BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ dự thảo đề xuất xây dựng dự án Luật Lưu trữ sửa đổi

10/05/2021 16:57

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của Nhân dân đối với dự thảo Hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Lưu trữ sửa đổi.

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, ngày 11/11/2011, Luật Lưu trữ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2012. Luật Lưu trữ ban hành đã đánh dấu một bước phát triển mới về luật pháp lưu trữ Việt Nam, tạo khung pháp lý cao nhất về lưu trữ, tạo điều kiện cho công tác lưu trữ phát triển, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Luật Lưu trữ trong thời gian qua còn một số hạn chế:

Chính sách, pháp luật về lưu trữ

Thứ nhất, trong Luật Lưu trữ năm 2011 (Luật Lưu trữ) các quy định về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, số hóa tài liệu tại Lưu trữ cơ quan, quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ, việc đưa tài liệu lưu trữ ra khỏi Lưu trữ lịch sử,…chưa được tổ chức thực hiện, chậm ban hành, hiệu quả thấp.

Thứ hai, là luật về một lĩnh vực chuyên ngành nhưng nhiều điều khoản tại Luật Lưu trữ còn mang tính nguyên tắc chung chung hoặc chưa có các điều, khoản giao cho cơ quan nhà nước có đủ thẩm quyền chủ trì hoặc các cơ quan nhà nước có liên quan để nghiên cứu, ban hành văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể như: tiêu chí tài liệu lưu trữ quý hiếm, đăng ký tài liệu lưu trữ quý hiếm; phí bảo quản tài liệu ký gửi; quản lý tài liệu lưu trữ tại doanh nghiệp nhà nước; các định mức kinh tế, kỹ thuật của ngành; các quy trình nghiệp vụ của ngành,…

Thứ ba, một số điều, khoản tại Luật Lưu trữ chưa mang tính quy phạm pháp luật, còn mang tính lý luận, học thuật, Điều 16 quy định việc xác định giá trị tài liệu phải “bảo đảm nguyên tắc chính trị, lịch sử, toàn diện và tổng hợp” hay “được thực hiện theo phương pháp hệ thống, phân tích chức năng, thông tin và sử liệu học” và “phải căn cứ vào các tiêu chuẩn cơ bản như nội dung tài liệu; vị trí của cơ quan, tổ chức, cá nhân hình thành tài liệu; ý nghĩa của sự kiện, thời gian và địa điểm hình thành tài liệu; mức độ toàn vẹn của phông lưu trữ; hình thức của tài liệu; tình trạng vật lý của tài liệu”. Thực tế cho thấy các nguyên tắc, phương pháp, tiêu chuẩn xác định giá trị tài liệu quy định tại Luật Lưu trữ như trên đã được trình bày, lý giải đầy đủ trong lý luận của lưu trữ học, đặc biệt là trong tài liệu giảng dạy hệ trung cấp, cao đẳng và đại học về văn thư lưu trữ. Những vấn đề này thuộc phạm trù phương pháp luận và lý luận về xác định giá trị tài liệu, khó áp dụng trong thực tế.

Thứ tư, một số điều khoản tại Luật Lưu trữ chưa thống nhất, đồng bộ với một số luật khác. Ví dụ, về thời gian giải mật tài liệu quy định tại điểm b, c khoản 4 Điều 30 của Luật Lưu trữ “Sau 40 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu mật nhưng chưa được giải mật; sau 60 năm, kể từ năm công việc kết thúc đối với tài liệu có đóng dấu tối mật, tuyệt mật nhưng chưa được giải mật”. Trong khi đó tại Điều 19 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước gồm “30 năm đối với bí mật nhà nước mức độ tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ tối mật và 10 năm đối với bí mật nhà nước độ mật”. Ví dụ khác như khoản 2 Điều 30 Luật Lưu trữ quy định về tài liệu hạn chế sử dụng gồm tài liệu bị hư hỏng nặng, tài liệu đang trong quá trình xử lý nghiệp vụ và tài liệu không thuộc bí mật nhà nước nhưng có nội dung thông tin nếu sử dụng rộng rãi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 chỉ quy định ba loại thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện. Như vậy, hình thức tiếp cận thông tin quy định trong Luật Lưu trữ và Luật Tiếp cận thông tin chưa có sự thống nhất.

Thứ năm, Luật Lưu trữ cũng còn một số vấn đề khác có tính khả thi chưa cao như việc quy định giao nộp tài liệu của các ngành quốc phòng, công an, ngoại giao vào Lưu trữ lịch sử.

Thứ sáu, một số vấn đề phát sinh, phát triển mới trong công tác lưu trữ chưa được quy định đầy đủ trong Luật Lưu trữ.

Tổ chức, nhân sự làm công tác lưu trữ

Hiện nay vẫn chưa tổ chức được cơ quan lưu trữ trung ương với đầy đủ thẩm quyền để thực hiện quản lý thống nhất công tác lưu trữ và tài liệu Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam theo quy định của Luật Lưu trữ.

Đồng thời, hệ thống tổ chức lưu trữ các cấp Thực hiện Thông tư số 06/2015/TT-BNV ngày 08/12/2015 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức văn thư, lưu trữ Bộ, cơ quan ngang Bộ, 23/49 Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã kiện toàn tổ chức lưu trữ cấp phòng thuộc Văn phòng (với tên gọi Phòng Văn thư - Lưu trữ, Phòng Lưu trữ, Phòng Lưu trữ - Thư viện) hoặc Trung tâm Lưu trữ. Các cơ quan khác tổ chức bộ phận lưu trữ thuộc Văn phòng hoặc Phòng Hành chính. Tại địa phương, thực hiện quy định của Luật Lưu trữ về việc không tổ chức Lưu trữ lịch sử ở cấp huyện và theo Thông tư số 15/2014/TT-BNV ngày 31/10/2014 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Nội vụ thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh được tổ chức không quá 02 phòng chuyên môn và 01 đơn vị sự nghiệp là Trung tâm Lưu trữ lịch sử. Tính đến tháng 8/2020, có 28/63 tỉnh tổ chức Chi cục theo Thông tư số 15/2014/TT-BNV.

Bên cạnh đó, thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Sở Nội vụ theo Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một số tỉnh giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ, chuyển chức năng quản lý nhà nước về Phòng chuyên môn và thành lập Trung tâm Lưu trữ lịch sử trực thuộc Sở Nội vụ. Đến tháng 4/2021, 24/63 tỉnh đã thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết.

Nhìn chung, tổ chức lưu trữ tại các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian qua biến động thường xuyên và chưa có sự thống nhất, gây ảnh hưởng đến hiệu quả trong hoạt động quản lý, chỉ đạo công tác lưu trữ.

Nhân sự làm công tác lưu trữ

Các Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã bố trí trung bình từ 3 đến 4 công chức, viên chức, nhân viên lưu trữ có trình độ chuyên môn, được đào tạo đúng chuyên ngành lưu trữ hoặc chuyên ngành khác nhưng đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư, lưu trữ; tại các đơn vị trực thuộc bộ, ngành, người làm lưu trữ hầu hết đều tốt nghiệp các chuyên ngành khác và được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ lưu trữ.

Ngoài ra, tại địa phương, các cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh đã bố trí 17.121 người làm công tác lưu trữ, trong đó có 2.609 người làm lưu trữ chuyên trách (chiếm 15,2%), 4.701 người làm công tác lưu trữ có trình độ đúng chuyên ngành (chiếm 27,4%). Tại cấp xã, hầu hết Ủy ban nhân dân xã đã bố trí 100% công chức Văn phòng - Thống kê kiêm nhiệm làm lưu trữ.

Như vậy, nhân sự làm công tác lưu trữ ở các cấp còn thiếu và chủ yếu kiêm nhiệm; chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người làm lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc cũng như tư tưởng, tâm lý của công chức, viên chức không yên tâm công tác và gắn bó với ngành.

Bên cạnh đó, ý thức về vai trò, vị trí, việc tuân thủ pháp luật trong công tác lưu trữ của cán bộ lãnh đạo và công chức, viên chức ở đa số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm. Tình trạng tài liệu luôn tồn đọng, tích đống chưa được phân loại, sắp xếp, chỉnh lý khá phổ biến. Chất lượng tài liệu sau chỉnh lý chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định, khó khăn cho việc bảo quản, phục vụ sử dụng tài liệu. Nhiều tài liệu có giá trị đang bị xuống cấp, chưa có biện pháp khắc phục kịp thời.

Ngoài ra, kinh phí đầu tư cho các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ còn rất hạn chế: nhiều tỉnh chưa chủ động bố trí ngân sách địa phương để xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng dẫn đến tình trạng một số Lưu trữ lịch sử không tiến hành thu được tài liệu và thiếu kinh phí để giải quyết dứt điểm tình trạng tài liệu tồn đọng, tích đống do lịch sử để lại. Chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác lưu trữ.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác lưu trữ nêu trên thì việc xây dựng ban hành Luật Lưu trữ sửa đổi là rất cần thiết…

Anh Cao

Tìm kiếm