BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ

16/05/2025 09:50

Ngày 15/5/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký ban hành Thông tư số 06/2025/TT-BNV quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ gồm:

1. Quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan, tổ chức giải thể, phá sản hoặc tổ chức lại (khoản 2 Điều 13).

2. Trình tự, thủ tục hủy tài liệu lưu trữ (khoản 6 Điều 16).

3. Trình tự, thủ tục, việc thu nộp hồ sơ, tài liệu và sưu tầm tài liệu vào lưu trữ lịch sử (khoản 3 Điều 19).

4. Hình thức sử dụng tài liệu lưu trữ và bản sao tài liệu lưu trữ (khoản 5 Điều 23).

5. Trình tự, thủ tục công nhận, hủy bỏ việc công nhận tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt (khoản 6 Điều 39).

6. Kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ; cấp, cấp lại, thu hồi Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (khoản 7 Điều 56).

Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và tổ chức, cá nhân có liên quan.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THU NỘP HỒ SƠ, TÀI LIỆU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ

Đăng ký nộp hồ sơ, tài liệu

1. Cơ quan, tổ chức đăng ký nộp hồ sơ, tài liệu với lưu trữ lịch sử có thẩm quyền. Nội dung đăng ký gồm các thông tin: tên phông lưu trữ hoặc công trình; thời gian của tài liệu; số lượng hồ sơ, tài liệu hoặc đơn vị bảo quản; cách thức nộp; dự kiến thời gian nộp và kèm theo Mục lục hồ sơ, tài liệu.

2. Lưu trữ lịch sử thống nhất với cơ quan, tổ chức về việc nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử.

3. Việc đăng ký nộp hồ sơ, tài liệu số thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này và Thông tư số 05/2025/TT-BNV ngày 14 tháng 5 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số.

4. Mẫu Mục lục hồ sơ, tài liệu giấy tại Phụ lục I.

Đề nghị nộp hồ sơ, tài liệu

1. Cơ quan, tổ chức gửi văn bản đề nghị nộp hồ sơ, tài liệu và Mục lục hồ sơ, tài liệu đến lưu trữ lịch sử có thẩm quyền.

2. Lưu trữ lịch sử tiếp nhận đề nghị nộp hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Lưu trữ lịch sử kiểm tra Mục lục hồ sơ, tài liệu; kiểm tra hồ sơ, tài liệu

1. Lưu trữ lịch sử kiểm tra Mục lục hồ sơ, tài liệu; kiểm tra trực tiếp hồ sơ, tài liệu

a) Trường hợp Mục lục hồ sơ, tài liệu và hồ sơ, tài liệu đạt yêu cầu, cơ

quan, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ lịch sử theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

b) Trường hợp Mục lục hồ sơ, tài liệu hoặc hồ sơ, tài liệu không đạt yêu cầu, cơ quan, tổ chức chỉnh sửa, hoàn thiện Mục lục hồ sơ, tài liệu và hồ sơ, tài liệu theo ý kiến của lưu trữ lịch sử.

2. Lưu trữ lịch sử có ý kiến bằng văn bản chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận đề nghị nộp hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Thu nộp hồ sơ, tài liệu

1. Cơ quan, tổ chức vận chuyển hồ sơ, tài liệu đến lưu trữ lịch sử; nộp hồ sơ, tài liệu kèm theo Mục lục hồ sơ, tài liệu (bản giấy và bản điện tử). Hộp bảo quản hồ sơ, tài liệu nộp vào lưu trữ lịch sử theo tiêu chuẩn quốc gia.

2. Lưu trữ lịch sử kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, tài liệu giao nộp với Mục lục hồ sơ, tài liệu; tiếp nhận hồ sơ, tài liệu; lập Biên bản thu nộp hồ sơ, tài liệu. Nội dung Biên bản thu nộp hồ sơ, tài liệu gồm các thông tin: tên phông lưu trữ hoặc công trình; thời gian của tài liệu; số lượng hồ sơ, tài liệu hoặc đơn vị bảo quản; số lượng Mục lục hồ sơ, tài liệu và công cụ tra cứu khác kèm theo (nếu có); thời gian thu nộp; người thu; người nộp. Biên bản có đầy đủ họ tên, chữ ký của người thu, người nộp; họ tên, chữ ký của người có thẩm quyền, dấu của lưu trữ lịch sử và cơ quan nộp hồ sơ, tài liệu.

3. Lưu trữ lịch sử chuẩn bị phòng kho và các trang thiết bị bảo quản; vận chuyển hồ sơ, tài liệu vào kho lưu trữ.

4. Việc thu nộp hồ sơ, tài liệu số thực hiện theo Thông tư số 05/2025/TT- BNV ngày 14 tháng 5 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định nghiệp vụ lưu trữ tài liệu lưu trữ số.

SƯU TẦM TÀI LIỆU VÀO LƯU TRỮ LỊCH SỬ

Nguyên tắc sưu tầm tài liệu vào lưu trữ lịch sử

Lưu trữ lịch sử thực hiện sưu tầm tài liệu của các phông lưu trữ bị khuyết, thiếu theo thẩm quyền quản lý và các tài liệu có ý nghĩa quốc gia, ý nghĩa địa phương phục vụ hoạt động thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lịch sử, xã hội quy định tại Điều 8 Thông tư này, bảo đảm nguyên tắc sau:

1. Tài liệu được sưu tầm phải có nguồn gốc rõ ràng, hợp pháp, không có tranh chấp, khiếu kiện liên quan, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lưu trữ lịch sử.

2. Không sưu tầm tài liệu đang bảo quản tại các lưu trữ lịch sử trong nước, các bảo tàng, thư viện của nhà nước.

Tài liệu thuộc diện sưu tầm

1. Tài liệu có giá trị hình thành trong quá trình hoạt động của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu gồm:

a) Nhà hoạt động chính trị, hoạt động chính trị - xã hội tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho đất nước;

b) Cá nhân đạt giải thưởng cấp nhà nước và quốc tế;

c) Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;

d) Nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, cá nhân nổi tiếng hoạt động trong các lĩnh vực: sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, hội họa, âm nhạc, lịch sử, văn học, nghệ thuật và các lĩnh vực khác;

đ) Gia đình, dòng họ có nhiều dấu ấn trong lịch sử dân tộc.

2. Tài liệu có giá trị do các cá nhân, gia đình, dòng họ và tổ chức ở trong nước lưu giữ.

3. Tài liệu về Việt Nam có giá trị hiện đang bảo quản tại các lưu trữ, thư viện, bảo tàng, viện nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân khác ở nước ngoài.

Phương thức sưu tầm tài liệu

Lưu trữ lịch sử thực hiện sưu tầm tài liệu bằng các phương thức: mua tài liệu của các tổ chức và cá nhân; tiếp nhận tài liệu từ tổ chức, cá nhân tặng, cho hoặc chuyển giao cho lưu trữ lịch sử; lập bản sao tài liệu.

Trình tự thực hiện sưu tầm tài liệu

1. Khảo sát, thống kê, lập danh mục tài liệu thuộc diện sưu tầm ở trong nước và nước ngoài.

2. Nghiên cứu, xác định tài liệu cần sưu tầm theo thẩm quyền quản lý, phạm vi tài liệu sưu tầm quy định tại Thông tư này để lập kế hoạch sưu tầm.

3. Thực hiện sưu tầm tài liệu theo kế hoạch đã được phê duyệt.

4. Tổ chức khoa học tài liệu sau khi sưu tầm; thống kê, bảo quản an toàn, tổ chức sử dụng hiệu quả và phát huy giá trị tài liệu sau khi sưu tầm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.

Mời xem toàn văn Thông tư tại file đính kèm.

Thu Trang
Tìm kiếm