BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Quảng Nam: HĐND các cấp tháo gỡ khó khăn để hoạt động hiệu quả

29/09/2017 13:16

Sau hơn một năm hoạt động của nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND các cấp tỉnh Quảng Nam đã dần thể hiện tốt hơn vai trò đại diện cử tri và nhân dân trong giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Tuy nhiên, để thiết chế đại diện quyền lực của nhân dân này hoạt động hiệu quả hơn nữa, cần sớm tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập.

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố mới đây, nhằm đánh giá hoạt động của HĐND các cấp trong tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Nỗ lực hoạt động

Thường trực HĐND huyện có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng các ban của HĐND. Chủ tịch có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch là đại biểu hoạt động chuyên trách. Ban của HĐND huyện có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các ủy viên. Trưởng ban có thể là đại biểu hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban là đại biểu hoạt động chuyên trách. (Khoản 2 và 3, Điều 25 Luật Tổ chức chính quyền địa phương)

Theo đánh giá, hoạt động của cơ quan dân cử các cấp trong tỉnh đã đi vào nền nếp, quy củ hơn. Việc giám sát và ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện, cấp xã đã tuân thủ các quy trình, thủ tục quy định của luật. Nhiều địa phương, bên cạnh việc tổ chức các kỳ họp thường lệ đã tổ chức các kỳ họp chuyên đề để quyết định các biện pháp phát triển KT - XH. Hoạt động giám sát chuyên đề được tiến hành với nhiều nội dung phong phú, kịp thời chỉ ra các hạn chế, thiếu sót để UBND cùng cấp có giải pháp khắc phục.

Trong giám sát chuyên đề, HĐND một số huyện đã tổ chức nhiều đợt khảo sát đột xuất các vấn đề qua phản ánh của cử tri hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn. Phiên họp Thường trực HĐND các huyện được tổ chức theo quy định để nghe UBND và cơ quan chuyên môn cùng cấp giải trình, làm rõ trách nhiệm của mình theo yêu cầu của Thường trực HĐND. Tại Hội An, một số tổ đại biểu HĐND thành phố đã tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát độc lập giữa 2 kỳ họp.

Thường trực HĐND cấp huyện đã thường xuyên theo dõi, hỗ trợ hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã về kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các hoạt động của HĐND, nhất là giám sát chuyên đề; hướng dẫn các thủ tục về kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt của Thường trực HĐND, các ban của HĐND cấp xã. Thường trực HĐND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Phước Sơn, Nam Trà My... đã tổ chức hội nghị giao ban hàng quý với Thường trực HĐND và lãnh đạo 2 ban của HĐND cấp xã để chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, hoạt động HĐND; đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của HĐND cấp xã.

Đặc biệt, HĐND một số địa phương tổ chức đối thoại với người dân để tiếp nhận thông tin từ cơ sở, giúp HĐND kịp thời có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của UBND cùng cấp. Đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp, HĐND xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đây cũng là HĐND cấp xã duy nhất tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND xã.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát việc trồng rừng thay thế diện tích rừng bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện

Cần tháo gỡ khó khăn, bất cập

Dù đã có nhiều nỗ lực hoạt động để xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, song theo phản ánh của các địa phương, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập phải giải quyết để cơ quan này phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Cụ thể, số lượng ủy viên ban của HĐND cấp huyện một số nơi quá ít (3 ủy viên) lại bố trí kiêm nhiệm nên hoạt động của ban không được bảo đảm. Do vậy, hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND cùng cấp chưa được nhiều địa phương triển khai. Việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của tập thể Thường trực HĐND chưa được thể hiện rõ nét. Các ban của HĐND cấp xã còn lúng túng, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động.

Một số địa phương do thay đổi về nhân sự so với đầu nhiệm kỳ nên còn khuyết Chủ tịch HĐND huyện; có huyện bố trí Phó Chủ tịch HĐND huyện kiêm nhiệm công tác khác hoặc bố trí chưa đủ 2 Phó Chủ tịch HĐND huyện. Trong khi đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND huyện có 2 Phó Chủ tịch hoạt động chuyên trách.

Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Phước Sơn Trần Thanh Hải, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tăng đại biểu HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách nhưng huyện không được giao bổ sung biên chế để bố trí đại biểu chuyên trách. Cũng liên quan đến công tác tổ chức và hoạt động của HĐND, Phó Chủ tịch HĐND huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, cần bảo đảm kinh phí để HĐND cấp xã hoạt động. Nên chăng, tỉnh nên quy định “cứng” mức kinh phí hoạt động của HĐND cấp xã, ngân sách cấp huyện, cấp xã tùy điều kiện ngân sách cấp mình sẽ quy định thêm. Bên cạnh đó, hiện nay, Văn phòng HĐND - UBND huyện giúp việc chung cho HĐND và UBND nhưng thực tế đội ngũ cán bộ, công chức bố trí chưa bảo đảm để giúp việc cho HĐND. Do đó, cần bố trí lãnh đạo Văn phòng và chuyên viên phục vụ chuyên trách hoạt động của HĐND huyện.

Đối với hoạt động của HĐND cấp xã, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nông Sơn Nguyễn Thị Thu Thủy đề nghị tập huấn nghiệp vụ cho đại biểu HĐND xã; thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã để thuận lợi cho hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đề nghị tập huấn cho đại biểu HĐND về Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công... Trung ương cần có văn bản hướng dẫn thực hiện các luật này; bổ sung Trưởng các ban của HĐND xã là ủy viên Thường trực HĐND cùng cấp.

Những khó khăn và kiến nghị của các địa phương như trên cần được cấp có thẩm quyền sớm giải quyết. Cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo việc kiện toàn tổ chức, nhân sự của HĐND cấp mình, nhất là bảo đảm số lượng, chất lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách đối với lãnh đạo HĐND và các ban của HĐND.

Hữu Hải

Theo: daibieunhandan.vn

Tìm kiếm