Qua triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm mới, chủ động trong việc tạo nguồn, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của từng giai đoạn. Các cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong tỉnh đã có nhận thức đúng đắn về công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Một trong những kết quả nổi bật đó là, hệ thống văn bản pháp quy về công tác cán bộ được xây dựng khá hệ thống, đồng bộ, ngày càng chặt chẽ. | Chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên, góp phần đáp ứng nhiệm vụ của tỉnh trong thời kỳ mới. Trong ảnh: Kiểm tra hồ sơ cán bộ tại huyện Bình Sơn. |
Theo đó, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, kết luận, quyết định để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ CB,CCVC trong toàn hệ thống chính trị; lãnh đạo chỉ đạo HĐND, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác và làm việc tại tỉnh. Ban hành Đề án tuyển chọn, bổ sung tạo nguồn cán bộ trẻ cấp tỉnh, huyện; thực hiện việc tuyển chọn các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý bằng hình thức thi tuyển. Đặc biệt, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn chủ động, kịp thời rà soát bổ sung, sửa đổi, ban hành mới Quy chế làm việc; Chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thành viên lãnh đạo trong việc giới thiệu, tiến cử, quy hoạch, đánh giá, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ... trên nguyên tắc tập trung dân chủ, Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, gắn với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị. Qua thống kê, năm 2016, số CB,CCVC có trình độ sau đại học là 1.311 người (tăng 727 người so với năm 2011); số CB,CCVC có trình độ đại học, cao đẳng là 19.255 người (tăng 2.514 người so với năm 2011). Về trình độ lý luận chính trị, năm 2016, số CB,CCVC có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị là 1.486 người (tăng 641 người so với năm 2011), trung cấp chính trị là 2.533 người (tăng 1.047 người so với năm 2011). |
Nhờ đó, công tác quy hoạch, rà soát bổ sung quy hoạch cán bộ đã có sự đổi mới, mở rộng dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định. Đa số cán bộ được bổ nhiệm đều phát huy được năng lực trong quản lý, điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình xem xét bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đều gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đối với từng chức danh trên cơ sở xem xét kết quả nhận xét, đánh giá CB,CCVC. Riêng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khi bổ nhiệm phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ thực hiện đúng nguyên tắc, được phân công nhiệm vụ cơ bản phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân. Đáng ghi nhận là, thực hiện Quy định 379 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển, điều động cán bộ, lãnh đạo, quản lý và cán bộ trẻ đã tăng cường cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu, khó khăn, thiếu cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn, nhất là đối với cán bộ trẻ, chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ lâu dài. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 -2020 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển rất nhiều đồng chí. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ dần đi vào thực chất hơn, khắc phục tình trạng nể nang, xuê xoa. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngày càng được chú trọng; nhiều lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ được tổ chức. Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi, tỉnh thực hiện chủ trương không sử dụng ngân sách nhà nước để đào tạo chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo đối với CB,CCVC tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa, hệ vừa học vừa làm, khắc phục tình trạng “đại học hóa”, “thạc sĩ hóa”. Dành ngân sách để đào tạo chuyên sâu cho những cán bộ được đào tạo chính quy, thực hiện tốt nhiệm vụ và có phẩm chất đạo đức để trở thành cán bộ khoa học, kỹ thuật và chuyên gia đầu ngành; tuyển chọn học sinh giỏi, xuất sắc tốt nghiệp THPT và sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học để cử đi đào tạo đại học, sau đại học trong và ngoài nước, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh. Những đổi mới về nội dung và cách làm sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), đã từng bước xây dựng được đội ngũ CB,CCVC, nhất là cán bộ chủ chốt có bản lĩnh chính trị, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành. Thời gian đến, tinh thần Nghị quyết này sẽ được thực hiện song song với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng cho sự phát triển của tỉnh. Thanh Thuận |