BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Cả nước giảm 31,2 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội so với năm 2016

30/06/2022 14:25

Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là đơn vị hành chính), giảm 49,1%  (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016…

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nội vụ) Nguyễn Thị Bích Thủy báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo kết quả chính thức Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 tại Hội nghị trực tiếp kết hợp với trực tuyến công bố số liệu chính thức Tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính 2021 diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 29/6, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nội vụ) Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết, Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 là cuộc Điều tra thống kê quốc gia có quy mô lớn, lần đầu tiên do Bộ Nội vụ triển khai thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Tổng cục Thống kê, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong hoạt động Điều tra (gồm thu thập thông tin và xử lý dữ liệu) đã giúp nâng cao hiệu quả của cuộc Điều tra. Dữ liệu điều tra được quản lý tập trung trên hệ thống công nghệ thông tin trực tuyến tại Trung ương, được phân quyền tới các cấp ở địa phương phục vụ công tác xử lý và khai thác số liệu. Từ tháng 3/2021 đến tháng 12/2021, Điều tra cơ sở hành chính đã được triển khai tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương thông qua các Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính các cấp ở địa phương, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo Điều tra cơ sở hành chính Bộ Công an. Kết quả của cuộc Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cụ thể như sau:

Về số lượng các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội năm 2020 giảm so với năm 2016

Tính đến thời điểm 31/12/2020 cả nước có gần 32,3 nghìn đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội (gọi tắt là đơn vị hành chính), giảm 49,1%  (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016. Bình quân hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020, số đơn vị hành chính giảm 15,6%. Nguyên nhân của việc giảm số lượng đơn vị hành chính: Thứ nhất, do việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” như việc sắp xếp hoạt động của các đơn vị như: Văn phòng đoàn đại biểu quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân các cấp…; Thứ hai, do cách thức quy định đơn vị điều tra trong Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, các cơ sở Đảng ủy xã/phường, tổ chức chính trị - xã hội cấp xã/phường không thực hiện phiếu điều tra riêng biệt và các cơ sở này được thu thập thông tin trong phiếu của Uỷ ban nhân dân xã/phường. Trong khối hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất với 25,5 nghìn đơn vị, tương ứng với gần 79%; thứ hai là cơ quan thuộc các Tổ chức chính trị - xã hội với 4,1 nghìn đơn vị, tương ứng với 12,8%; tiếp theo là Cơ quan thuộc hệ thống Tư pháp với gần 1,6 nghìn đơn vị, chiếm 4,9%; Cơ quan của Đảng Cộng sản là trên 1 nghìn đơn vị, chiếm 3,2% và cuối cùng là Cơ quan thuộc hệ thống lập pháp với 53 đơn vị, chiếm 0,1% số lượng đơn vị.

Xét theo vùng kinh tế, mật độ phân bố các cơ sở hành chính có sự phân hóa rõ nét, vùng kinh tế Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung có số lượng cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng cộng sản và tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất với 7.575 cơ sở, chiếm 23,46%, thứ hai là vùng trung du và miền núi phía bắc với 6.693 cơ sở, chiếm 20,73%; thứ ba là vùng đồng bằng sông Hồng với 6.475 cơ sở, chiếm 20,05%; thứ tư là vùng đồng bằng sông Cửu Long với 5.689 cơ sở, chiếm 17,62%; vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ là hai vùng có số lượng cơ sở thấp nhất tương ứng là 2.753 và 3.107 cơ sở, chiếm tỷ lệ tương ứng là 8,52% và 9,62%.

Đặc biệt, số đơn vị hành chính trên cả nước giảm so với số liệu điều tra năm 2017, cụ thể khối đơn vị hành chính cấp huyện giảm từ 713 đơn vị hành chính năm 2017 xuống còn 707 đơn vị hành chính năm 2021, tỷ lệ giảm 0,84%, tương đương 06 đơn vị hành chính cấp huyện; đơn vị hành chính cấp xã có số lượng giảm nhiều hơn, từ 11.162 đơn vị xuống còn 10.614 đơn vị, giảm 548 đơn vị hành chính cấp xã.

Về lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội tăng so với năm 2016 do mở rộng quy mô và phạm vi điều tra

Kết quả Điều tra cơ sở hành chính năm 2021, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng số lao động trong các đơn vị hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội là 1.382 nghìn lao động, tăng 15% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, số lượng lao động trong các cơ sở hành chính tăng 3,6%/năm.

Nguyên nhân tăng số lượng lao động trong các cơ sở hành chính chủ yếu tăng do mở rộng phạm vi điều tra về lao động (tất cả số lượng lao động trả lương trong đơn vị); tăng do bổ sung một số đơn vị tại cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2017 nằm trong khối sự nghiệp, điều tra năm 2021 chuyển sang khối cơ sở hành chính thực hiện (Bảo hiểm xã hội từ trung ương đến địa phương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh...) và một số trường hợp tăng cơ học khác (viên chức của một số đơn vị sự nghiệp như văn hóa thông tin, thể dục thể thao, y tế.. thuộc cấp huyện do sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp). Loại trừ các yếu tố trên, thì số lao động trong các cơ sở hành chính giảm theo tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW và Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị.

Trong tổng số lao động của các đơn vị hành chính, số lượng lao động của đơn vị thuộc hệ thống hành pháp chiếm số lượng lớn nhất là 1.276,8 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ là 92,39% so với tổng số lao động hành chính; tiếp đến là cơ sở thuộc cơ quan của Đảng Cộng sản với 39,9 nghìn lao động chiếm tỷ lệ 2,89% so với tổng số lao động hành chính; cơ sở thuộc cơ quan tư pháp là 34 nghìn lao động chiếm tỷ lệ 2,46% so với tổng số lao động hành chính; cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội là 31,2 nghìn lao động chiếm tỷ lệ 2,26% so với tổng số lao động hành chính và lao động thuộc cơ sở của cơ quan thuộc hệ thống lập pháp có tỷ lệ lao động thấp nhất với gần 2,2 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 0,16% so với tổng số lao động hành chính.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, số lượng lao động trong các cơ sở hành chính tại vùng đồng bằng sông Hồng chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước với 397,5 nghìn lao động, chiếm 28,77% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước, thứ hai là vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung có 286,2 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 20,71% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước; thứ ba là vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 238,2 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 17,24% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước; thứ tư là vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt là 180,8 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 13,08% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước; thứ năm là vùng Đông nam bộ đạt 180,4 nghìn lao động chiếm tỷ lệ 13,05% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước và xếp cuối cùng là vùng Tây nguyên đạt 98,9 nghìn lao động chiếm tỷ lệ 7,15% trong tổng số lao động cơ sở hành chính của cả nước.

Về lao động bình quân trên một cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội có sự phân hoá khá rõ nét theo loại hình hoạt động và theo vùng kinh tế

Bình quân lao động trên một cơ sở trong Điều tra cơ sở hành chính năm 2021 đạt 43 người/cơ sở, trong đó, lao động bình quân trên 1 cơ sở của cơ quan hành chính là cao nhất và đạt 50 người/cơ sở, thứ hai là cơ quan thuộc hệ thống lập pháp đạt 43 người/cơ sở, xếp thứ ba là cơ quan thuộc Đảng cộng sản đạt 39 người/cơ sở, thứ tư là cơ quan tư pháp đạt 21 người/cơ sở và xếp cuối cùng là cơ sở thuộc tổ chức chính trị - xã hội đạt 7 người/cơ sở.

Theo vùng kinh tế, vùng đồng bằng sông Hồng có số lượng lao động bình quân trên một cơ sở cao nhất với 61 người/cơ sở, vùng Đông nam bộ là 58 người/cơ sở, tiếp đến là vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung với 38 lao động/cơ sở, Tây nguyên và vùng Trung du và miền núi phía Bắc là 36 người/cơ sở và cuối cùng là vùng đồng bằng sông Cửu Long là 32 người/cơ sở.

Về một số đặc trưng về lao động trong các cở sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội

Thứ nhất, trình độ người đứng đầu các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội đạt trình độ từ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, tỷ lệ người đứng đầu có trình độ từ đại học trở lên là 31.597 người, chiếm tỷ lệ 97,85% trong tổng số người đứng đầu, trong đó trình độ thạc sĩ là 8.508 người, chiếm tỷ lệ 26,35% trong tổng số người đứng đầu, tiến sĩ là 526 người, chiếm tỷ lệ 1,63% trong tổng số người đứng đầu. Số còn lại, có trình độ trung cấp và cao đẳng là 606 người, chiếm tỷ lệ 1,88% trong tổng số người đứng đầu, sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và chưa đào tạo là 89 người, chiếm tỷ lệ 0,28% trong tổng số người đứng đầu. Số lượng người đứng đầu là nữ là 4.955 người, chiếm tỷ lệ 15,34% trong tổng số người đứng đầu. Đặc biệt, số người đứng đầu là nữ có trình độ từ đại học trở lên là 4.916 người, chiếm tỷ lệ 99,21% số người đứng đầu là nữ.

Thứ hai, lao động phân theo giới tính có sự phân hóa rõ nét, số lượng lao động nữ trong cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội chiếm tỷ lệ thấp. Lao động nữ tại thời điểm 31/12/2020 có 313,2 nghìn lao động, chiếm 22,66% tổng số lao động cùng kỳ. Sự phân bố lao động trong các khối và theo vùng miền cũng có những điểm khác nhau. Cụ thể, khu vực Đồng bằng Sông Hồng có số lao động nữ là 96 nghìn người, đạt tỷ lệ lao động nữ cao nhất, chiếm 24,15% so với tổng số lao động của khu vực và chiếm 30,65% tổng số lao động nữ của cả nước, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 65 nghìn lao động nữ, chiếm 22,74% và 20,79%, Đồng Bằng Sông Cửu Long có 40,5 nghìn lao động nữ, chiếm 22,42% và 12,94, Trung du và miền núi phía Bắc có 51,5 nghìn lao động nữ, chiếm 21,62% và 16,44, Đông Nam Bộ có 40,4 nghìn lao động nữ chiếm 22,39% và 12,90% và thấp nhất là Tây Nguyên có 19,7 nghìn, chiếm 19,89% và 6,28%. Khối cơ quan hành pháp có tỷ lệ chênh lệch cao nhất, lao động nữ chỉ chiếm 20,78% trên tổng số lao động của khối.

Thứ ba, lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động phân theo nhóm tuổi trong các cơ sở hành chính. Lao động thuộc nhóm tuổi từ 16 đến 45 tuổi là 1.085 nghìn người, chiếm tỷ lệ 78,51% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, với tỷ lệ này cho thấy độ tuổi của nguồn nhân lực trong khối hành chính là khá ổn định, mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và trong hoạt động công vụ nói riêng. Cụ thể, lao động thuộc nhóm tuổi từ 16 đến 45 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là vùng Tây Nguyên là 82 nghìn người, đạt tỷ lệ 82,83% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, Đông Nam Bộ là 146 nghìn người, chiếm tỷ lệ 80,93% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, Trung du và miền núi phía Bắc là 191 nghìn người, chiếm tỷ lệ 80,25% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, Đồng bằng sông Cửu Long là 140,5 nghìn người, chiếm tỷ lệ 77,71% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, Đồng bằng sông Hồng là 308 nghìn người, chiếm tỷ lệ 77,48% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi, Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung là 217,5 nghìn người, chiếm tỷ lệ 75,99% trong tổng số lao động phân theo nhóm tuổi.

Thứ tư, trình độ đào tạo của lao động trong các sở sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội ngày càng được nâng cao, số lượng lao động có trình độ Đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lao động. Trình độ đào tạo của lực lượng lao động trong các cơ sở hành chính từ đại học trở lên là 807,1 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 58,4% trên tổng số lao động phân theo trình độ đào tạo. Phân bố theo vùng kinh tế lực lượng lao động có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có tỷ lệ cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 116,8 lao động, chiếm tỷ lệ 64,6% so với tổng số lao động trong khu vực, tiếp đến là khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 174,7 lao động, chiếm tỷ lệ 61,0%, Đồng bằng Sông Hồng có 233,3 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 58,7%, Trung du và miền núi phía Bắc có 132,6 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 55,7%, Đông Nam Bộ là 99,2 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 55,0% và cuối cùng là Tây Nguyên với 50,5 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 51,1%. Đáng chú ý trong tổng số lao động còn 170,6 nghìn lao động chưa qua đào tạo, chiếm tỷ lệ 12,3%. Khu vực có tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo cao nhất là Tây Nguyên với 22,5 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 22,8% số lao động của khu vực, tiếp đến là khu vực Đông Nam Bộ với 27,3 nghìn lao động, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc với 35,7 nghìn lao động cùng chiếm tỷ lệ 15% số lao động của mỗi khu vực. Thấp nhất là Đồng bằng sông Hồng với 31,5 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 7,9% lao động của khu vực này.

Thứ năm, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lao động trong các cơ sở hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được nâng cao. Lao động được xếp ngạch công chức là chuyên viên cao cấp và tương đương là 30,2 nghìn người, chiếm tỷ lệ 2,21% tổng số lao động được xếp ngạch bậc, chuyên viên chính và tương đương là 262,4 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 19,2%, chuyên viên và tương đương có 581,3 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 42,5%, cán sự là 239 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 17,5%, nhân viên là 255,9 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ 18,7%.

Địa điểm, cơ sở trực thuộc trong các đơn vị điều tra là các địa điểm thuộc đơn vị điều tra ngoài trụ sở chính, các đơn vị trực thuộc của các đơn vị điều tra hạch toán kế toán phụ thuộc hoặc các đơn vị không trực thuộc các đơn vị điều tra nhưng hạch toán kế toán phụ thuộc đơn vị điều tra.

Kết quả điều tra cơ sở hành chính năm 2021 cả nước có 90.551 địa điểm, cơ sở trực thuộc 32.292 đơn vị điều tra, trong đó khối các tổ chức hành chính, Đảng, chính trị - xã hội cấp xã là 60.885 cơ sở, chiếm tỷ lệ 67,24% tổng số địa điểm, cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra; có 15.980 địa điểm, cơ sở trực thuộc đơn vị điều tra cấp huyện, chiếm tỷ lệ 17,65%, cấp tỉnh có 4.133 địa điểm, cơ sở trực thuộc, chiếm tỷ lệ 4,54% và khối cơ quan Trung ương có 9.553 địa điểm, cơ sở trực thuộc, chiếm tỷ lệ 10,55%./.

 

Anh Cao

Tìm kiếm