| Ảnh minh họa: internet |
Với vai trò, ý nghĩa thực tế của Chỉ số PAPI đối với chính quyền địa phương, đây là chỉ số đánh giá hiệu quả về quản trị, hành chính công cấp tỉnh. Với kết quả Chỉ số Chỉ số PAPI được công bố trên 06 trục nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công, phản ánh đánh giá của người dân, tổ chức; Mức độ thỏa mãn đối với sự phục vụ của chính quyền địa phương, chỉ ra những mặt đạt được, hạn chế, lĩnh vực và vấn đề người dân mong muốn các cấp chính quyền cải thiện... để kịp thời đề ra giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước. Trong những năm qua, trên cơ sở phân tích Chỉ số PAPI, Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch các nội dung theo Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục thực thi một số chính sách và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ tham gia của người dân vào quy trình chính sách đã được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong từng vấn đề chung của địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã công khai cho người dân biết tất cả thủ tục hành chính thông qua Bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại các cấp; phát trực tiếp ở phiên họp HĐND cấp huyện, xã qua hệ thống loa truyền thanh; truyền hình trực tiếp các phiên họp HĐND cấp tỉnh, chất vấn cơ quan chuyên môn… giúp cho hệ thống hành chính đáp ứng tốt hơn những đề xuất, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của người dân trong sử dụng dịch vụ công; cải thiện tính công khai, minh bạch nhằm làm giảm động cơ tham nhũng của cán bộ, công chức, nhất là trong thu, chi ngân sách, quy hoạch sử dụng đất; đồng thời khuyến khích công dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư giám sát, đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan công quyền. Thông qua kết quả Chỉ số PAPI, tỉnh đã có thêm cơ sở để kịp thời sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương như: Xây dựng cơ chế tuyển dụng công chức, viên chức vào bộ máy Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, khoa học và thực tài; Chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học giai đoạn 2012-2015; Chính sách thu hút nhân tài của tỉnh đến năm 2015. Đặc biệt, địa phương cũng rất quan tâm, chú trọng quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao, phê duyệt danh sách quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước. Qua việc rà soát, bám sát các Chỉ số, đến nay, toàn tỉnh hiện có 1.778 thủ tục hành chính được đăng tải đầy đủ trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh và Trang Thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương; công khai số điện thoại để tiếp nhận thông tin, tập trung giải quyết những vướng mắc của tổ chức, công dân nhất là thông tin liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng. Bằng việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính đã giúp cho các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận, giám sát trong hoạt động quản lý Nhà nước của cơ quan, tổ chức, địa phương trong tỉnh; sắp xếp, thu gọn đầu mối tổ chức bộ máy hành chính, bảo đảm tinh gọn, hợp lý, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tiếp nhận, giải quyết những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến tất cả lĩnh vực bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật; lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng của người dân với chính quyền... Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu, cải thiện Chỉ số PAPI, còn một số cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là cấp cơ sở chưa hiểu rõ nên thiếu sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo để triển khai thực hiện. Tinh thần, thái độ và trách nhiệm đối với công việc phục vụ doanh nghiệp, thực hiện dịch vụ hành chính công của số ít cán bộ, công chức chưa cao, nhất là trong đề xuất giải pháp thực hiện. Tình trạng phát sinh chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp vẫn còn xảy ra, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở còn nhiều bất cập, thiếu tính sáng tạo và linh hoạt, dẫn đến một số người dân không tiếp cận được thông tin từ chính quyền... Thời gian tới, Quảng Bình sẽ đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ngành và tổ chức chủ trì tiếp tục triển khai đánh giá Chỉ số PAPI cập nhật sửa đổi, bổ sung đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, văn bản quy phạm pháp luật; có quy định về TTHC mới được ban hành hoặc bị sửa đổi, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ vào Bộ TTHC chung của 04 cấp chính quyền nhằm tạo điều kiện giúp địa phương có căn cứ, cơ sở cập nhật, ban hành thực hiện đúng quy định; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong sản xuất, quản trị kinh doanh. Ngoài ra, trong Bộ Chỉ số PAPI cần nghiên cứu để cụ thể hóa thêm một số nội dung, bổ sung thêm tiêu chí thành phần như: Mức độ hài lòng của người dân đối với tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân; chất lượng, thời gian giải quyết thủ tục hành chính... Minh Huyền |