Vẫn còn rào cản Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 sở, ngành, 10/10 huyện, TP, 230/230 xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm một cửa điện tử liên thông. Do nhiều nơi sử dụng phần mềm khác nhau dẫn đến chưa kết nối chung được. Bên cạnh đó, một số sở còn có những phần mềm chuyên ngành, khiến công chức một cửa rất vất vả. Anh Đỗ Đình Phương, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gọi tắt là bộ phận một cửa) UBND xã Tiên Nha (Lục Nam) cho biết: “Ngoài phần mềm một cửa điện tử liên thông, chúng tôi còn thao tác trên 3 phần mềm riêng của các lĩnh vực: Hộ tịch, kiểm soát TTHC, chứng thực hợp đồng. Vì vậy, cùng một nội dung giải quyết phải vào mấy hệ thống nên mất ít nhất 10-15 phút mới hoàn thành một hồ sơ, chưa kể lúc đường truyền không ổn định, thời gian còn kéo dài hơn...”. Khảo sát tại xã Tam Hiệp (Yên Thế), mặc dù được UBND xã phân công trực tại bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội song chị Lê Thị Hiệp, công chức xã cho biết, chị vẫn thường xuyên giải quyết TTHC của công dân tại phòng chuyên môn. Tình trạng phần mềm dùng chung bị "treo", khó truy cập diễn ra khá nhiều, nhất là ở vùng sâu, miền núi. Trang thiết bị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; bộ phận một cửa ở không ít địa phương không bảo đảm diện tích... Năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức - những người trực tiếp giải quyết công việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù các cấp chính quyền tổ chức nhiều đợt tập huấn về công nghệ thông tin, quy trình xử lý công việc song khi vận dụng vào thực tế, một số cán bộ thực hiện chưa tốt. Theo số liệu trên phần mềm dùng chung, suốt gần 7 tháng năm 2017, bộ phận một cửa xã Đồng Vương (Yên Thế) không tiếp nhận bất cứ hồ sơ nào. Lý giải về tình trạng này, anh Trần Xuân Mười, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã bộc bạch, anh chưa quen giải quyết công việc trên máy tính nên ngại nhập thông tin. Thời gian gần đây, UBND tỉnh thành lập các tổ kiểm tra về thực hiện CCHC, ISO, công nghệ thông tin tại một số huyện, sở, ngành và phát hiện không ít cán bộ một cửa cấp xã còn lúng túng khi sử dụng phần mềm; làm tắt quy trình ISO. Ví như ở thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam), cán bộ chuyên môn hằng ngày đều làm thay các phần việc của lãnh đạo địa phương trên phần mềm. Xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), công chức Tư pháp - Hộ tịch xã không nắm được phần mềm dùng chung cài ở đâu?. Khảo sát thực tế vẫn còn cảnh người dân phải tự cầm hồ sơ đến các phòng chuyên môn để giải quyết TTHC như ở xã Quang Châu (Việt Yên). Ở nhiều địa bàn khác, công dân có lúc phải chờ đợi do cán bộ, công chức vắng mặt trong giờ hành chính; nơi có cán bộ thì lại... làm việc riêng. Thực trạng vừa thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị; vừa yếu về năng lực, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức cũng đang là thách thức đối với công tác CCHC. | Cán bộ bộ phận một cửa huyện Việt Yên hướng dẫn người dân tra cứu tiến độ giải quyết TTHC. |
Nâng cao ý thức trách nhiệm Thực tế hiện nay, cùng một quy trình nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm kém. Điều này cho thấy, vấn đề con người mang yếu tố quyết định. Muốn CCHC hiệu quả, trước hết phải cải cách, thay đổi tư duy, lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Đồng thời thực hiện kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Mới đây, công chức Đặng Ngọc D, xã Trung Sơn (Việt Yên) vì vi phạm việc thực hiện quy trình một cửa, một cửa liên thông và nền nếp nên UBND huyện đã có quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách và điều chuyển công tác, không được tiếp tục làm việc tại bộ phận một cửa. Cùng đó, huyện duy trì việc tổ chức kiểm tra hằng tháng về tình hình thực thi công vụ của đội ngũ này. Bằng những giải pháp đó, chỉ số CCHC của huyện Việt Yên năm vừa qua đã tăng vượt bậc. Tương tự, tại bộ phận một cửa UBND huyện Hiệp Hòa được lắp camera, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện thường xuyên giám sát quá trình giải quyết công việc của cán bộ, công chức. Kết quả, huyện luôn nằm trong tốp đầu về CCHC của tỉnh. Thực tế cho thấy, cơ quan, đơn vị nào người đứng đầu sâu sát, chỉ đạo quyết liệt trong công tác này thì ở đó thường được xếp ở vị thứ cao trong bảng đánh giá, xếp hạng. Xây dựng một nền hành chính phục vụ, vì dân, trong sạch, chuyên nghiệp và hiện đại rất cần sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt và quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến các địa phương. Trong quá trình thực hiện, ngành chức năng thường xuyên rà soát lại hạ tầng cơ sở công nghệ, đường truyền mạng để có hướng khắc phục, nâng cấp; tích hợp, kết nối các phần mềm liên thông điện tử, phần mềm chuyên ngành. Các sở, ngành, địa phương rà soát, đơn giản hóa hồ sơ, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết đối với tất cả TTHC, nhất là thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy phép xây dựng; đăng ký kinh doanh; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường... Các cấp, ngành bao gồm cả cơ quan đảng, đoàn thể quan tâm ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động chỉ đạo, quản lý và điều hành; cung cấp nhiều hơn các dịch vụ công mức độ 3, 4. Mục tiêu giải quyết các thủ tục nhanh gọn, tránh phiền hà. Trong buổi làm việc gần đây với một số ngành liên quan về CCHC, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng nâng cấp, xây dựng hệ thống phần mềm liên thông để việc triển khai nhiệm vụ được nhanh chóng, thuận tiện. Đặc biệt coi trọng việc tuyển chọn và sắp xếp cán bộ thực thi công việc. Cũng theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đây là yếu tố quan trọng quyết định thành công trong thực hiện CCHC. Qua kiểm tra ở các sở, ngành, địa phương cho thấy tại những nơi dù có phương tiện làm việc kém nhưng con người có trình độ chuyên môn, tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm thì hiệu quả công việc vẫn đạt cao. Ngược lại dù được trang bị phương tiện tốt song người làm việc thiếu chuyên nghiệp, tắc trách thì kết quả không được như mong muốn. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt việc xây dựng đề án vị trí việc làm, từ đó lựa chọn những người ưu tú có đủ điều kiện về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống... để đại diện cơ quan công quyền tiếp xúc và giải quyết công việc với nhân dân. Hiện một số địa phương, cơ quan đơn vị tiên phong trong công tác này. Điển hình như ngành y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính... chỉ đạo cán bộ, nhân viên ứng xử theo phương châm “Nụ cười công chức” trong thực thi công vụ. Các huyện Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang và TP Bắc Giang xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức "Liêm chính, năng động, chuyên nghiệp” với mục tiêu “ba hơn”, gồm: Chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn, hiệu quả hơn... Nhờ vậy kết quả giải quyết TTHC ở những đơn vị trên đều đạt kết quả đáng khích lệ. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc ban hành cũng như quá trình giải quyết các TTHC. Nghiêm khắc xử lý cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức ban hành các quy định hoặc có hành vi cản trở, chậm trễ, nhũng nhiễu. Qua đó tạo chuyển biến thực sự về kỷ luật, kỷ cương, năng lực quản lý, điều hành và chất lượng dịch vụ công. Phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ các cấp để ngăn ngừa tiêu cực, nhũng nhiễu; kịp thời biểu dương cán bộ, công chức có thành tích xuất sắc trong công việc, thái độ ứng xử tốt được nhân dân ghi nhận. Thực hiện CCHC cần rõ trọng tâm và tạo điểm nhấn trong từng giai đoạn. Có giải pháp cụ thể mang tính đột phá, tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ. Quá trình triển khai cần gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công bằng, khách quan và minh bạch. Bên cạnh những cố gắng từ cấp ủy, chính quyền, người thực thi công vụ thì chính người dân cũng cần nâng cao kiến thức, văn hóa ứng xử nơi công sở; phản ánh kịp thời những vướng mắc về TTHC tới các sở, ngành... đến giao dịch để giúp các đơn vị khắc phục thiếu sót trong quá trình thực hiện. |