Tạo chủ động địa phương nuôi dưỡng nguồn thu
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2021, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN); tiết giảm tối đa chi thường xuyên; chống tiêu cực, lãng phí trong thu, chi NSNN, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh việc thu ngân sách ở tất cả các tỉnh, thành phố, nhất là từ các nguồn thu bền vững, ổn định.
Cụ thể, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương (NSTW) và chủ động, tích cực của ngân sách địa phương (NSĐP), các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là cơ chế, chính sách nuôi dưỡng nguồn thu.
Trên thực tế thời gian qua, cơ chế phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương đã thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực. Phân cấp quản lý NSNN đã đảm bảo nguồn lực tài chính quốc gia được huy động và sử dụng hiệu quả. Qua đó, đảm bảo thực quyền của Quốc hội, tăng tính chủ động của HĐND các cấp trong việc quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách.
Luật NSNN năm 2002 cũng đã phân cấp mạnh hơn giữa NSTW và NSĐP theo nguyên tắc NSTW giữ các nguồn thu quan trọng và phải đảm nhận các khoản chi chủ yếu. Cụ thể, các nguồn thu lớn, quan trọng của quốc gia được phân cấp 100% cho NSTW. Thu NSTW chiếm khoảng 66 - 70% tổng thu NSNN, nếu tính cả bội chi thì chiếm khoảng 70 - 75% tổng nguồn thu NSNN. Thu NSĐP chiếm bình quân khoảng 25 - 30% tổng nguồn NSNN.
Cùng với việc số thu tăng dần qua các năm, NSĐP được mở rộng quyền tự chủ để khai thác các nguồn thu tại chỗ, bố trí chi tiêu hợp lý trên địa bàn. Luật NSNN cũng quy định giao ổn định nguồn thu, nhiệm vụ chi cho mỗi cấp ngân sách, ổn định tỷ lệ điều tiết và số bổ sung từ NSTW cho NSĐP từ 3 - 5 năm, đánh dấu một bước cải cách lớn trong quản lý ngân sách.
Với kết quả đó có thể khẳng định, Luật NSNN đã tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong việc lập, chấp hành và quản lý ngân sách, đặc biệt đã nâng cao vai trò và trách nhiệm, tạo chủ động cho các cấp chính quyền địa phương trong việc quan tâm, nuôi dưỡng và khai thác nguồn thu trên địa bàn.
Phân định rõ trách nhiệm trung ương và địa phương
Tuy nhiên đến nay, cơ chế phân cấp ngân sách đã có những bất cập, lộ rõ những rủi ro. Đó là vai trò chủ đạo của NSTW giảm, làm giảm khả năng, vai trò định hướng của NSTW, giảm khả năng đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm, mang tính đột phá đối với sự phát triển của nền kinh tế...
Bên cạnh đó, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với 47 tỉnh, thành phố nhận số bổ sung từ NSTW, cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù (không phân chia theo sắc thuế mà phân chia theo tổng nguồn thu trên địa bàn), nên vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối hạn chế. Trong khi đó, quy mô chi của NSTW đang có xu hướng giảm dần và ở mức dưới 50% tổng chi NSNN.
Vấn đề này đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của giới chuyên gia. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu - nhiệm vụ chi ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật NSNN về phân cấp ngân sách để tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW, qua đó đảm bảo tỷ trọng thu NSTW khoảng 60 - 65% tổng thu NSNN; số tăng thu chỉ sử dụng để giảm bội chi và hình thành một số khoản thu gắn với nhiệm vụ chi như giáo dục, y tế.
Bộ Tài chính hiện đang xây dựng dự thảo Đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ NSNN để bảo đảm vai trò chủ đạo của NSTW và chủ động, tích cực của NSĐP. Trong đó, tập trung xác định mục tiêu tổng quát là đổi mới cơ chế phân cấp và phân bổ ngân sách theo hướng phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa nhà nước và thị trường, giữa NSNN và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, giữa NSNN và nguồn tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW, đồng thời thúc đẩy tính tự chủ, sáng tạo của NSĐP; phát huy sức mạnh tổng hợp của nguồn lực tài chính nhà nước đi đôi với tận dụng tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, huy động tối đa các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Có ý kiến cho rằng, để nâng cao hơn nữa công tác quản lý, phân cấp quản lý NSNN trong thời gian tới, cần nghiên cứu một cách thận trọng để tiến tới xoá bỏ tính lồng ghép của hệ thống ngân sách. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, cần phải thận trọng trước khi xoá bỏ cơ chế này để đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền trung ương. Về nguyên tắc, vẫn phải tập trung những nguồn thu lớn, quan trọng về NSTW. Các địa phương tích cực khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu gắn với kinh tế địa phương để chủ động cân đối ngân sách.
Phân cấp ngân sách, thêm nhiều địa phương điều tiết về trung ương Chính nhờ thực hiện phân cấp ngân sách thời gian qua đã mang lại kết quả rõ nét. Nếu như trước năm 2004 cả nước mới chỉ có 5 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách trung ương, thì thời kỳ 2004 - 2007 đã là 15 địa phương, thời kỳ 2007 - 2010 là 11 địa phương. Năm 2004, mới chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội (trên 24 nghìn tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (trên 50 nghìn tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (trên 12 nghìn tỷ đồng) có số thu trên 10 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2010, có 10 địa phương đạt số thu trên 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 2 địa phương đạt trên 100 nghìn tỷ đồng là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đến thời điểm năm 2019, cả nước đã có 18 tỉnh, thành có số thu đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. |