BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hội nghị đánh giá kết quả 03 năm hoạt động về kiểm tra công vụ

03/04/2021 14:49

Sáng ngày 03/4, Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 3 năm hoạt động về kiểm tra công vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Tổ phó Tổ công tác: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh;  Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường; các thành viên Tổ công tác và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.


Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, ngày 02/4/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ, gồm đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, trong đó Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ là Tổ phó. 

Sau 03 năm hoạt động, Tổ công tác đã tổ chức các cuộc kiểm tra thường xuyên, mặc dù chưa kiểm tra được hết tất cả các bộ, ngành, địa phương nhưng qua công tác kiểm tra đã có những chuyển biến rõ nét trong hoạt động công vụ, được chính quyền các cấp và xã hội đánh giá cao. Các thành viên Tổ công tác đã nỗ lực, sắp xếp công việc để tham gia các cuộc kiểm tra.

Bên cạnh việc kiểm tra hoạt động công vụ, Tổ công tác cũng đã kết hợp với thanh tra, kiểm tra công tác cải cách hành chính, công tác dân vận chính quyền và đã giải quyết nhiều vấn đề liên quan, tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương;  xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến hoạt động công vụ. Thông qua đó, hoạt động kiểm tra đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến các bộ, ngành, địa phương; các bộ, ngành, địa phương cũng đã thành lập Tổ công tác về kiểm tra công vụ của cơ quan mình.

Để Hội nghị đạt hiệu quả cao, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến thẳng thắn để đánh giá phương pháp  thực hiện, vừa thực hiện được các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, vừa tạo điều kiện để Tổ công tác không làm thay bộ, ngành, địa phương và để các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện hiệu quả. Đánh giá công tác phối hợp giữa bộ, ngành, địa phương với Tổ công tác; công tác phối hợp giữa thanh tra và kiểm tra; thảo luận chế độ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.


Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Tổ phó Tổ công tác báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, kể từ khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, động viên kịp thời của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Tổ trưởng Tổ công tác, cùng với sự ủng hộ, đồng thuận của các bộ, ngành, địa phương, Tổ công tác đã hoạt động hiệu quả, tạo ra những thay đổi về nhận thức trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng và của pháp luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ. Đến nay, Tổ công tác đã thực hiện 44 cuộc kiểm tra tại 14 bộ, ngành, 30 địa phương và yêu cầu các đơn vị còn lại gửi báo cáo về Tổ công tác.

Qua các cuộc kiểm tra, Tổ công tác đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về sử dụng biên chế và tinh giản biên chế; về tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về bổ nhiệm (bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo và bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức), về số lượng cấp phó, việc ký hợp đồng lao động làm công tác chuyên môn; về giải quyết khiếu nại tố cáo và việc tiếp công dân của người đứng đầu và có biện pháp nhằm nâng cao việc chấp hành hành các quy định của cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ.

Với sự hoạt động tích cực của Tổ công tác, nhiều hạn chế, tồn tại của các bộ, ngành, địa phương được kiểm tra đã cơ bản được khắc phục; các bộ, ngành, địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và sâu sát hơn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ giao cũng như triển khai thực hiện các kiến nghị của Tổ công tác; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường. Hoạt động của Tổ công tác đã góp phần quan trọng vào hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, phục vụ, hướng tới người dân, doanh nghiệp và khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, hành chính hóa trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Bộ Nội vụ - cơ quan Thường trực của Tổ công tác. Thông qua công tác kiểm tra hoạt động công vụ, các bộ, ngành, địa phương đã được hướng dẫn, kịp thời khắc phục những hạn chế và Tổ công tác cũng đã tổng hợp được những kiến nghị để đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ.

Các đại biểu cho rằng, để công tác kiểm tra đạt hiệu quả cần phải có kế hoạch kiểm tra sớm để các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các nội dung. Yêu cầu báo cáo phải nghiêm túc, đầy đủ nội dung; công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm; đặc biệt, cần kiểm tra các vấn đề xã hội quan tâm, trong quá trình kiểm tra, nếu có vấn đề, vụ việc phức tạp phải chuyển cơ quan thanh tra xử lý theo thẩm quyền.


Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Tổ phó Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị

Trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, cần có Tổ giúp việc của Tổ công tác để kiểm tra trước khi Tổ công tác làm việc; tăng cường sự kết hợp giữa thanh tra và kiểm tra; ngoài ra cần tập hợp thông tin qua báo chí như công tác bổ nhiệm, tuyển dụng, nâng ngạch, kéo dài thời gian công tác … để có thể ưu tiên thực hiện kiểm tra trước đối với các bộ, ngành, địa phương có vụ việc chưa đúng với quy định pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội nghị

Đặc biệt, cần phải có hậu kiểm tra, giám sát sau khi kiểm tra và tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông để các cấp chính quyền và Nhân dân hiểu được các nội dung Tổ công tác thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.


Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức Trương Hải Long, Thư ký Tổ công tác phát biểu tại Hội nghị

Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương phát biểu tại Hội nghị

Các đại biểu cũng đề nghị xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở các nội dung kiểm tra, mục đích là để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa Tổ công tác với Vụ trưởng/ Trưởng ban Tổ chức cán bộ các bộ, ngành Trung ương, Giám đốc Sở Nội vụ các địa phương để nắm bắt được những vấn đề vướng mắc, khó khăn, phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động công vụ để các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý.

Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh có thể ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm tra trực tuyến


Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân kết luận Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, thời gian 03 năm vưa qua không dài nhưng thiên tai, dịch bệnh chiếm khoảng 1,5 năm đã ảnh hưởng đến việc kiểm tra các bộ, ngành, địa phương nhưng trong khoảng 1,5 năm qua, Tổ công tác đã kiểm tra được 44 bộ, ngành, địa phương. 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao Tổ giúp việc của Tổ công tác là chuyên viên các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ. Thành viên Tổ công tác tham gia khá đầy đủ các cuộc kiểm tra.

Về nội dung, Tổ công tác đã tập trung kiểm tra 05 nội dung: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ; Kiểm tra kết quả việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội; việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế và tinh giản biên chế công chức, viên chức và lao động hợp đồng gắn với nguồn kinh phí trả lương tại các Bộ, ngành, địa phương; Kiểm tra việc triển khai xây dựng vị trí việc làm và thực hiện quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với xếp lại tổ chức, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, việc chấp hành các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng công chức, viên chức và hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và Kiểm tra việc tiếp công dân của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, Tổ công tác còn thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt các vấn đề báo chí phản ánh; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra công tác cải cách hành chính, công tác dân vận chính quyền, kết hợp chặt chẽ với công tác thanh tra.

Thông qua việc kiểm tra đã có tác dụng rất lớn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, kiểm tra công vụ không phải “bới lá tìm sâu”, không phải phát hiện để xử lý mà giúp các bộ, ngành, địa phương khắc phục hạn chế, giúp các cơ quan Trung ương xem xét, hoàn thiện thể chế, do đó, các vi phạm năm sau ít hơn năm trước, không tái phạm các vấn đề đã phát hiện. Đồng thời, qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều bộ, ngành, địa phương có nhiều sáng tạo trong hoạt động công vụ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, vẫn còn có những hạn chế đó là: chưa thực sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch; nội dung kiểm tra chưa linh hoạt theo từng bộ, ngành, địa phương; thành viên Tổ công tác đôi khi còn vắng, ảnh hướng chất lượng cuộc kiểm tra, chưa góp ý nhiều cho địa phương khắc phục sai sót; các đơn vị được kiểm tra vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian, chuẩn bị nội dung kiểm tra chưa đạt yêu cầu của Tổ công tác, vẫn còn tình trạng chậm khắc phục sai phạm sau thanh tra, kiểm tra…

Sau 03 năm thực hiện kiểm tra hoạt động công vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đã rút ra 04 bài học kinh nghiệm: 

Thứ nhất, nơi nào lãnh đạo quan tâm thường xuyên, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát thì nơi đó ít xảy ra sai phạm; nơi nào phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương thì công việc không bị ách tắc, chậm trễ. 

Thứ hai, về công tác tham mưu, một số lãnh đạo Vụ/ Ban Tổ chức cán bộ, Giám đốc Sở Nội vụ nắm chưa vững chắc các quy định và chưa làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo.

Thứ ba, nơi nào đã được phát hiện sai phạm nếu biết khắc phục, sửa chữa thì không tái phạm và không lợi dụng khoảng trống chính sách pháp luật để trục lợi. 

Thứ tư, qua kiểm tra và thanh tra đã phát hiện sai phạm thì phải xử lý dứt điểm; đồng thời, đã phát hiện thể chế chưa hoàn thiện thì phải nghiên cứu, khắc phục kịp thời.

Để hoạt động kiểm tra công vụ đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị 08 vấn đề:

Thứ nhất, Tổ công tác phải bám sát nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; đặc biệt việc tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; công tác kiểm tra phải có mục tiêu, nội dung kiểm tra hàng năm cho phù hợp với đặc thù từng bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, tập trung kiểm tra các nghị định của Chính phủ mới ban hành.

Thứ ba, kiểm tra việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, công tác tinh giản biên chế.

Thứ tư, cần kiện toàn Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Tổ công tác có thể thay đổi theo yêu cầu nội dung kiểm tra.

Thứ năm,
nghiên cứu đổi mới công tác kiểm tra, hình thức kiểm tra và báo cáo công tác kiểm tra, có thể kiểm tra trực tiếp, có thể phối hợp với công tác thanh tra hoặc kiểm tra bằng hình thức trực tuyến.

Thứ sáu, nghiên cứu chế độ báo cáo, có thể báo cáo quý với Thủ tướng Chính phủ hoặc báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ bảy, nghiên cứu sửa đổi Quy chế làm việc của Tổ công tác.

Thứ tám, tập trung đề xuất những kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết như về nội dung kiểm tra, kinh phí hoạt động của Tổ công tác, thành viên Tổ công tác…/.

Thanh Tuấn

Tìm kiếm