Thứ nhất, Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã được ban hành. Đây là các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương đề cập một cách toàn diện, đầy đủ nhất các nội dung cơ bản về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, tạo nền tảng chính trị quan trọng cho công cuộc cải cách hành chính nhà nước, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị trong thời gian tới.
Thứ hai, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, để kịp thời ứng phó với các tác động do dịch bệnh, đầu năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đề xuất và triển khai thực hiện ngay Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 do Quốc hội ban hành, với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Trong đó, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị chương trình. Các chính sách thuế trong chương trình đã hỗ trợ cụ thể, như: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng để thúc đẩy cả sản xuất và tiêu dùng, góp phần kiểm soát lạm phát với số tiền hỗ trợ khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất quy mô 135 nghìn tỷ đồng… Ngoài các chính sách ưu đãi thuế, tài khóa thuộc chương trình này, các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, như: Giảm lệ phí trước bạ; giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng để thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí, tiền thuê đất được miễn giảm, gia hạn năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm khoảng 98,5 nghìn tỷ đồng. Tính đến ngày 15/12/2022, đã thực hiện miễn giảm, giãn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng.
Thứ ba, nhiều vướng mắc, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, giải quyết
Chính phủ đã có 08 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; qua đó, nhiều vướng mắc, rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách đã được chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 06 nghị quyết và cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Chính phủ đã ban hành 131 nghị định, Thủ tướng ban hành 28 quyết định và các Bộ, ngành đã ban hành khoảng 403 thông tư. Tại địa phương, đã ban hành 3.888 VBQPPL cấp tỉnh; 2.304 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 647 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế - xã hội mới phát sinh, trong số đó, có nhiều văn bản liên quan đến cải cách hành chính.. Những nỗ lực của các ngành, các cấp thời gian qua đã giúp hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản; thể chế của nền hành chính được rà soát, sửa đổi, bổ sung từng bước phù hợp với yêu cầu phát triển; thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được rà soát, củng cố và được triển khai có hiệu quả trên thực tế. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước cũng như trong đời sống xã hội.
Thứ tư, phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao tính chủ động, sáng tạo của từng cấp hành chính trong thực thi nhiệm vụ
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; với mục tiêu đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 30 luật, 23 nghị định, 09 thông tư. Năm 2022, đã ban hành 06 luật, 07 nghị quyết của Quốc hội, 08 nghị định của Chính phủ và 05 thông tư của các bộ, cơ quan.
Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được đẩy mạnh góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 131/NQ-CP ngày 06/10/2022 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Triển khai Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, năm 2022 đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, gồm: 488 thủ tục hành chính, 08 tiêu chuẩn, quy chuẩn; 46 yêu cầu, điều kiện; 21 chế độ báo cáo và 478 sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực quản lý nhà nước (chiếm 13.47% tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ); theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản. Thủ tướng cũng đã phê duyệt kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022, trong đó, xác định 59 thủ tục hành chính/nhóm thủ tục hành chính trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước cần rà soát, phê duyệt phương án đơn giản hóa trong năm 2023.
Thứ sáu, sắp xếp, tinh gọn giảm nhiều tổ chức bộ máy thuộc các bộ, ngành, địa phương
- Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (21 Bộ, cơ quan).
- Kết quả sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận:
Ở Bộ, ngành Trung ương giảm 17 tổng cục và tương đương; giảm 08 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ.
Ở địa phương, năm 2022, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện. Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, Nghị định số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ bảy, cải cách công vụ, công chức có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả
Các nội dung cải cách công vụ, công chức đã được đẩy mạnh, nhất là ở việc hoàn thiện thể chế trên tất cả các khâu từ tuyển dụng, sử dụng, bố trí, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch, thăng hạng. Kỷ luật, kỷ cương công vụ, công chức được đẩy mạnh thực hiện. Việc thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cũng đã tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực trong năm 2022.
Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt kết quả tích cực: Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW , Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020) ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021); trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người. Điển hình là các tỉnh: Thanh Hóa (4.615); Quảng Nam (3.148); Nghệ An (3.011); Lạng Sơn (2.898); Bình Phước (2.648).
Thực hiện theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 25/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đến nay Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đã được khai trương, đi vào hoạt động, nhằm thực hiện việc xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Thứ tám, chuyển đổi số được đẩy mạnh nhằm xây dựng Việt Nam là quốc gia số
Trong năm qua, khung khổ pháp lý phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được hoàn thiện một bước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 42/2022/NĐ-CP về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Nghị định số 55/2022/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 ước đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đạt 52,80%, tăng 17,50% so với năm 2021. Tính đến ngày 20/11/2022, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 có phát sinh hồ sơ là 77,10%, tăng 35,65% so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến hết năm 2022, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.419 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tăng 30% so với năm 2021; có khoảng 3,9 triệu tài khoản đăng ký trên Cổng; có 155 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; đã có 4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến và 6,7 triệu hồ sơ trực tuyến đã thực hiện qua Cổng.
Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày chuyển đổi số Quốc gia. Theo đó, ngày 10/10 hằng năm được lấy là Ngày chuyển đổi số Quốc gia. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Thứ chín, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai và vận hành có hiệu quả
Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương; đến nay, nhiều thể chế, chính sách quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành, như: Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 quy định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; Thông tư số 46/2022/TT-BCA ngày 04/11/2022 quy định về việc kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành và hệ thống thông tin khác; Thông tư số 48/2022/TT-BTC ngày 03/8/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác và sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư,... Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức đối với 12 đơn vị Bộ, ngành; 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương; theo thống kê, đến nay đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu được giao tại Đề án.
Thứ mười, công tác theo dõi, đánh giá cải cách hành chính được đổi mới, thực chất và khoa học
Bộ Nội vụ đã ban hành phương pháp đo lường, xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) để triển khai thực hiện từ năm 2022, với gần 37.000 phiếu khảo sát; trong đó có nhiều đổi mới, sáng tạo, khảo sát toàn diện về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, từ thể chế, chính sách, tới việc cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức; bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn tổ chức hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, ngày 10/11/2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-BNV phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030; với mục tiêu theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công tác tổ chức điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính hằng năm cũng được đổi mới mạnh mẽ; từ năm 2022, Bộ Nội vụ đã xây dựng phần mềm và triển khai khảo sát các nhóm đối tượng qua hệ thống phiếu điện tử, gửi đến hòm thư của từng cá nhân được lựa chọn khảo sát, giúp cho công tác khảo sát ngày càng khách quan, minh bạch, chính xác và số liệu, kết quả luôn được tổng hợp, cập nhật theo thời gian thực.
Anh Cao (Nguồn:Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ)