BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Công khai công tác cán bộ để chống chạy chức, chạy quyền

08/02/2018 09:41

Trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết xử lý vấn nạn này, Ban Tổ chức Trung ương đã có dự thảo về kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Là người từng tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương 6 lần 2 khóa VIII, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần phải làm kiên quyết, triệt để. Giống như kê khai tài sản, công tác cán bộ phải công khai để đảng viên, nhân dân giám sát

PV: Thưa ông, Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra vấn nạn chạy chức, chạy quyền nhưng đến nay nhiều ý kiến cho rằng không giảm. Ông nghĩ sao về vấn đề này và nguyên nhân là do đâu?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) đã đề cập đến vấn đề chạy chức, chạy quyền. Nhưng làm không kiên quyết và triệt để do không hoàn thiện hết các văn bản có tính chất quy phạm để điều chỉnh nó. Cho nên làm không đến nơi đến chốn, vì vậy càng về sau hiện tượng này có khi còn nặng hơn, nhất là trong giai đoạn vừa rồi. Mới đây Trung ương đã ban hành một loạt văn bản liên quan đến những vấn đề như: Quy trình bổ nhiệm; luân chuyển cán bộ’ và hoàn thiện các cơ chế thi tuyển.

Trước kia các biện pháp không rõ nhưng bây giờ theo tôi đã rõ hơn rất nhiều. Các quy chế phân cấp, quy định về luân chuyển, hay các quy trình về bổ nhiệm cán bộ cũng rõ hơn. Đặc biệt, bên cạnh tinh giản bộ máy thì đã hướng tới một số chức danh nhất định phải thi tuyển. Hiện đã thi tuyển đến các chức danh cấp Vụ, hay Sở. Còn sau này mức độ Thứ trưởng có thi tuyển hay không thì cần phải tính thêm.

Ông nghĩ sao khi nhiều ý kiến cho rằng chạy chức chạy quyền bây giờ khá nghiêm trọng? 

- Tại khóa XII, có ĐBQH hỏi chạy chức chạy quyền có hay không? Tổng Bí thư  Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị làm rõ có hay không? Chạy ai? Ai chạy? Bộ trưởng Bộ Nội vụ có đề nghị ĐBQH chỉ cho rõ 1 vụ cụ thể thì không ai chỉ được. Tức là mới chỉ nghe, và có thể thấy nó bức xúc từ trong nhân dân nhưng để chỉ ra 1 vị trí, hay con người cụ thể thì không ai nói được. Bởi người đi chạy không dám nói, và người được chạy cũng không nói. Nhưng rõ ràng hiện tượng đó là có, và Nghị quyết của Đảng cũng thừa nhận việc này song có điều để chỉ ra được 1 trường hợp cụ thể thì chưa chỉ ra được.

Vừa qua chúng ta xử lý những trường hợp cán bộ vi phạm không phải do chạy chức chạy quyền mà do lợi dụng quy trình để bổ nhiệm cho con cháu. Dư luận cho rằng đang nghiêm trọng nên nhiều lần nghị quyết của Đảng đã nói và vừa rồi Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã đề cập. Vì vậy chúng ta phải tính đến hoàn thiện lại các văn bản quy định kể từ bên Đảng cho đến Nhà nước. Sau này Luật Cán bộ công chức cũng phải điều chỉnh lại cho phù hợp với tình hình thực tế như: Đánh giá cán bộ thế nào? Quy trình thế nào? Quản lý ra sao? Phân loại cán bộ? Luật thực hiện từ năm 2010, đến nay đã 8 năm thực hiện và giờ cần điều chỉnh cho phù hợp.

Thời gian qua, quy trình luôn được nhắc đến là nguyên nhân dẫn đến những bất cập, vậy theo ông khi sửa đổi, quy trình cần được tính toán như thế nào để cho chặt chẽ?

- Quy trình công tác cán bộ trước từ 3 bước nay đã lên 5 bước. Ngay 3 bước chúng ta cũng đã quy định rất rõ rồi nhưng người thực hiện quy trình cứ làm “méo mó” đi, có “tác động” làm cho méo mó chứ quy trình không có tội. Bây giờ ai cũng bảo do quy trình rồi phê phán quy trình là không phải. Tức là quy trình đúng nhưng người thực hiện làm cho quy trình méo mó đi.

Hiện Ban Tổ chức Trung ương đã có dự thảo về kiểm soát quyền lực và phòng chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Đó là một trong những giải pháp để tiếp tục hoàn thiện các biện pháp, các văn bản của Đảng cũng như của Nhà nước để chống chạy chức chạy quyền. Nhưng theo tôi vấn đề cuối cùng vẫn là con người. Chúng ta phải làm kiên quyết.

Ví dụ phát hiện ra có dấu hiệu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ngành phải vào cuộc xử lý nghiêm. Như vụ Lê Phước Hoài Bảo, phát hiện ra  làm đúng quy trình nhưng tiêu chuẩn có gian dối và đã xử lý kiên quyết. Phát hiện ra thì kỷ luật hoặc cho xóa quyết định bổ nhiệm thì mới được. Nếu chỉ nhắc nhở kiểu “phạt cho tồn tại” giống như xây dựng thì chỉ mãi là nhắc nhở. Nếu phát hiện bổ nhiệm không đúng, cho rút quyết định kỷ luật như trường hợp của Lê Phước Hoài Bảo thì mới nghiêm. Tức là chúng ta phải mạnh, kiên quyết, cũng như hoàn thiện các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cần tổ chức thi tuyển công khai các chức danh lãnh đó. Đó là biện pháp tốt để minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ. Tiến tới, quy hoạch cán bộ cũng phải công khai.

Trước đây ta hay cho rằng cấp nào quy hoạch thì cấp đó được biết nhưng bây giờ cần công khai để có giải pháp biện pháp đào tạo, bồi dưỡng để cho người quy hoạch có hướng mà phấn đấu. Rồi qua đó để đảng viên và nhân dân giám sát đối tượng được quy hoạch. Theo tôi, tiến tới tất cả công tác cán bộ phải công khai minh bạch trong phạm vi nhất định trừ những gì thuộc bí mật quốc gia. Cũng giống như kê khai tài sản phải công khai thì mới giám sát được. Do đó, công tác cán bộ cũng phải công khai để giám sát. 

Trân trọng cảm ơn ông!


Theo http://daidoanket.vn
Tìm kiếm