| Cán bộ công chức xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hộ tịch, lưu trữ hồ sơ phục vụ công dân |
Chị Đoàn Thị Thu Hằng- công chức xã Thạch Khoán bộc bạch: “Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào lưu trữ hồ sơ, quản lý phần mềm hộ tịch, kế toán… ở cấp cơ sở là một chủ trương đúng, đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất 2 ngày thì nay chỉ vài giây nhấp chuột là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở”. Mặc dù là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2010 cán bộ công chức xã Thạch Khoán đã dần được trang bị máy vi tính phục vụ công việc, đến nay 100% cán bộ xã sử dụng thành thạo máy tính, hòm thư điện tử, các phần mềm lưu giữ số liệu… 2 năm trở lại đây thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã ứng dụng có hiệu quả các phần mềm kế toán, quản lý hộ tịch trong công tác quản lý tài chính, quản lý công dân, được ghi nhận và đánh giá cao. Thực tế với 23 đơn vị hành chính cơ sở (22 xã, 1 thị trấn) nhiều năm nay huyện Thanh Sơn đã luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành các cấp, góp phần nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn. Hàng năm huyện đều dành một phần kinh phí để trang bị, bổ sung mua máy tính và các thiết bị phụ trợ cho các xã, thị trấn; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang ứng dụng CNTT trong công việc. 100% xã, thị trấn đều kết nối Internet để giao dịch và khai thác thông tin qua mạng, hầu hết cán bộ công chức xã có thể làm việc trên máy tính, trao đổi thông tin qua thư điện tử và khai thác hiệu quả Internet. Năm 2017 huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông, đến nay đang từng bước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2. Cùng với Thanh Sơn, nhiều huyện khác trong tỉnh, việc ứng dụng CNTT xuống cấp xã, phường, thị trấn cũng được đẩy mạnh. Hiện ở Lâm Thao đã triển khai sử dụng tốt phần mềm ứng dụng một cửa điện tử, cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp xã, nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng như thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cách thuận tiện, nhanh chóng, tránh tình trạng “ngâm”, thất lạc hồ sơ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Việt- Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho biết: Từ năm 2015, Sở Thông tin Truyền thông đã có văn bản hướng dẫn về ứng dụng CNTT cấp xã bao gồm triển khai xây dựng hạ tầng, ứng dụng phần mềm và đào tạo nguồn nhân lực. Đến ngày 13/4/2017, Chủ tịch UBND tỉnh chính thức ký ban hành Quyết định số 808/QĐ-UBND về phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử (CQĐT) tỉnh, đây chính là nền tảng cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn tỉnh từ cấp tỉnh tới cấp xã nhằm hướng tới một hệ thống CQĐT toàn diện vào năm 2020. Do đó, cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng về nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới thì hạ tầng CNTT của tỉnh được chú trọng đầu tư, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu tin học hóa trong các cơ quan Nhà nước, trong đó có cấp xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cho cán bộ công chức. Việc kết nối cáp quang tốc độ cao hiện đã được triển khai đến tất cả các huyện, thành, thị; xã, phường, thị trấn. Hầu hết UBND cấp xã phường đều được trang bị đồng bộ máy tính, máy in, kết nối mạng nội bộ và Internet để đáp ứng yêu cầu công tác. Một số địa phương còn mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị công nghệ thông tin hiện đại như máy chiếu, máy quét (scan) phục vụ cho công tác ứng dụng CNTT. Tỷ lệ cán bộ công chức ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn đạt trên 60% (khoảng 90% đối với các xã, phường đồng bằng, trung du, 50% đối với xã miền núi). Song song với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, các địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai nhiều phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn và quản lý Nhà nước như: Kế toán ngân sách, quản lý người có công, quản lý hộ tịch hộ khẩu, quản lý văn bản, quản lý đất đai… Tuy nhiên khó khăn lớn nhất hiện nay trong ứng dụng CNTT ở cấp xã, nhất là ở các xã miền núi chính là tình trạng đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu trang thiết bị tin học, nhiều máy tính trang bị đã cũ, cấu hình thấp, xuống cấp nên chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập Internet, không thể cài thêm các phần mềm ứng dụng khác. Một số xã trang bị không đủ máy tính cho cán bộ công chức, nhiều cán bộ phải dùng chung một máy tính, gây khó khăn trong việc quản lý dữ liệu cũng như xử lý công việc; ở một số bộ phận việc ứng dụng CNTT cơ bản vẫn chỉ là đánh máy văn bản, nối mạng Internet để cập nhật, theo dõi tin tức. Bên cạnh đó, một khó khăn, trở ngại cho việc ứng dụng CNTT đó là thói quen và quy trình quản lý hành chính chưa thay đổi nên các hoạt động tiếp xúc, giải quyết công việc với công dân của các xã, phường, thị trấn hiện nay vẫn chủ yếu theo cách thức truyền thống. Mặc dù có hệ thống mạng nội bộ, kết nối Internet, nhưng thông tin trao đổi qua mạng chưa nhiều, vẫn phải dùng văn bản giấy để chỉ đạo tổ chức thực hiện, báo cáo công việc. Được biết, tới đây toàn tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại các cấp xã, phường và thực hiện kết nối liên thông hệ thống gửi nhận văn bản điện tử từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để đến năm 2020 60% đơn vị cấp xã sẽ sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành có tích hợp chữ ký số để gửi nhận văn bản. Đồng thời thực hiện kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã trong mô hình liên thông 4 cấp theo Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về chính phủ điện tử. Cùng với việc khắc phục những khó khăn thực tế của chính quyền cơ sở trong triển khai ứng dụng CNTT, ngay từ bây giờ công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, công chức cấp xã và đầu tư đồng bộ hệ thống máy móc, hạ tầng CNTT cần phải được quan tâm nhiều hơn để góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử trong toàn tỉnh. Có như vậy mới đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu 100% các dịch vụ hành chính công được cung cấp trực tuyến mức 2; 70% các dịch vụ hành chính công trực tuyến quan trọng được cung cấp ở mức 3, mức 4, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các nguồn thông tin cũng như thực hiện các dịch vụ công ngay từ cấp cơ sở. Mai Phương |