung thảo luận tại Hội thảo.Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến vào các nội dung của dự thảo Đề án.