BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Hải Phòng đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện chính quyền điện tử

21/03/2018 14:41

Thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của Chính phủ, trong đó cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính được thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm. Hiện nay, Hải Phòng đang hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh gắn với xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ nhân dân.

Quận Ngô Quyền là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện Chính quyền điện tử - một tiêu chí của đô thị thông minh.
Ảnh: Báo Hải Phòng

1. Một số kết quả ứng dụng công nghệ thông tin tại thành phố Hải Phòng

Trong những năm gần đây, Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 27/12/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về “Phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020”; Nghị quyết số 09-NQ/HĐND ngày 05/5/2014 của HĐND thành phố về “Nhiệm vụ và giải pháp phát triển viễn thông và công nghệ thông tin thành phố Hải Phòng đến năm 2020”; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2011-2015; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về chính phủ điện tử… Ngày 18/10/2016, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2348/QĐ-UBND phê duyệt Đề án chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng, trong đó xác định kiến trúc chính quyền điện tử Hải Phòng với mục tiêu xây dựng hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ thành phố đến xã, phường, tạo lập môi trường điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước tại thành phố Hải Phòng thời gian qua đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

- Về hạ tầng kỹ thuật, có 95% cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc; 100% sở, ngành, quận, huyện đã xây dựng mạng máy tính nội bộ, đáp ứng nhu cầu trao đổi dữ liệu trong nội bộ cơ quan; 99% máy tính của các đơn vị được kết nối internet băng thông rộng (trừ các máy tính phục vụ việc soạn thảo văn bản mật theo quy định); các sở, ngành, UBND các quận, huyện kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng với tốc độ đường truyền cao, dung lượng lớn. Hệ thống hội nghị truyền hình có 02 điểm điều hành tại Trung tâm hội nghị thành phố và văn phòng Thành ủy tới 14 quận, huyện.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan: có 90% sở, ngành, quận, huyện đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trong nội bộ cơ quan; gần 100% cán bộ, công chức được cung cấp hộp thư điện tử công vụ @haiphong.gov.vn; 100% sở, ngành, quận, huyện và 100% xã, phường, thị trấn đã triển khai ứng dụng chữ ký số để gửi nhận văn bản điện tử; 84% văn bản thuộc quản lý của UBND thành phố và các sở, ngành; 70% văn bản thuộc quản lý của UBND cấp huyện, 15% văn bản thuộc quản lý của UBND cấp xã được số hóa và lưu chuyển trên môi trường mạng.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp:

+ 100% sở, ngành, quận, huyện có cổng thông tin điện tử trong hệ thống Cổng thông tin điện tử thành phố, cung cấp đầy đủ thông tin cơ bản theo quy định; tỷ lệ thông tin chỉ đạo điều hành được cung cấp trên mạng đạt khoảng 80%. Cổng thông tin điện tử đã phát triển thêm 149 cổng thành phần cấp 3 (43 cổng cho các đơn vị trực thuộc sở, ngành, 106 cổng cho 47% xã, phường, thị trấn); có thêm 04 chuyên trang tiếng Nhật, Hàn, Anh và tiếng Trung phục vụ việc tuyên truyền, quảng bá, thu hút đầu tư, đảm bảo hội nhập quốc tế; xây dựng chuyên trang Thông tin đối thoại trực tuyến phục vụ các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo các cơ quan thành phố với người dân và doanh nghiệp.

+ 100% dịch vụ hành chính công được cung cấp trên cổng thông tin ở mức độ 2 trở lên, trong đó có 131 dịch vụ công mức độ 3 (61 dịch vụ cho sở, ngành, 70 dịch vụ cho 14 quận, huyện) và 39 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (Sở Khoa học và Công nghệ). Một số dịch vụ công trực tuyến được sử dụng nhiều như dịch vụ cấp giấy phép lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp.

+ 80% doanh nghiệp quy mô lớn tiến hành giao dịch thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp thực hiện báo cáo, thống kê, khai báo thuế, hải quan điện tử.

+ Ngành Y tế Hải Phòng thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế đối với 108 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn địa bàn thành phố, trong đó có 20 bệnh viện tuyến thành phố, 32 cơ sở y tế tuyến quận, huyện. 100% cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kết nối dữ liệu với Bảo hiểm xã hội thành phố. Hải Phòng là địa phương có Cổng giám định Bảo hiểm y tế trực tuyến đầu tiên trong cả nước.

- Về nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin: 100% cơ quan, đơn vị có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, tỷ lệ trung bình mỗi đơn vị có 1,4 cán bộ chuyên trách, trong đó 85% có trình độ đại học về công nghệ thông tin trở lên; 97% cán bộ, công chức thành phố có kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công việc.

- Mô hình chính quyền điện tử cấp quận được thí điểm tại quận Ngô Quyền và quận Hồng Bàng, cung cấp hầu hết dịch vụ công mức độ 3 và 4, kết nối liên thông giữa cấp quận và cấp phường, giữa các phòng chuyên môn thuộc UBND quận. Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành của UBND quận và các đơn vị trực thuộc, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn quận.

Đến năm 2020, thành phố Hải Phòng đặt mục tiêu hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ thành phố đến xã, phường; tạo lập môi trường điện tử để người dân giám sát và đóng góp cho hoạt động của chính quyền các cấp; thiết lập cổng dịch vụ công thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với công cuộc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử); nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng viễn thông, bảo đảm chất lượng đường truyền, bảo đảm an toàn thông tin.

2. Một số mục tiêu cụ thể của chính quyền điện tử thành phố

2.1 Ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước

100% thông tin chỉ đạo, điều hành của các cơ quan nhà nước từ thành phố đến xã, phường, thị trấn được đưa lên mạng (các trang điều hành, cổng thông tin điện tử, thư mục tin trong mạng nội bộ, trừ các văn bản mật theo đúng quy định).

100% văn bản thuộc quản lý của thành phố, sở, ngành, quận, huyện và 60% thuộc quản lý của xã, phường, thị trấn được số hóa và trao đổi, lưu chuyển trên môi trường mạng (bảo đảm quy định về an toàn, bảo mật thông tin).

Có hệ thống cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội thành phố, cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu thông tin địa lý phục vụ quản lý nhà nước của thành phố.

100% sở, ngành, quận, huyện được kết nối vào trục liên thông gửi/nhận văn bản, theo dõi, xử lý hồ sơ công việc trên mạng thông tin của thành phố.

Tỷ lệ công chức được cung cấp và sử dụng thư điện tử công vụ đạt 100%.

100% cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp xã sử dụng chữ ký số đối với các văn bản điện tử được phát hành và lưu chuyển trên các hệ thống công nghệ thông tin của thành phố.

2.2 Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp

100% cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố tới cấp xã có cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Tất cả các cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của thành phố Hải Phòng đều kết nối, liên thông thông tin với nhau.

100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 trở lên; 100% dịch vụ công trực tuyến lên mức 4 đối với những dịch vụ công trực tuyến có thể. Tăng cường tiếp nhận xử lý hồ sơ điện tử.

100% bộ phận một cửa của các cơ quan hành chính nhà nước cấp xã có trang bị đầy đủ các thiết bị công nghệ thông tin và ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin phù hợp việc tiếp nhận, theo dõi quá trình xử lý, tra cứu, thống kê tổng hợp, trả kết quả hồ sơ yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tất cả các hệ thống một cửa từ thành phố tới cấp xã đều liên thông hồ sơ với nhau.

Phát triển hệ thống quản lý điện tử đến các bệnh viện trong thành phố. Từng bước xây dựng hệ thống thông tin về chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện các chương trình phối hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ xa.

Phát triển hệ thống giao thông thông minh đô thị thành phố.

Phát triển hệ thống bảng điện tử tại một số khu vực trung tâm, du lịch của thành phố thực hiện mục tiêu tuyên truyền, quảng bá...

3. Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử

3.1 Nhiệm vụ

- Xây dựng trung tâm tích hợp dữ liệu thành phố.

- Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung và cơ sở dữ liệu thông tin kinh tế - xã hội thành phố Hải Phòng.

- Xây dựng các phần mềm dùng chung.

- Nâng cấp hệ thống mạng diện rộng của thành phố (TSLCD) và mạng cục bộ tại một số đơn vị quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố phục vụ kết nối liên thông các hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống phần mềm một cửa điện tử liên thông, cơ sở dữ liệu dùng chung…

- Xây dựng (nâng cấp) Cổng thông tin điện tử thành phố để có chuyên mục thống kê giải quyết thủ tục hành chính của tất cả các sở, ngành, quận, huyện; người dân có thể tra cứu hiện trạng hồ sơ dịch vụ công.

- Nâng cấp Cổng thông tin hiện thời của thành phố Hải Phòng theo các công nghệ hiện đại, đảm bảo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và đáp ứng yêu cầu của thành phố Hải Phòng.

- Xây dựng Hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong các lĩnh vực phổ biến, thiết lập Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố.

- Thiết lập Trung tâm hỗ trợ (contact center).

- Nâng cấp hệ thống thư điện tử.

- Triển khai hệ thống giao thông thông minh của thành phố.

3.2 Giải pháp

- Giải pháp về tổ chức, nhân lực:

Để triển khai thành công chính quyền điện tử, nguồn nhân lực để quản lý, vận hành các hệ thống thông tin là rất quan trọng. Vì vậy phải hình thành ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại tất cả các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương, bảo đảm mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương có một cán bộ lãnh đạo về công nghệ thông tin; 01 đến 02 cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Khi đã có nguồn lực, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức các kiến thức về chiến lược, tầm nhìn; kỹ năng quản lý công nghệ thông tin, chính quyền điện tử cho lãnh đạo công nghệ thông tin các đơn vị cấp sở, ngành, huyện. Nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp về vai trò, vị trí quan trọng của chính quyền điện tử và bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng, hướng dẫn những kỹ năng tin học cơ bản và nâng cao đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên máy tính, trên mạng, sử dụng, khai thác hiệu quả chính quyền điện tử.

- Giải pháp về môi trường, chính sách:

+ Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn kết nối liên thông, các tiêu chuẩn dữ liệu, ứng dụng, hạ tầng đối với các nội dung trong đề án chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng.

+ Ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên, thúc đẩy việc triển khai chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng; chính sách ưu đãi cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin; các quy định về vận hành, khai thác, sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, quy định về đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan.

+ Triển khai các giải pháp giám sát, đánh giá hiệu quả từng giai đoạn trong quá trình xây dựng, triển khai chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng. Đưa các chỉ tiêu đánh giá xây dựng chính quyền điện tử vào quy chế thi đua - khen thưởng của thành phố.

+ Các sở, ngành, quận, huyện tổ chức xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và hàng năm tại đơn vị phù hợp với mục tiêu chung của thành phố.

- Giải pháp tài chính:

+ Ưu tiên bố trí ngân sách cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đặc biệt cho mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử thành phố.

+ Tăng cường tìm kiếm, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và các dự án tài trợ của nước ngoài, đặc biệt là các dự án liên quan đến chính phủ điện tử. Khuyến khích các ngành, các địa phương đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho ứng dụng công nghệ thông tin ở đơn vị mình.

+ Bố trí kinh phí đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp công nghệ thông tin cho những nhiệm vụ trọng tâm, phạm vi ảnh hưởng rộng và đối ứng cho các dự án, đề án có nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, tài trợ của nước ngoài. Các quận, huyện, sở, ngành cân đối kinh phí để bảo đảm thực hiện các dự án trọng điểm và xây dựng cơ sở hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị.

+ Xây dựng các cơ chế, chính sách xã hội hóa và thuê dịch vụ phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng.

+ Tập trung quản lý thống nhất, bám sát mục tiêu của kế hoạch và sử dụng có hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực tài chính.

- Giải pháp truyền thông, tuyên truyền:

Chính quyền điện tử chỉ có hiệu quả khi hình thành công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử. Cần quảng bá, truyền thông sâu rộng đến người dân và doanh nghiệp về việc triển khai chính quyền điện tử của thành phố, bảo đảm cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4. Đưa nội dung về chính quyền điện tử vào chương trình ngoại khóa về công nghệ thông tin trong các trường học trên địa bàn thành phố. Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố thường xuyên cung cấp tin tức, phóng sự… về chính quyền điện tử cũng như hướng dẫn người dân cách sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp./.

Nguyễn Đào Sơn - Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hải Phòng

Nguồn: tcnn.vn
Tìm kiếm