Khóa bồi dưỡng được thiết kế dành cho các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương của Việt Nam. Thành phần Đoàn bao gồm lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục Đào tạo và các cán bộ là lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh Hưng Yên, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, TP.Hải Phòng…
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại địa điểm tổ chức khóa bồi dưỡng ở Xinh-ga-po
Khóa bồi dưỡng “Nâng cao năng lực công chức lãnh đạo tiềm năng cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả” (MENGPEL) gồm 4 học phần (1) Vai trò của lãnh đạo trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; (2) Làm việc hiệu quả trong thế giới toàn cầu hóa và số hóa; (3) Xây dựng các tổ chức và hệ thống quản lý hiệu quả; (4) Tư duy phân tích và giải quyết vấn đề hiệu quả trong lãnh đạo. Chuyến nghiên cứu khảo sát tại Xinh-ga-po là hợp phần thứ 3 trong chương trình hợp tác giữa Học viện Hành chính Quốc gia, dưới sự chù trì của Bộ Nội vụ và Viện Quản trị Chandler có trụ sở tại Xinh-ga-po trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực công chức lãnh đạo, quản lý. Chuyến nghiên cứu, khảo sát tạo điều kiện cho học viên tìm hiểu thực tiễn, kinh nghiệm hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách công của Xinh-ga-po, giúp học viên tiếp thu về triết lý, các trụ cột để phòng chống tham nhũng, chuyển tải các kiến thức, kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Xinh-ga-po; tư duy chiến lược trong xây dựng đô thị, trong phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực xã hội để tạo sự cộng hưởng trong phối hợp các chính sách; quản lý nguồn nhân lực khu vực công, đặc biệt là chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người tài trong khu vực công; cách thức phân tích trong xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách phát triển quốc gia để phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Chương trình nhằm mở rộng thế giới quan và tầm nhìn cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý, giúp các học viên xác định và áp dụng các kỹ năng thiết yếu để làm việc hiệu quả trong kỷ nguyên kỹ thuật số, đồng thời chia sẻ kỹ thuật xây dựng các thể chế và hệ thống vững mạnh.
Ông Lê Quang Hòa, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên, Trưởng đoàn tặng quà lưu niệm cho ông Lam Chuan Leong, Cựu Đại sứ và Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Xinh-ga-po, giảng viên.
Trong chương trình, các công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã được nghiên cứu về câu chuyện quốc gia của Xinh-ga-po, quá trình xây dựng và thực thi chính sách; mục tiêu, triết lý đằng sau các chính sách; điều kiện để xây dựng chính sách công hiệu quả, vai trò của người lãnh đạo trong hoạch định chính sách công tốt; sự thích ứng của hệ thống quản lý, tổ chức thực thi chính sách cho phù hợp với nhu cầu thay đổi của đất nước, tác động của các chính sách đối với đời sống xã hội và phát triển đất nước.
Đoàn đi khảo sát tại Trường Cao đẳng Bách khoa Temasek
Đồng thời, các thành viên trong đoàn cũng được tìm hiểu về các thách thức và kinh nghiệm của Xinh-ga-po trong ứng phó với những thách thức trong hoạch định và thực thi chính sách của Xinh-ga-po. Đoàn được nghe giới thiệu về một số chính sách cụ thể như chính sách phòng chống tham nhũng, chính sách phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng cho tương lai, chính sách quản lý nguồn nhân lực trong khu vực công, chính sách quy hoạch đất đai, chính sách phát triển nhà ở, chính sách xây dựng các khu công nghiệp v.v. và tham quan thực tiễn để tìm hiểu việc triển khai, tác động của quá trình triển khai các chính sách đó trên thực tiễn.
Đoàn khảo sát tại Cơ quan Quản lý nhà nước về tái phát triển đô thị
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, TP. Hải Phòng đại diện nhóm trình bày kết quả khảo sát tại khu vực ngoại ô của Xinh-ga-po
Chuyến nghiên cứu, học tập tại Xinh-ga-po được tổ chức chuyên nghiệp, khoa học, chu đáo dưới sự chủ trì của Bộ Nội vụ, do Học viện Hành chính Quốc gia thực hiện.
Trước chuyến đi, Ban tổ chức khóa học đã tổ chức họp Đoàn và các đồng chí đại diện Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Lãnh đạo Học viện Hành chính Quốc gia, Trưởng Đoàn đã có các thông báo về Quy chế theo quy định cũng như chia sẻ tất cả các thành viên trong Đoàn rất cụ thể. Công tác tổ chức khóa bồi dưỡng đảm bảo được các yêu cầu và mục đích đặt ra.
Đoàn đã nhận được sự đón tiếp thịnh tình, nồng ấm. Các cán bộ của đơn vị phối hợp tổ chức đã tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên trong Đoàn được tham dự khóa học đầy đủ, an toàn và có hiệu quả. Công tác tổ chức lớp học, chuẩn bị hậu cần, ăn ở, đi lại, phiên dịch... tại đất nước Xinh-ga-po đã được Ban Tổ chức, Viện Chandler, Học viện Hành chính Quốc gia, các trợ giảng, quản lý lớp học đảm bảo đầy đủ, chu đáo, có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với đối tác; đáp ứng nhu cầu của học viên. Các thành viên trong Đoàn đều tuân thủ đúng yêu cầu, quy định về chế độ công tác nước ngoài, tạo ấn tượng tốt với đối tác và người dân sở tại.
Chương trình đào tạo hướng tới công việc thực tiễn của học viên, nhằm trang bị cho các nhà lãnh đạo Trung ương và địa phương những năng lực cần thiết để đáp ứng thực tế và nhu cầu của công việc trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay và vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm vào thực tiễn quản lý, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại Việt Nam.
Nội dung, chương trình được chuẩn bị tốt, đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của học viên; có sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với đối tác. Các giảng viên tham gia trình bày và trao đổi với Đoàn là các chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm: ông Kenneth Sim - Viện trưởng, Học viện Quản trị Chandler (CAG), Phó Giám đốc Điều hành, Viện Quản trị Chandler (CIG); Phó Giáo sư Soh Kee Hean - Đại học Khoa học Xã hội Xinh-ga-po (SUSS); PGS.TS. Vũ Minh Khương - Thành viên Hội đồng Cố vấn, Viện Quản trị Chandler; Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Xinh-ga-po); Bà Jean Chia - Chuyên gia, Viện Quản trị Chandler; Ông Lam Chuan Leong - Cựu Đại sứ và Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Xinh-ga-po… đã cung cấp cho các thành viên trong đoàn nhiều kinh nghiệm của Xinh-ga-po trong hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách.
Thời gian khóa học được thiết kế chặt chẽ, hợp lý (½ dành cho việc học trên lớp và ½ dành cho đi thực tế, khảo sát tại các khu vực của Xinh-ga-po), bảo đảm tính bổ trợ giữa các vấn đề lý thuyết với thực tiễn quản lý sinh động tại Xinh-ga-po. Kết thúc chương trình, các thành viên trong đoàn đã có thời gian để thảo luận, trao đổi để rút ra những bài học trên cơ sở nghiên cứu và tìm hiểu thực tiễn tại Xinh-ga-po, xây dựng kế hoạch hành động để áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã học tập vào thực tiễn công tác tại cơ quan, đơn vị của mình.
Qua đợt nghiên cứu, học tập Hợp phần 03 tại Xinh-ga-po, với các nội dung đã được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trình bày, cho thấy giá trị có thể rút ra đối với Việt Nam trong quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả là:
Thứ nhất, cần coi trọng công tác hoạch định chính sách, chiến lược phát triển quốc gia mang tính chất dài hạn, thích ứng với bối cảnh thay đổi trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng, đồng thời coi trọng việc truyền đạt chính sách, chiến lược phát triển quốc gia từ các nhà hoạch định và thực thi chính sách từ Trung ương tới địa phương, đến người dân để tạo tính đồng thuận, từ đó phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, thích ứng với bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng 4.0.
Thứ hai, quản trị nhân lực, đặc biệt là nhân lực khu vực công nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh trạnh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là vấn đề vô cùng quan trọng, theo đó quá trình quản trị cần bắt đầu ngay từ khâu phát hiện đến thu hút nhân tài, thông qua quá trình tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ ưu đãi, sự thăng tiến trong nghề nghiệp và giữ chân được nhân tài trong khu vực công là yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của nền công vụ.
Thứ ba, việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có hiệu quả để phục vụ cho các mục tiêu phát triển của quốc gia bền vững trong dài hạn, với tầm nhìn chiến lược, thích ứng với sự thay đổi là một trong những yếu tố rất quan trọng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội, bền vững môi trường.
Thứ tư, đào tạo nhân lực, phân tuyến phù hợp, khuyến khích và tạo lập chế độ học tập suốt đời giúp cho quốc gia có khả năng cạnh tranh tốt hơn trong môi trường toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 và các thách thức tiềm tàng khác.
Thứ năm, trong quá trình phát triển, cần lấy con người là chủ thể trung tâm, từ đó có chiến lược, chính sách phù hợp để vừa phục vụ mục tiêu tăng trưởng bền vững, vừa gắn với nâng cao chỉ số phát triển con người, bền vững về môi trường.
Bên cạnh đó còn nhiều nội dung mà có thể tiếp tục nghiên cứu, học tập chuyên sâu như: xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách công dài hạn, với tầm nhìn chiến lược; các nhân tố ảnh hưởng, vai trò nhà lãnh đạo trong hoạch định chính sách công, bài học rút ra từ thực tiễn và giá trị tham khảo phù hợp với điều kiện Việt Nam. Quản trị hiện đại từ quốc gia tới địa phương với thực tiễn từ Xinh-ga-po đi lên từ một làng chài ven sông tới Quốc đảo sư tử phát triển sẽ là những bài học tư duy, tầm nhìn với khả năng lãnh đạo kỹ trị truyền đầy cảm hứng và kiến tạo xu thế phát triển.
Anh Cao (Nguồn: Học viện Hành chính Quốc gia cung cấp)