BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Lâm Đồng: Xây dựng Chính phủ điện tử để đột phá cải cách hành chính

26/08/2018 15:27

Chính quyền điện tử và cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế tất yếu. Tại Lâm Ðồng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng Chính quyền điện tử đã góp phần tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, cũng như vận hành của bộ máy quản lý nhà nước.

Chính phủ điện tử đã được định hình và trở thành thói quen trong người dân khi tiếp xúc với các thủ tục hành chính.

Xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử năm 2017, Lâm Đồng xếp hạng thứ 3 về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, đây được coi là đột phá sau một nỗ lực của tỉnh trong xây dựng chính quyền số, với những hoạch định chiến lược, rõ ràng. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Để định hình Chính phủ điện tử, Lâm Ðồng cũng đã đặt ra lộ trình triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lâm Ðồng phiên bản 1.0, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, từ đó góp phần tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Từ những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính PAR Index đã tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Viết Vân cho biết: Lâm Đồng đã tập trung nghiên cứu, thực hiện các khâu đột phá chiến lược, chủ động, triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện với mục tiêu thực hiện cải cách hành chính là khâu then chốt để phát huy dân chủ, thực hiện pháp quyền, phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh cũng tiếp tục triển khai, mở rộng và nâng cấp các ứng dụng CNTT như: phần mềm quản lý văn bản eOffice; hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh triển khai thực hiện dịch vụ công mức 3, 4; chứng thư số; nâng cấp mạng LAN trên địa bàn tỉnh; triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật…

Tỉnh cũng tiến hành rà soát và chuẩn hóa toàn bộ thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền, xây dựng thành công mô hình trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính công cho tổ chức, công dân theo phương thức nhanh gọn, công khai, minh bạch và tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ. Cùng với đó, tỉnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, kết nối băng thông rộng tạo thành hệ thống liên thông thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trong các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính nhà nước. Để đảm bảo hiệu quả của Chính quyền điện tử, tỉnh đã tiến hành đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức và người lao động; tuyên truyền, tập huấn công dân điện tử để khai thác các tiện ích của hệ thống chính quyền điện tử; tuyên truyền về Chính quyền điện tử. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc của các sở, ngành, cơ quan, một kết quả nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến tới tận cấp xã để đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Ðến nay, 100% các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cổng thông tin điện tử. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai đến 100% các cơ quan cấp tỉnh, huyện và hơn 30% đơn vị cấp xã.

Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 60% đơn vị cấp xã. Cụ thể, trong đó 21/21 sở, ngành, 12/12 huyện và 90/147 xã, phường, thị trấn.

Ông Bế Hải Triều – Phó trưởng phòng Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cho hay: Việc triển khai những công nghệ hiện đại trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… sẽ góp phần hiện đại hóa các chiến lược của Chính phủ nhằm tạo ra các giá trị công. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Chính phủ điện tử là chia sẻ thông tin, dữ liệu và vận hành trên một nền tảng tích hợp. Để thực hiện Chính phủ điện tử, cần có quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, lưu trữ điện tử, văn bản điện tử, các quy định về chuẩn hóa thông tin… Hiện tại, Lâm Đồng đang tập trung xây dựng ở giai đoạn đầu vào các nội dung: Xây dựng hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ phục vụ cán bộ, công chức; xây dựng hệ thống danh mục dùng chung của tỉnh; Duy trì và nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, tăng dung lượng lưu trữ và nâng cấp hệ thống máy chủ, hệ thống bảo mật email; Số hóa tài liệu lưu trữ tại UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố. Cùng đó là việc xây dựng một số ứng dụng đáp ứng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lâm Đồng bao gồm: Ứng dụng Quản lý Thanh tra, khiếu nại, tố cáo; Quản lý kế toán tài chính; Quản lý tài sản; Ứng dụng thống kê khoa học và công nghệ; Quản lý trong ngành giáo dục và đào tạo; Ứng dụng quản lý bệnh viện.

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông phải hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả trong quản lý vận hành và cung cấp dịch vụ, trong khi vẫn bảo đảm yêu cầu về phát triển bền vững. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại thực trạng mô hình Chính quyền điện tử tỉnh, thông qua đó sẽ bổ sung những mặt còn hạn chế, tồn tại. Khó khăn chung trong việc áp dụng vào thực tế tại nước ta là do khung kiến trúc hiện tại mới chỉ là mô hình tổng thể, chưa làm rõ cách thức triển khai cụ thể về các yếu tố như xây dựng kiến trúc và nguồn lực, quy chuẩn dịch vụ mạng, quy chuẩn các dịch vụ dùng chung; chưa có đặc tả tiêu chuẩn kỹ thuật cho dịch vụ chia sẻ, kết nối liên thông trao đổi dữ liệu; chính sách thiếu đồng bộ dẫn đến việc triển khai còn nhiều bất cập.

Mới đây, để thúc đẩy việc xây dựng cấu trúc Chính phủ điện tử mới, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong đầu tư công nghệ thông tin và thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử mới (phiên bản 2.0) hướng tới Chính phủ số và dữ liệu mở tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), đáp ứng được các yêu cầu về quản lý, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn mới. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng các nghị định về định danh điện tử cho cá nhân, tổ chức; chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức, trình Chính phủ trong năm 2019.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra cơ hội mà còn nhiều thách thức mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử. Để bắt kịp xu thế và làm nền tảng phát triển bền vững, Lâm Đồng đang quyết tâm cao độ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ công ở mức cao, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước trong công tác phục vụ dân sinh song song với việc xây dựng thành phố thông minh, bảo đảm an ninh bảo mật.


Nguồn: baolamdong.vn
Tìm kiếm