Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn; Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Phòng Nội vụ các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; Bí thư, Chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai, phổ biến kịp thời những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, cũng như lộ trình, giải pháp để TP. Hồ Chí Minh thực hiện hiệu quả nhất việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố. Thông qua Hội nghị, giúp các đại biểu hiểu sâu hơn về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, nhất là trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện đầy đủ, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy kinh tế Thành phố phát triển nhanh và bền vững.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị Triển khai Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thực hiện nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trong bối cảnh đô thị hóa ở nước ta hiện nay.
Các Nghị quyết của Đảng đều chỉ rõ, phải hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt chính quyền địa phương ở nông thôn với đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp, trong đó có chính quyền tại các đô thị.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng cho biết, yêu cầu của tổ chức chính quyền đô thị là phải đảm bảo nâng cao được hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của chính quyền địa phương, phù hợp với tính chất, đặc điểm của đô thị, đáp ứng sự thống nhất và liên thông trên địa bàn về quy hoạch đô thị, về ngành, lĩnh vực, về kết cấu hạ tầng (điện, đường, cấp thoát nước, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường) và đời sống dân cư.
Mục tiêu chung là xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hợp lý, năng động, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp và gián tiếp; tiếp tục cải cách hành chính phù hợp với chính quyền điện tử, đô thị thông minh, giải quyết tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ đó, huy động và giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Về quan điểm tổ chức chính quvền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện và đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND Thành phố; phát huy chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm sự chỉ đạo và quản lý tập trung, thống nhất của UBND thành phố theo ngành, lĩnh vực và theo địa bàn; nâng cao tính tự chủ của chính quyền Thành phố trong quản lý và phát triển đô thị; thực hiện phân cấp, ủy quyền phù hợp với đặc điểm đô thị.
Đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường đúng với chức năng là các cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động theo chế độ thủ trưởng với một nền công vụ thống nhất, chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả. Gắn với tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh và cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hướng tới kinh tế tri thức, kinh tế số.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) - Một cấp chính quyền.
Chính quyền địa phương ở quận và ở phường là UBND quận và UBND phường - là cơ quan hành chính trên địa bàn quận, phường - Hai cấp hành chính.
Chính quyền địa phương ở huyện, thành phố, ở xã, thị trấn của Thành phố là các cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND), thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND, Chủ tịch UBND thành phố ngoài quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của pháp luật, còn được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn mà trước đây thuộc nhiệm vụ, quyên hạn của HĐND quận, phường.
UBND quận, phường làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
Theo mô hình này, HĐND TP. Hồ Chí Minh được bổ sung thêm các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường như quyết định các vấn đề về ngân sách trên địa bàn quận; giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; việc thực hiện nghị quyết của HĐND trên địa bàn quận, phường; giám sát hoạt động của UBND quận, phường và Tòa án, Viện Kiểm sát quận; lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch quận…
Đặc biệt, bước đầu thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức trong hoạt động của UBND phường với UBND quận và chính quyền Thành phố: từ ngày 01/7/2021, Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường, công chức phường (được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 01/7/2021) được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.
Căn cứ mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh đã được Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 131/2020/QH14 , Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành để triển khai thực hiện. Nghị định có kết cấu 8 chương và 45 điều. Trong đó có những nội dung mới liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, như: thống nhất về chế độ công vụ, công chức giữa UBND quận, phường với UBND Thành phố; quy định số lượng, tiêu chuẩn, tiền lương và phụ cấp chức vụ đối với chức danh ủy viên hoạt động chuyên trách tại các ban của HĐND Thành phố; quy định về tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường và chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bảo đảm dân chủ và công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của UBND quận, phường…
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị phải đặc biệt chú trọng đến khâu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đã triển khai tại Hội nghị; phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành các nhiệm vụ, kể cả Sơ đồ Gantt để theo dõi tiến độ thực hiện.
Đặc biệt, từng cơ quan, đơn vị phải chủ động xây dựng chương trình họp định kỳ hàng tháng, hàng quý đối với những vấn đề lớn, quan trọng mà Thành phố đã chỉ đạo, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các sở, ban, ngành, quận, phường, Thành phố Thủ Đức cần nghiên cứu, đề ra những mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư cao hơn so với mục tiêu chung của Thành phố; rà soát năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ Nhân dân.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong việc giám sát xây dựng chính quyền theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện chính quyền đô thị./.
Thanh Tuấn – Hiền Thu