Kế hoạch ban hành nhằm mục đích tạo bước chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, sâu sắc về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ trong thực hiện công tác bình đẳng giới.
Mục tiêu cụ thể
Trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và duy trì đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Phấn đấu đến năm 2025 đạt 40% và năm 2030 đạt 50% tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp
Trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới Hằng năm, Công đoàn, ĐoànTNCS Hồ Chí Minh, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp tổ chức chuyên đề hoặc thực hiện lồng ghép ít nhất một hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm về thực hiện bình đẳng giới, dân số và phát triển, trách nhiệm của nam giới chia sẻ công việc gia đình, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Trong công tác giáo dục, đào tạo, đến năm 2025 và duy trì đến năm 2030, 100% cán bộ chủ chốt và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới; thực hiện lồng ghépvấn đề bình đẳng giới, dân số và phát triển trong hoạt động của công đoàn, đoàn thanh niên, Ban vì sự tiếp bộ của phụ nữ.
Trong công tác thông tin, truyền thông Định kỳ hằng tháng, Trung tâm thông tin, Tạp chí tổ chức nhà nước và các trang tin, cổng thông tin điện tử của các đơn vị trực thuộc Bộ có bài viết về bình đẳng giới.
5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Thứ nhất, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng trong thực hiện công tác bình đẳng giới; lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong kế hoạch công tác hằng năm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể.
Thứ hai, đổi mới nội dung, phương pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ về bình đẳng giới. Kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác bình đẳng giới; phê phán, đấu tranh, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới là một tiêu chí để bình xét thi đua, khen thưởng.
Thứ ba, lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trong quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ có đủ phẩm chất, năng lực tham gia vào hoạt động lãnh đạo, quản lý; Lồng ghép các mục tiêu bình đẳng giới trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của Bộ; lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới trong trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ.
Thứ tư, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tuyên truyền, giáo dục về giới và thực hiện bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ.
Thứ năm, tăng cường hợp tác, giao lưu, trao đổi, học tập các mô hình hoạt động về bình đẳng giới nhằm góp phần tham mưu tốt các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đề ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Bộ Nội vụ yêu cầu tổ chức thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ; phân công rõ trách nhiệm cho các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ trong thực hiện công tác bình đẳng giới.
Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ trân trọng giới thiệu toàn văn Kế hoạch trên chuyên mục Thông báo./.
Anh Cao