Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Nội vụ nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Bộ Nội vụ, Ngày truyền thống Ngành Tổ chức nhà nước (28/8/1945-28/8/2023); chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ; Ban Thường vụ Công đoàn Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ, Hội Cựu chiến binh Bộ; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.
Đón tiếp và tham gia cùng Đoàn công tác, về phía tỉnh Tuyên Quang có: Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn; Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Quang Thắng và một số công chức của Sở Nội vụ.
Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đây là một căn lán nhỏ, nằm ở sườn núi Nà Nưa, dưới chân dãy núi Hồng, cách trung tâm làng Tân Lập 500m về phía đông là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5/1945 đến ngày 22/8/1945 để chuẩn bị và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Tại đây ngày 4/6/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành quân giải phóng, chuẩn bị cho hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội.
Tiếp theo, Đoàn công tác đã dâng hương tại Đình Tân Trào; Đình thờ Thành Hoàng làng và 7 vị Sơ thần đại diện cho các vị thần, thần núi xung quanh làng Kim Long. Do nằm trên mảnh đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, bốn bề là núi rừng bao bọc, đình Tân Trào đã được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội trong hai ngày 16 và 17/8/1945. Tại đây, Đại hội đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng; thông qua 10 chính sách lớn của mặt trận Việt Minh đó cũng là chính sách của nước Việt Nam mới. Đại hội quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền; Lệnh tổng khởi nghĩa được thông qua. Dưới mái đình này, sáng ngày 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước”. Quốc dân Đại hội Tân Trào được coi như Hội nghị Diên Hồng thứ 2 trong lịch sử nước ta, nơi hội tụ sự đoàn kết, trí tuệ của toàn dân tộc trong giờ phút quyết định vận mệnh của Đất nước.
Tiếp theo Chương trình công tác, Đoàn công tác đã đến thăm, dâng hương tại Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích đặc biệt Tân Trào. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị tiền bối cách mạng, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cùng Đoàn công tác nguyện hứa: Vững mãi niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; nguyện đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn; suốt đời học tập, noi theo tấm gương các vị tiền bối cách mạng; nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Đến thăm Khu di tích lịch sử của Bộ Nội vụ tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cùng Đoàn công tác đã dâng hoa và thắp nén hương thành kính tưởng nhớ các thế hệ cán bộ của Bộ Nội vụ đã sống và làm việc tại đây trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, toàn bộ các cơ quan Trung ương được di chuyển đến các cơ sở an toàn. Đầu năm 1947, Bộ Nội vụ và các cơ quan khác của Chính phủ đã di chuyển an toàn tới Việt Bắc, trở về "thủ đô cách mạng" Tân Trào, Tuyên Quang.
Lúc mới tới Tuyên Quang, cơ quan Bộ Nội vụ có tên bí mật là "Tiểu đội 1", tạm ở và làm việc tại nhà dân thuộc xóm Cầu, xã Minh Khai (nay là xã Minh Thanh), huyện Sơn Dương. Tới đầu năm 1948, cơ quan Bộ Nội vụ chuyển đến đóng trên sườn đồi cạnh sông Phó Đáy, thuộc thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đây vốn là một khu đất cao ráo, khá bằng phẳng, các loại tre, nứa mọc um tùm. Lúc đó, toàn bộ cơ quan Bộ chỉ có khoảng trên 20 cán bộ. Được Nhân dân và chiến sĩ địa phương giúp đỡ, cán bộ Bộ đã tổ chức chặt cây, phát trống một khoảng đất nhỏ ở giữa lưng đồi, đắp nền cao, dựng một số căn nhà nhỏ vách nứa, mái tranh làm nơi ở và làm việc. Từ trên sườn đồi, một số đường giao thông hào được đào dích dắc hình chữ "chi" bao quanh cơ quan, thông ra ngoài và thông xuống bờ sông Phó Đáy, có cả một số hầm trú ẩn. Khu sườn đồi cạnh bờ sông Phó Đáy ở thôn Yên Thượng là nơi cơ quan Bộ đóng lâu nhất, từ đầu năm 1948 đến cuối năm 1950.
Nhân dịp này, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã tổ chức Chương trình thăm hỏi và tặng 100 suất quà cho hộ gia đình chính sách tại xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Phát biểu tại Buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc tới chính quyền và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang, huyện Sơn Dương nói chung, chính quyền và Nhân dân xã Trung Yên nói riêng trong những năm qua đã góp công sức bảo quản, chăm sóc Khu di tích lịch sử Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng bày tỏ lòng tri ân của cán bộ, công chức Bộ Nội vụ tới bà con Nhân dân các dân tộc địa phương đã chở che, giúp đỡ cán bộ, lãnh đạo Bộ Nội vụ trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Thứ trưởng bảy tỏ sự vui mừng trước những đổi thay trên quê hương cách mạng, nhận thấy đời sống của bà con Nhân dân đã từng bước được cải thiện, hạ tầng cơ sở đổi thay. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Trung Yên tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới ở khu dân cư, thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Một số hình ảnh Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng và Đoàn công tác của Bộ Nội vụ trao quà cho các gia đình chính sách, người có công xã Trung Yên: