Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh dâng hương tưởng niệm cố Bộ trưởng Phan Kế Toại
Chánh Văn phòng Bộ Vũ Đăng Minh và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc trước anh linh cố Bộ trưởng Phan Kế Toại – Nhân sĩ trí thức, Khâm sai đại thần trong Chính phủ Trần Trọng Kim.
Cụ Phan Kế Toại sinh năm 1892 trong một gia đình quan lại. Cụ học chữ nho từ nhỏ, lớn lên ra Hà Nội học trong một trường Tây, sau đó vào học trường Hậu Bổ; từ năm 1911 đến năm 1914, cụ được chính quyền bảo hộ Pháp trao học bổng du học tại Trường Hành chính thuộc địa Paris. Thời gian này cụ may mắn được gặp Nguyễn Ái Quốc. Ý tưởng giúp dân, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ảnh hưởng lớn đến con đường học hành và sự nghiệp của cụ Phan Kế Toại sau này.
Năm 1914, Cụ về nước, được bổ nhiệm giữ chức Tổng đốc nhiều tỉnh, được Chính phủ Trần Trọng Kim bổ nhiệm giữ chức “Khâm sai đại thần” Bắc Kỳ. Ở đâu, làm gì Cụ luôn lấy chữ “liêm chính”, “an dân”, “đạo nghĩa nhân” làm gốc. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, cụ từ chức “Khâm sai đại thần”, từ bỏ quan trường, bổng lộc đứng về phía Việt Minh - Chính phủ lâm thời, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến.
Ngày 09/11/1947 tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ nhất trí cử cụ Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ lúc này là một trong các bộ quan trọng của Chính phủ, được Chính phủ và Hồ Chủ tịch tin tưởng giao phụ trách nhiều lĩnh vực công tác: hành chính, pháp chế, xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền các cấp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, công tác thông tin tuyên truyền, công tác tản cư, Hoa kiều, vấn đề hàng binh và trại giam. Đó là những lĩnh vực công tác có tính chất nội vụ, nội trị quốc gia. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại đã nhanh chóng đề ra các giải pháp cải tiến, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Bộ, nhờ đó Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Hồ Chủ tịch giao.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của cụ Phan Kế Toại, Bộ Nội vụ đã tổ chức thành công cuộc “di tản, di chuyển chiến lược” các cơ quan Trung ương từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, bảo đảm an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của Trung ương, giữ gìn và duy trì tốt cơ sở vật chất tối quan trọng cho toàn bộ cuộc kháng chiến. Trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự trị an, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng lực lượng Công an cách mạng vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về bản chất chính trị trong xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân. Cụ đã trực tiếp ký ban hành Nghị định số 438/NĐ ngày 10/10/1950 về tổ chức Ban Công an xã.
Các thành viên Hội đồng Chính phủ kháng chiến ở Việt Bắc, năm 1951. Trong ảnh, hàng ngồi từ trái qua phải: Linh mục Phạm Bá Trực, cụ Phan Kế Toại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Tôn Đức Thắng, đồng chí Hoàng Đạo Thúy - Ảnh tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến cực kỳ khó khăn, gian khổ, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã tham mưu cho Chính phủ kiện toàn bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đề xuất các giải pháp quan trọng củng cố chính quyền cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, xây dựng hậu phương kháng chiến vững mạnh. Cụ đã trực tiếp chỉ đạo nghiên cứu ban hành Thông tư số 03/TC-TT ngày 27/02/1953 ấn định các nguyên tắc về tổ chức chính quyền ở các thị xã, thị trấn; Thông tư số 12/HX-TT ngày 26/12/1954 về chỉnh đốn chính quyền huyện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực công chức, công vụ, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã nghiên cứu trình Hồ Chủ tịch ký ban hành Sắc lệnh số 188/SL ngày 25/9/1948 quy định chế độ công chức mới và đặt một thang lương chung cho các ngạch lương và các hạng công chức Việt Nam; Sắc lệnh số 76/SL ngày 20/5/1950 ban hành Quy chế công chức Việt Nam. Cụ đã chỉ đạo nghiên cứu và trực tiếp ký ban hành Nghị định số 357-NV/6 ngày 20/10/1950 về việc ủy quyền quản trị những công chức thuộc Bộ Nội vụ cho Ủy ban Kháng chiến hành chính liên khu; Thông tư số 52/NV6-TT ngày 09/11/1950 thi hành kỷ luật đối với công chức phạm lỗi; Thông tư số 56/NV6-TT ngày 01/11/1950 về việc cho công chức thôi việc được hưởng một khoản trợ cấp; Thông tư số 5/NV2A-TT ngày 02/02/1951 quy định đặt huy hiệu công chức kháng chiến… Đó là những đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại trong việc xây dựng nền công vụ và chế độ công chức phục vụ kháng chiến, phục vụ Nhân dân, đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện nhiệm vụ Chính phủ Liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại còn tích cực tham gia trong Hội đồng Quốc phòng tối cao. Hội đồng Quốc phòng tối cao có nhiệm vụ đặc biệt là nghiên cứu kế hoạch kháng chiến toàn diện, đệ trình Chính phủ duyệt y và thực hiện kế hoạch đó.
Sau hòa bình lập lại, ngày 20/9/1955, tại Kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa I, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kiện toàn Chính phủ. Cụ Phan Kế Toại được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cụ giữ trọng trách này cho đến tháng 4/1964.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Phan Kế Toại tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện tốt các nhiệm vụ Chính phủ giao. Đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 168/NĐ/TTg ngày 31/3/1958 thành lập Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương, khu, thành, tỉnh. Đặc biệt, đã tham mưu giúp Hội đồng Chính phủ trình Quốc hội khóa I thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trình Quốc hội khóa II thông qua Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Trong lĩnh vực công tác tổ chức cán bộ, Bộ trưởng Phan Kế Toại đã chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách về cán bộ, về xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước. Đóng góp quan trọng của cụ Phan Kế Toại là đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và xây dựng Trường Hành chính Trung ương, tiền thân của Học viện Hành chính quốc gia ngày nay.
Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, cụ Phan Kế Toại đã cùng Chủ tịch Hội đồng Chính phủ lãnh đạo thực hiện tốt chức năng của Chính phủ trên lĩnh vực hành pháp và hành chính, lãnh đạo và quản lý có hiệu quả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Do có đóng góp to lớn và uy tín trong Chính phủ, Cụ được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệm kỳ thứ Hai và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu.
Đoàn công tác Bộ Nội vụ chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình cố Bộ trưởng Phan Kế Toại
Có thể nói, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 11/1947 đến tháng 4/1963, cụ Phan Kế Toại đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao; lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Bộ Nội vụ ngày một vững mạnh, xứng đáng là một trụ cột trong cơ cấu Chính phủ, tham mưu giúp Chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng có tính chất nội trị của quốc gia. Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ liên tục hai nhiệm kỳ, phụ trách các lĩnh vực công tác nội vụ, nội chính, Cụ đã tích cực tham mưu trong các hoạt động của Chính phủ. Với kiến thức được đào tạo bài bản, hệ thống, trí tuệ uyên thâm, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc, với đức độ và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Cụ đã tham mưu cho Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền hành chính và chế độ công vụ của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tích cực vào việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử Đảng và Nhân dân giao phó.
Thanh Tuấn – Văn Phong