BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016)

05/04/2017 15:45

Ngày 04/4/2017, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP); Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA); Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ Công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2016 (PAPI 2016): Đo lường từ kinh nghiệm thực tiễn của người dân.

Chỉ số PAPI là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp. Chỉ số PAPI bao gồm 6 chỉ số lĩnh vực nội dung, 22 chỉ số nội dung thành phần và hơn 90 chỉ tiêu thành phần về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước. Tính tới thời điểm này, Chỉ số PAPI đã được triển khai thực hiện qua 8 năm, trong đó có 6 năm liên tiếp (2011-2016) khảo sát PAPI được thực hiện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các đại biểu dự Lễ Công bố Chỉ số PAPI năm 2016

PAPI 2016 được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát năm 2016 đạt 14.063 người dân, được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tổng quan Chỉ số PAPI 2016

Khảo sát PAPI 2016 được thực hiện từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2016. Chỉ số PAPI 2016 đã có những đổi mới, có thể là dữ liệu cơ sở để Chính phủ và chính quyền các cấp sử dụng cho việc theo dõi tiến độ thực hiện cải cách thể chế, chính sách, hành chính và cung ứng dịch vụ công trong giai đoạn 2016-2021. Một số chỉ tiêu thành phần được điều chỉnh nhằm tập trung hơn vào trải nghiệm của người dân và đánh giá sát hơn hiệu quả của bộ máy công quyền. Khảo sát PAPI 2016 cũng thêm một số câu hỏi khảo sát về môi trường, mức độ ủng hộ của người dân với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tương tác giữa cử tri với ứng cử viên đại biểu dân cử trước cuộc bầu cử năm 2016 và một số câu hỏi về mức thu nhập của người dân nhằm đánh giá hiện trạng bất bình đẳng trong quản trị và hành chính công. 

Báo cáo PAPI 2016 hướng tới ba mục đích chính. Thứ nhất, cung cấp thông tin, dữ liệu cơ sở giúp các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương tham khảo trong quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ từ năm 2016 đến năm 2021. Thứ hai, các phát hiện nghiên cứu trong báo cáo giúp các bên liên quan đo lường hiệu quả cải cách thể chế và chính sách hiện nay trong quá trình thực hiện mục tiêu “xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân”. Thứ ba, báo cáo chỉ ra một số vấn đề quản trị và hành chính công cần có sự vào cuộc của bộ máy chính quyền các cấp trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững hướng tới 2030 của Việt Nam. 

Kết quả Chỉ số PAPI của 63 tỉnh, thành phố năm 2016 được chia thành 4 nhóm: Nhóm đạt điểm cao nhất (trên 75%); Nhóm đạt điểm trung bình cao (từ 50%-75%); Nhóm đạt điểm trung bình thấp (từ 25%-50%); Nhóm đạt điểm thấp nhất (dưới 25%). Địa phương có số điểm cao nhất cả nước trong năm 2016 là Cần Thơ (39,57); xếp thứ 2 là Hà Tĩnh (39,32), thứ 3 là Đà Nẵng (38,58); Địa phương có điểm thấp nhất năm 2016 là Quảng Ninh (32,92).
Thành phố Hà Nội nằm trong nhóm đạt điểm thấp nhất (33,81) Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm đạt điểm trung bình thấp (34,91).


Bảng Kết quả Chỉ số PAPI và chỉ số nội dung của 63 tỉnh, thành phố năm 2016

Những điểm nổi bật nhất về sự đánh giá của người dân trên cơ sở các chỉ số thành phần của PAPI 2016 như sau: Mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công của Chính phủ cũng như sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã tăng lên đáng kể; Đánh giá của người dân về các dịch vụ y tế công lập năm 2016 tích cực hơn so với những năm trước đây, điều này phần lớn là do tác động của các chính sách mới về y tế được quy định trong Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có hiệu lực từ tháng 01 năm 2016. Qua khảo sát người dân về quá trình tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, sự tham gia trực tiếp của người dân ở các cấp cơ sở còn hạn chế. Hiệu quả huy động sự tham gia của người dân vào đời sống chính trị có sự phân bố rõ rệt theo từng vùng miền. Người dân vẫn chưa hài lòng về công tác thu hồi đất và bồi thường thu hồi đất, việc tiếp cận quyền sử dụng đất của người dân còn hạn chế. Trong năm 2016, vấn đề người dân tỏ ra quan ngại nhất là vấn đề về đói nghèo, tiếp đó là các vấn đề về môi trường, tham nhũng, việc làm, tranh chấp ở biển Đông… Đánh giá của người dân về hiện trạng tham nhũng, nhận hối lộ thông qua trải nghiệm thực tế các dịch vụ công cho thấy, bức xúc của người dân chủ yếu tập trung ở hai lĩnh vực: xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện, quận. Điểm số trung bình đánh giá của người dân về tính công khai, minh bạch trên toàn quốc năm 2016 tăng cao hơn so với năm 2015, tuy nhiên, sự công khai và minh bạch hóa thông tin giữa các tỉnh, thành phố cũng có sự khác biệt rõ rệt theo vùng miền. Chỉ số về việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2016 tiếp tục đà sụt giảm của năm 2015, người dân đều cho rằng cần phải có "lót tay", "bôi trơn" để có thể xin được việc làm tại khu vực công, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, để học sinh trường tiểu học công lập được thầy, cô giáo quan tâm hơn. 

Quang cảnh Lễ Công bố Chỉ số PAPI 2016

 

Tin, ảnh: Trần Hải, Thu Trang
Tìm kiếm