Dự Hội nghị có các đồng chí: đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), đại diện Sở Nội vụ các tỉnh khu vực miền Bắc; đại diện một số ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, các tổ chức hội thanh niên và Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học tham gia vào quá trình xây dựng Luật Thanh niên; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện; thường xuyên tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến phổ biến, triển khai Luật, các nghị định, Chiến lược, quy định chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam… đến lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Nội vụ và đội ngũ công chức theo dõi, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên cấp trung ương, cấp tỉnh, một số địa phương phổ biến đến cấp huyện; phối hợp với Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố triển khai đến đội ngũ công chức cấp huyện, cấp xã.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Luật Thanh niên, Nghị quyết, Chương trình phát triển thanh niên giai đoạn 2021 - 2030 của bộ, ngành, địa phương và các văn bản liên quan. Đến thời điểm này, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện ở các cấp đã tương đối hoàn thiện, các bộ, ngành, địa phương đang đi vào triển khai những công việc cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Do vậy, Hội nghị lần này nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về kết quả thực hiện, đặc biệt tập trung trao đổi về những khó khăn, tồn tại, cũng như chia sẻ kinh nghiệm tham mưu, giải quyết các vấn đề về thanh niên của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất sát với thực tiễn để Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Phan Thị Lê Mai, Chuyên gia cao cấp UNFPA cho biết, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và toàn xã hội ngày càng quan tâm, tạo điều kiện chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên nhằm mục tiêu phát triển toàn diện thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật, sự bùng nổ của thông tin, mạng xã hội trong kỷ nguyên số, thanh niên hiện đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: thanh niên được đào tạo trình độ đại học nhưng năng lực thực hành chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tình trạng thất nghiệp, thiếu thông tin và cơ hội việc làm.
Một số các bộ, ngành và địa phương chưa chú trọng công tác theo dõi, chưa đánh giá thực chất, đúng mức tác động của các chủ trương chính sách đối với thanh niên để đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn
Do đó, công tác quản lý nhà nước về thanh niên trong giai đoạn tới cần những thay đổi tích cực, căn bản, theo kịp xu hướng và sự phát triển của thanh niên; đón đầu cơ hội và thách thức để định hướng, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên về đạo đức cách mạng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; có những chính sách căn cơ, lâu dài để phát triển toàn diện thanh niên - nguồn nhân lực quan trọng, yếu tố quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những công dân toàn cầu trong thời đại mới.
Qua các kiến nghị, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý Bà Phan Thị Lê Mai cho rằng, đề xuất đưa thanh niên vào vị trí chủ chốt ra quyết định ở cấp huyện, cấp tỉnh là rất phù hợp và càng mang lại hiệu quả hơn nữa đối với thanh niên...
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Lương Thị Hải Anh trình bày đánh giá việc thực hiện Luật Thanh niên, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thanh niên và công tác quản lý nhà nước về thanh niên.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng mức kết quả triển khai thực hiện Luật Thanh niên, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật, Chiến lược, quy định chế độ báo cáo thống kê về thanh niên Việt Nam của các bộ, ngành, địa phương; trao đổi, thảo luận những mặt đạt được và kinh nghiệm, cách làm hiệu quả, sáng tạo; phân tích những tồn tại, hạn chế và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ phù hợp; phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện năm 2024.
Đồng thời, có những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên. Bên cạnh đó, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022.