Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định, trong những năm qua tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương được điều chỉnh, sắp xếp phù hợp hơn, quản lý nhà nước ngày càng tốt hơn trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, nền hành chính nhà nước còn nhiều hạn chế, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, vướng mắc. Nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế nhưng có quy định về tổ chức bộ máy, biên chế đã gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát, phân định về chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến không kiểm soát, không điều chỉnh được chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối tổ chức, tinh giản biên chế theo định hướng đổi mới của Đảng, nhà nước. Điều này dẫn đến vừa lãng phí nguồn nhân lực, tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của tổ chức không cao… Do đó, việc xây dựng Đề án là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như: về bố cục của dự thảo Đề án, dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án; về phạm vi, đối tượng rà soát; về quan điểm, mục tiêu, yêu cầu trong dự thảo Đề án. Đồng thời, góp ý cụ thể về phương pháp, giải pháp sửa đổi nội dung quy định về tổ chức bộ máy tại các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế…
Ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ trình bày dự thảo Đề án tại Hội thảo
Báo cáo tóm tắt dự thảo Đề án, ông Nguyễn Văn Lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, chỉ đạo, tập trung thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước có các quy định về tổ chức bộ máy và biên chế, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bãi bỏ. Đến nay đã có 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 05 cơ quan thuộc Chính phủ và 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo rà soát. Kết quả rà soát có 43 văn bản Luật, Pháp lệnh; 71 Nghị định của Chính phủ; 24 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 65 Thông tư và Thông tư liên tịch của Bộ trưởng; 12 Quyết định của Bộ trưởng là những văn bản pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước nhưng có quy định về tổ chức bộ máy và biên chế.
Phát biểu thảo luận, các đại biểu đánh giá rất cao sự cần thiết xây dựng Đề án, đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để có cơ sở triển khai thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy và biên chế.
Đại diện tỉnh Nghệ An cho rằng, mục tiêu của Đề án chưa được đầy đủ và cụ thể, ngoài việc rà soát cần phải có biện pháp xử lý (có thể bãi bỏ ngay) đối với các văn bản chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế. Về sản phẩm của Đề án, phải có danh mục các văn bản chuyên ngành được rà soát; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các văn bản đó, đồng thời, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành văn bản quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình, thủ tục ban hành văn bản chuyên ngành để đảm bảo các Bộ, ngành, địa phương không “cài cắm” tổ chức bộ máy và biên chế trong các văn bản đó.
Đại diện tỉnh Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ cần bổ sung thời gian rà soát, mở rộng phạm vi rà soát các quy định của cả hệ thống chính trị như các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, tòa án, viện kiểm sát… đảm bảo tính thống nhất về tổ chức bộ máy và biên chế.
Theo đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, cần xem xét trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các văn bản chuyên ngành có nội dung về tổ chức bộ máy và biên chế. Đại biểu này cũng nêu một thực trạng của tỉnh Vĩnh Phúc là Sở Nội vụ đã đề nghị các cấp trên chuyển bộ phận Thanh tra tại các Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Thanh tra Sở, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Về bố cục của Đề án, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ban soạn thảo Đề án chỉnh sửa lại bố cục gồm có 3 phần: phần 1 – Phần mở đầu; phần 2 – Đánh giá thực trạng việc ban hành và thực hiện các văn bản chuyên ngành; phần 3 – Giải pháp thực hiện. Đại biểu này cũng đề xuất trong phần giải pháp thực hiện cần quy định cụ thể lộ trình và thời gian thực hiện việc xử lý các văn bản trên. Ngoài ra, đề nghị Bộ Nội vụ xây dựng trình Chính phủ ban hành một nghị định khung để các Bộ, ngành, địa phương có căn cứ ban hành các văn bản chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, đảm bảo tính thống nhất, không phát sinh bộ máy và không tăng biên chế.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ lại đặt ra một vấn đề, trong thực tiễn có nhiều việc phát sinh, các văn bản pháp luật chưa điều chỉnh thì những việc đó cơ quan, tổ chức nào sẽ thực hiện và chịu trách nhiệm. Đại biểu này cũng lấy ví dụ, hiện nay vấn đề khởi nghiệp (startup) đang rất phát triển nhưng chưa có bộ máy chuyên trách quản lý, đặc biệt là các kết luận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi làm việc với các Bộ, ngành, địa phương về những vấn đề phát sinh trong thực tiễn…
Toàn cảnh Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng trân trọng cám ơn và đánh giá cao các đại biểu đã sôi nổi, thẳng thắn góp ý nội dung các dự thảo, đồng thời ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đại biểu. Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, bổ sung, sớm hoàn thiện các dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành./.