Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước
về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Dự buổi làm việc có lãnh đạo, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban, ngành Trung ương; Thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước, thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Tổ biên tập và đại diện lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (phải) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân (trái) chủ trì buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã trình bày báo cáo tóm tắt một số nội dung cơ bản trong dự thảo Đề án “Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập” và một số nội dung chính cần tập trung thảo luận.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu hưởng thụ dịch vụ công của xã hội và người dân ngày càng cao và đa dạng, nhất là nhu cầu dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa và thể dục thể thao… (dịch vụ sự nghiệp công) của xã hội và của từng người dân ngày càng cao về số lượng và chất lượng. Nhiều người dân có khả năng chi trả cao để được hưởng thụ dịch vụ công chất lượng cao theo nhu cầu. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của các tầng lớp nhân dân, Nhà nước cần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp của các đơn vị công lập, đồng thời cần phải tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, nên cần đẩy mạnh đấu thầu dịch vụ sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức chưa khoa học, còn cồng kềnh, chưa tinh gọn và hợp lý phù hợp so với thực tiễn phát triển của đất nước hiện nay, dẫn đến hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp công lập hiệu quả thấp, thậm chí không hiệu quả gây thua lỗ. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngày càng tăng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhưng chất lượng hoạt động còn nhiều hạn chế. Các đơn vị sự nghiệp công lập chưa chủ động khai thác nguồn thu thực hiện chế độ tự chủ, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước. Một số đơn vị thực hiện không hết chức năng, nhiệm vụ được giao do nhu cầu dịch vụ công bị thu hẹp hoặc không còn cần thiết dẫn đến lãng phí biên chế, tài chính.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp công chiếm khoảng 30% tổng ngân sách nhà nước; số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước gấp 8 lần số lượng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước tại Trung ương đến cấp huyện. Do đó, để thực hiện cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cần phải đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với tái cơ cấu ngân sách nhà nước và chế độ tiền lương.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đòi hỏi đối với dịch vụ sự nghiệp công, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và giảm chi ngân sách nhà nước đối với hoạt động dịch vụ công, thì việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết.
Với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập với ngoài công lập để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc ít người được thụ hưởng chất lượng của các dịch vụ công ở mức độ ngày càng cao. Tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng hợp lý, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự thảo Đề án đã đưa ra 07 nhóm giải pháp chung và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực. Nhóm giải pháp chung, gồm: Nhóm giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Nhóm giải pháp đổi mới cơ chế quản lý; Nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính; Nhóm giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy; Nhóm giải pháp quản lý nhà nước; Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và Nhóm giải pháp xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, có các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực: giáo dục và đào tạo; dạy nghề; y tế; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí và nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trình bày báo cáo tóm tắt tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung của dự thảo Đề án, trong đó tập trung vào cơ chế quản lý tài chính, hệ thống tổ chức và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập...
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu, có văn bản gửi các cơ quan Đảng, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc để tiếp tục lấy ý kiến góp ý vào Đề án. Đồng thời, đôn đốc các Bộ, ngành Trung ương còn chưa gửi báo cáo hoặc đã gửi báo cáo nhưng chưa đạt yêu cầu của Ban Chỉ đạo sớm hoàn thiện báo cáo gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để tổng hợp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện sớm Đề án để tiếp tục lấy ý kiến và xây dựng Tờ trình, Nghị quyết trình Bộ Chính trị theo đúng tiến độ, thời gian quy định.
Toàn cảnh buổi làm việc