 |
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phường Cao Xanh (TP Hạ Long). |
Từ năm 2011 đến năm 2013, chỉ số PAPI của tỉnh Quảng Ninh đạt mức trung bình thấp và có một số chỉ số xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2013 và 2014, Quảng Ninh lần lượt xếp hạng thứ 61 và 52/63 tỉnh, thành phố. Năm 2014, Quảng Ninh có 1 chỉ số thuộc nhóm điểm cao nhất là sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,35 điểm; có 2 nhóm chỉ số đạt trung bình thấp và 3 nhóm chỉ số đạt điểm thấp nhất, gồm trách nhiệm giải trình với người dân; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Những tồn tại dẫn đến việc chỉ số PAPI của Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm trung bình thấp được tỉnh chỉ ra gồm những nguyên nhân chủ yếu như: Thái độ ứng xử của một số bộ phận công chức làm việc tại các Trung tâm Hành chính công (HCC) còn nhiều hạn chế; bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, phường, bộ phận tiếp dân chưa tốt; cán bộ công chức làm việc tại các Trung tâm HCC hiện nay chưa thực hiện được việc thẩm định hồ sơ tại nơi tiếp nhận; một số địa phương chưa cập nhật những thủ tục hành chính mới ban hành; tỷ lệ thủ tục hành chính được thực hiện ở mức độ 3,4 còn thấp…
Nhận rõ những hạn chế trên, với quyết tâm cải thiện chỉ số PAPI, bước sang năm 2015, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai nhiều nhóm giải pháp như: Tăng cường sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; đẩy mạnh công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân; tập trung cải cách thủ tục hành chính và cải thiện việc cung ứng dịch vụ công; đẩy mạnh kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản… Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm giải trình của cán bộ đối với người dân về những chủ trương chính sách gắn liền với đời sống nhân dân; nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp và giải quyết công việc của cán bộ cấp cơ sở nhằm đem lại sự hài lòng của người dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa tại cơ quan hành chính các cấp; tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính…
Cùng với đó, Quảng Ninh thường xuyên chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ; tiếp nhận và giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến tất cả các lĩnh vực bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của người dân với chính quyền; tạo cơ chế, điều kiện để người dân tham gia các quyết định về quy hoạch như: phát triển KT-XH; đất đai; xây dựng; xây dựng nông thôn mới hoặc tham gia vào các công việc như đóng góp vật chất, công sức làm đường giao thông nông thôn; giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Đặc biệt, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt việc công khai văn bản theo quy định; công khai quy trình, cách thức giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là công việc với người dân, doanh nghiệp; thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục về đất đai, xây dựng, giải quyết chế độ cho người có công; các khoản thu, chi; kế hoạch, chương trình, dự án trên địa bàn để người dân giám sát.
Xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong nỗ lực phấn đấu xây dựng chính quyền điện tử, phục vụ nhân dân, Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đơn giản hóa, xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan đảm bảo nhanh gọn, thuận tiện. Qua quá trình rà soát, nhiều sở, ngành đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, số lần đi lại của cá nhân, tổ chức giảm trung bình 40% so với thời gian quy định của Trung ương.
Sở Kế hoạch và Đầu tư là một trong 2 sở có chỉ số cải cách hành chính cao nhất trong tỉnh, đứng thứ 2/19 sở, ngành theo đánh giá năm 2015 của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở cho biết: “Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị dẫn đầu trong cải cách hành chính thông qua sự đánh giá của 700 doanh nghiệp. Kết quả này đã thể hiện chính xác nhất quyết tâm của đội ngũ cán bộ, nhân viên toàn Sở. Là đơn vị được giao nhiệm vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, trong năm 2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận hồ sơ và có 1.400 doanh nghiệp mới thành lập. Hiện nay bộ phận một cửa của Sở được bố trí lực lượng cán bộ có trình độ, thường xuyên có mặt để phục vụ, kịp thời giải đáp mọi thắc mắc của người dân, doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, thời gian đăng ký và thành lập doanh nghiệp không quá 3 ngày, hiện nay Sở quyết tâm rút xuống còn 1,5 ngày; doanh nghiệp chỉ phải đến một lần, sau đó kết quả được trả qua đường bưu điện, tránh việc đi lại phiền hà. Với những doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, sau khi có chủ trương của tỉnh, Sở sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp trong vòng từ 3-5 ngày. Đây thực sự là những bước tiến mạnh mẽ của Sở Kế hoạch và Đầu tư và của tỉnh Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh”.
Nhằm nâng cao chỉ số PAPI, phấn đấu thực hiện mục tiêu trong năm 2016 nâng chỉ số PAPI của Quảng Ninh đứng ở vị trí 25, đến năm 2020 ở nhóm 20 hoặc cao hơn, tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2016 là “Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; xây dựng thành phố du lịch Hạ Long”.
Để triển khai tốt mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; triển khai tốt vấn đề công khai, minh bạch thông tin liên quan đến lĩnh vực giải phóng mặt bằng, phương án bồi thường, kế hoạch sử dụng đất, thu chi ngân sách cấp xã…
Cùng với đó, cán bộ công chức của tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của tỉnh như: Chỉ thị số 03-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 916/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TU của BTV Tỉnh ủy và chủ đề công tác năm 2016 về nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn tỉnh.
Tin tưởng rằng, với quyết tâm và giải pháp hợp lý, chỉ số PAPI của Quảng Ninh trong những năm tiếp theo sẽ có bước tiến vượt bậc./.
Hà Thanh