Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Nội vụ có lãnh đạo và công chức Vụ Cải cách hành chính.
Tại điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lãnh đạo Sở Nội vụ chủ trì, lãnh đạo và công chức các sở, ngành: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan.
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng nhấn mạnh, Đề án 876 vừa được Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022, việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến thống nhất, tập trung trên toàn quốc để triển khai Đề án và Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 một cách đồng bộ, thống nhất. Vụ trưởng Phạm Minh Hùng cho biết, năm nay việc triển khai này được thực hiện sớm hơn mọi năm, hi vọng kết thúc quá trình đánh giá sớm để công bố Chỉ số cải cách hành chính đồng hành hoặc trước việc công bố các chỉ số do các tổ chức bên ngoài công bố như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), sẽ tạo ý nghĩa và hiệu quả hơn trong công tác quản lý của các cấp lãnh đạo.
Theo Vụ trưởng Phạm Minh Hùng, Đề án lần này cũng là sự kế thừa của Đề án số 1149 ban hành kèm theo Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, có những đổi mới, có những tinh gọn và sát thực tiễn hơn, để bảo đảm từng bước chuyển dịch việc đánh giá kết quả cải cách hành chính đồng bộ với việc đánh giá các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như là đánh giá tác động của cải cách hành chính, giảm bớt dần đánh giá quá trình triển khai, những hoạt động.
Về Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022, tập trung vào 2 phần chính là: (1) Công tác tự đánh giá chấm điểm và thẩm định; (2) Tổ chức điều tra xã hội học, để có 2 thông tin quan trọng tổng hợp vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.
Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị các đại biểu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung nghiên cứu, quán triệt toàn bộ những nội dung cơ bản của Đề án 876 ngày 10/11/2022, trong đó, đặc biệt quán triệt thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở trình bày của Bộ Nội vụ về hướng dẫn phương pháp, cách thức chấm điểm, các địa phương cần nắm vững nội dung này để áp dụng vào việc chấm điểm của địa phương mình, khắc phục những hạn chế của năm 2021.
Nắm được các nhiệm vụ của Kế hoạch số 878 ban hành kèm theo Quyết định số 878/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về trách nhiệm triển khai, trong đó yêu cầu về chất lượng, nội dung, thời gian, quán triệt để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố triển khai một cách đầy đủ, đồng bộ các nội dung của Kế hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian quy định.
Hội nghị cũng sẽ dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận các vấn đề mà địa phương quan tâm và cần hướng dẫn.
Ông Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính trình bày Đề án tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ông Phùng Doãn Hưng, Chuyên viên chính Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đã trình bày nội dung Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.
Đối tượng áp dụng của Đề án gồm 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Trong đó, 02 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ còn lại. 63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đối với Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cấu trúc thành 08 lĩnh vực, 37 tiêu chí và 88 tiêu chí thành phần, cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính: 7 tiêu chí và 02 tiêu chí thành phần; Cải cách thể chế: 4 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần; Cải cách thủ tục hành chính: 5 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 3 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần; Cải cách chế độ công vụ: 7 tiêu chí và 16 tiêu chí thành phần; Cải cách tài chính công: 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: 3 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần; Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội: 5 tiêu chí, 8 tiêu chí thành phần.
Thang điểm đánh giá là 100 điểm. Điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 30,50/100.
Về phương pháp đánh giá, các tỉnh tự theo dõi, đánh giá và cho điểm kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh và các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo các tiêu chí, tiêu chí thành phần được quy định trong Chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh và hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính của 63 tỉnh được xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp.
Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ Đỗ Quý Tiến trình bày Kế hoạch tại Hội nghị
Công bố Chỉ số cải cách hành chính vào đầu Quý II năm 2023
Trình bày Kế hoạch triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” được ban hành kèm theo Quyết định số 878/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Đỗ Quý Tiến cho biết, mục đích của Kế hoạch nhằm xác định được Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 vào đầu Quý II năm 2023.
Kế hoạch cũng đề ra một số nội dung triển khai như sau: (1) Bộ Nội vụ sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, các tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, các tỉnh tháng 11/2022. (2) Các Bộ, các tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức đánh giá và tự đánh giá và gửi nộp báo cáo tự đánh giá, chấm điểm, tài liệu kiểm chứng, báo cáo giải trình thông qua phần mềm tháng 01/2023. (3) Bộ Nội vụ (Vụ Cải cách hành chính) chủ trì, phối hợp với các Bộ là thành viên Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định kết quả tự đánh giá, chấm điểm của các Bộ, các tỉnh tháng 02 - 03/2023. (4) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, các tỉnh tiến hành điều tra xã hội học tháng 01 - 02/2023. (5) Bộ Nội vụ (Vụ Cải cách hành chính) chủ trì, phối hợp với Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng Thẩm định, các Bộ, các tỉnh và các cơ quan có liên quan tổng hợp, xử lý số liệu để xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tháng 02 - 03/2023. (6) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, các tỉnh tháng 03/2023. (7) Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Hội đồng thẩm định; các cơ quan có liên quan họp Hội đồng thẩm định thống nhất kết quả xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các Bộ, các tỉnh tháng 3/2023. (8) Công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các Bộ, các tỉnh tháng 4/2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch như: mốc thời gian thực hiện; một số tiêu chí khó đánh giá; tài liệu kiểm chứng; tiêu chí đối thoại của lãnh đạo tỉnh đối với người dân, doanh nghiệp; tiêu chí chỉ tiêu biên chế; thủ tục hành chính; thực hiện kết luận thanh tra; thanh toán trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến toàn trình đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ, vì vậy, đề nghị, sớm có văn bản hướng dẫn để các địa phương triển khai; thu ngân sách; cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;…
Quang cảnh Hội nghị
Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trân trọng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến của đại biểu tại Hội nghị. Để triển khai Đề án và Kế hoạch có hiệu quả, Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị:
Thứ nhất, bộ phận tham mưu triển khai công tác cải cách hành chính tại các tỉnh cần nắm rõ những nội dung cơ bản của Quyết định số 876/QĐ-BNV từ mục đích, yêu cầu, phương thức, cách thức, trách nhiệm tổ chức triển khai để tham mưu cho lãnh đạo, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Kế hoạch xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai, qua Hội nghị này trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Nội vụ và trên cơ sở những nội dung, trách nhiệm được quy định trong Đề án, các tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện, trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan với Sở Nội vụ và ngược lại để hình thành một hệ thống thông tin, hệ thống đánh giá một cách đồng bộ từ dưới lên trên; mặt khác, bảo đảm hệ thống dữ liệu về cải cách hành chính trên các lĩnh vực được nêu trong Quyết định số 876/QĐ-BNV của từng địa phương sẽ được tổng hợp một cách chính xác, khách quan và phản ánh đầy đủ trong Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.
Thứ ba, trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương cần lưu ý quá trình chấm điểm phải kết hợp với quá trình tổng hợp dữ liệu kết hợp với quá trình tổng hợp các tài liệu kiểm chứng để làm đến đâu được đến đó, hoàn thành và đạt yêu cầu bảo đảm đúng quy định, tránh trường hợp làm đi làm lại.
Thứ tư, triển khai xây dựng báo cáo, kết quả chấm điểm kèm theo tài liệu kiểm chứng trình lãnh đạo phê duyệt và nhập dữ liệu vào phần mềm bảo đảm thời gian quy định.
Thứ năm, tổ chức triển khai các nhiệm vụ và phối hợp với Bộ Nội vụ trong công tác điều tra xã hội học. Trong quá trình triển khai, đề nghị các tỉnh phối hợp chặt chẽ giữa Sở Nội vụ, các sở, ngành ở các địa phương. Ngoài ra, còn phối hợp theo ngành dọc từ tỉnh xuống huyện để có được số liệu một cách tổng hợp và thông qua Chỉ số cải cách hành chính hình thành được hệ thống dữ liệu.
Thứ sáu, các tỉnh trong quá trình triển khai phối hợp với nhau để xử lý các vấn đề phát sinh trong nội bộ, những tồn tại, bất cập vượt quá thẩm quyền thì kiến nghị với các Bộ, ngành có liên quan để có hướng dẫn, xử lý kịp thời.
Thứ bảy, đối với Vụ Cải cách hành chính, Vụ trưởng Phạm Minh Hùng đề nghị, rà soát lại công văn hướng dẫn trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan: Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính để nghiên cứu, xử lý những vấn đề mà các địa phương nêu ra trong Hội nghị này. Sớm hoàn thiện văn bản góp ý trình lãnh đạo Bộ ký ban hành làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.
Các địa phương tiếp tục nghiên cứu các nội dung trong văn bản hướng dẫn và cho ý kiến cụ thể hơn hoặc phản ánh ý kiến trực tiếp về Vụ Cải cách hành chính. Trong quá trình hoàn thiện hướng dẫn cần phối hợp với đơn vị tư vấn, đơn vị phát triển phần mềm hoàn thiện lại phần mềm quản lý chấm điểm và hướng dẫn các địa phương sử dụng phần mềm một cách đầy đủ, thống nhất.
Trong quá trình triển khai các đồng chí lãnh đạo, công chức của Vụ Cải cách hành chính được giao nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc hướng dẫn, đôn đốc, triển khai kịp thời các nội dung theo đúng tiến độ. Phối hợp với các Bộ, ngành để xử lý các vướng mắc, các tồn tại, các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Kế hoạch. Việc xử lý thông tin cần linh hoạt thông qua sử dụng hiệu quả các tiện ích của mạng xã hội, các hình thức trao đổi thông tin khác ngoài văn bản giấy để kịp thời xử lý thông tin.
Kiểm soát chặt chẽ quá trình triển khai của các địa phương, đảm bảo chất lượng, trung thực, khách quan và phản ánh rõ trong Chỉ số cải cách hành chính năm 2022.
Điểm cầu tại các địa phương
Anh Cao