BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hồ sơ dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội

11/10/2021 16:08

Sáng 27/9, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Cùng dự Phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện các bộ, ngành hữu quan…

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI (kỳ họp thứ 4) thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Luật Thi đua, khen thưởng, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 98 điều, đã sửa đổi và điều chỉnh 94 điều, đặt tên điều luật đối với 98 điều. Trong đó, dự thảo Luật điều chỉnh lại 24 điều của Luật hiện hành thành 13 điều của dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất, bao quát; dự thảo Luật có 8 điều mới, trong đó có 3 điều mới hoàn toàn và 5 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành; Khoản 1 Điều 101 Luật hiện hành quy định về khen thưởng tổng kết thành tích khen thưởng kháng chiến được thiết kế thành quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 98 dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành; khoản 2 Điều 101 của Luật hiện hành quy định các hình thức động viên khác được thiết kế thành 1 điều (Điều 80) quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức động viên khác.

Nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 4 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng…

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Xã hội đánh giá Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm các thành phần hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai. Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, bổ sung hoàn thiện đầy đủ nội dung, cập nhật số liệu trong các báo cáo thành phần của Hồ sơ trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội trong các báo cáo thành phần của Hồ sơ…

Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thể hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, Ủy ban Xã hội nhất trí với tên gọi là Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Đồng thời, nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật, đồng thời đánh giá cao Chính phủ trong việc bổ sung đối tượng khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng, trong đó quan tâm đến đối tượng là tập thể nhỏ và đối tượng người lao động trực tiếp (công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học); cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm không bị bỏ sót đối tượng.

Ủy ban Xã hội cho rằng Ban soạn thảo đã tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật, bảo đảm chính sách dân tộc, trong đó đã thể hiện được quan điểm “Quan tâm khen thưởng cơ sở vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số". Tuy nhiên, nội dung này mới thể hiện ở nguyên tắc của thi đua, khen thưởng, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ, Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, chính sách dân tộc cũng như quan điểm "Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số” vào các điều, khoản quy định về hình thức khen thưởng, nhất là các hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức có tiêu chuẩn gắn với niên hạn theo hướng giảm niên hạn so với tiêu chuẩn chung.

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Xã hội và đại biểu tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật. Trong đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các quy định về danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu"; rà soát, lượng hóa tối đa các tiêu chuẩn khen thưởng để bảo đảm tính chính xác, kịp thời…

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến toàn diện, xác đáng, trách nhiệm của các thành viên Ủy ban; trong đó đa số các ý kiến đều nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Những ý kiến thảo luận tại Phiên họp sẽ được Ủy ban tiếp thu nghiêm túc để hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, bổ sung thêm đánh giá tác động, đánh giá tính khả thi về một số nội dung của Dự án Luật; đồng thời rà soát kỹ các trường hợp chưa được khen thưởng để tiếp tục thực hiện việc khen thưởng theo đúng công lao, thành tích, cống hiến; những vấn đề về hồ sơ thủ tục cần tiếp tục giải quyết để đảm bảo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Theo http://www.thiduakhenthuongvn.org.vn/
Tìm kiếm