BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại 3 quận của thành phố Hà Nội

27/04/2021 14:07

Sáng ngày 27/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 55, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 3 tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang. 

Dự phiên họp có đồng chí Lê Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính Hà Nội và 3 tỉnh

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đối với thành phố Hà Nội, đề nghị điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 8 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh là 10,32ha; dân số 6.096 người.

Đồng thời, điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28 - tập thể Bệnh viện 19-8 ở phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh là 1,86ha; dân số 703 người.

Đối với Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý giữ nguyên hiện trạng.

Tỉnh Thanh Hóa đề nghị phương án thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định. Sau khi thành lập, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 469 xã, 60 phường, 30 thị trấn. Trong đó, huyện Yên Định có 26 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 4 thị trấn.

Tỉnh Đồng Nai đề nghị phương án thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ. Sau khi thành lập, tỉnh Đồng Nai có 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 40 phường, 9 thị trấn và 121 xã. Trong đó, huyện Cẩm Mỹ có 12 xã và 1 thị trấn.

Tỉnh Tuyên Quang đề nghị phương án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn thuộc huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn. Cụ thể, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên (90,91km2) và dân số (7.842 người) của xã Phúc Sơn và toàn bộ diện tích tự nhiên (41,67km2) và dân số (6.757 người) của xã Minh Quang thuộc huyện Chiêm Hóa về huyện Lâm Bình quản lý.

Thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Lăng Can. Điều chỉnh 0,58km2 diện tích tự nhiên, 923 người của xã Lang Quán và 2,29km2 diện tích tự nhiên, 1.788 người của xã Tứ Quận về xã Thắng Quân quản lý. Thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn trên cơ sở 29,21km2 diện tích tự nhiên, 22.041 người của xã Thắng Quân (sau khi điều chỉnh và đổi tên đơn vị hành chính).

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn, tỉnh Tuyên Quang có 138 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 122 xã, 10 phường và 6 thị trấn.

Cần bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của thành phố Hà Nội và các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang theo các tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật; các đơn vị được đề nghị thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định; hồ sơ đề án, trình tự, thủ tục lập đề án tuân thủ theo quy định của pháp luật…

Thảo luận về nội dung này, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với phương án Chính phủ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban đồng tình với sự cần thiết của việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 3 tỉnh.

“Chúng tôi đề nghị các nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 để bảo đảm thực hiện tốt công tác bầu cử sắp tới”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nói.

Đồng tình với phương án của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà lưu ý, ngoài việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đơn vị nêu trên, cần quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý trật tự đô thị.      

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, vấn đề thành lập phường, thị trấn mới cần xem xét các quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; phát triển quy hoạch hạ tầng giao thông cần gắn với phát triển kinh tế đô thị.

“Tránh việc đơn vị hành chính lên thị xã, phường nhưng chỉ là “phần vỏ”, còn “phần ruột” vẫn 100% là lao động nông nghiệp, kinh tế nông thôn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với thành phố Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, cần giải quyết kịp thời các công việc như về hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân, thủ tục hành chính, dịch vụ công… để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

“Chính phủ và thành phố cần có hạn định bao giờ thực hiện xong các vấn đề trên trong tổ chức thực hiện nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Với 100% thành viên có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 3 tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Tìm kiếm