BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Việt Nam trở lại Top 10

05/11/2010 10:25

Được ghi nhận cải thiện mạnh ở 3 tiêu chí là thành lập DN, cấp phép xây dựng và vay vốn tín dụng, Việt Nam tăng 10 bậc trong Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày hôm qua (4/11). 

Sự dịch chuyển đáng kể cả về các tiêu chí thành phần và thứ hạng chung đã giúp Việt Nam trở lại Top 10 nền kinh tế có cải thiện mạnh mẽ nhất về môi trường kinh doanh. Trước đó, Việt Nam đã từng có mặt trong nhóm này trong lần công bố Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2005.

Theo đánh giá của các chuyên gia WB, cải thiện rõ rệt nhất thuộc về tiêu chí cấp phép xây dựng. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 9 trong 10 nền kinh tế có bước chuyển tích cực nhất về tiêu chí này khi đã cắt giảm lệ phí tới 50%. “Với 13 bước thủ tục, trong 194 ngày, chi phí cho hoạt động này đã giảm từ khoảng 343% thu nhập bình quân đầu người trong năm ngoái, xuống 128,4%. Việt Nam được xếp thứ 62/183 về cấp phép xây dựng, tăng 8 bậc”, ông Karim Belayachi, đồng tác giả Dự án Báo cáo môi trường kinh doanh phân tích và nhận định rằng, Việt Nam đã tổ chức lại các quy trình để giảm bớt thời gian và chi phí trong thanh tra, kiểm tra hoạt động xây dựng; tăng khả năng tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục cho các DN qua đó giảm đáng kể chi phí không chính thức trong hoạt động này.

Tuy nhiên, nếu tính về mức thăng hạng, thì tiêu chí thành lập DN và vay vốn tín dụng của Việt Nam xếp hai vị trí đầu, với bước chuyển tương ứng là 16 và 15 bậc so với lần xếp hạng trước. Tiêu chí vay vốn tín dụng có vị trí cạnh tranh nhất trong Bảng Xếp hạng (ở vị trí 15/183). Trong lần đánh giá này, Việt Nam được nêu tên trong danh sách các quốc gia điển hình có cải thiện khung khổ pháp lý liên quan đến chia sẻ thông tin về tín dụng. Điểm cho chỉ số thành phần liên quan đến đăng ký thông tin tín dụng công của Việt Nam đạt điểm 5 trong thang điểm 6, chứng tỏ các tổ chức tín dụng được cung cấp các dữ liệu về lịch sử tín dụng và khả năng trả nợ của các khách hàng tiềm năng một cách đầy đủ, qua đó tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các DN, giảm rủi ro cho các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, lần đầu tiên sau nhiều năm liên tục có cải thiện mạnh mẽ trong đăng ký kinh doanh, tiêu chí thành lập DN đã có vị trí 100/183, với sự ghi nhận về thay đổi tích cực cả về số bước thủ tục, thời gian tiến hành và chi phí so với lần công bố trước. Nếu so với Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2009 thì bước thay đổi về thứ hạng là 69 bậc.

Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự ghi nhận này là khá chậm so với những thay đổi thực tế ở Việt Nam trong thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh kết hợp với đăng ký mã số thuế và cấp con dấu. Vào những lần công bố trước, ông Cung đã có bình luận rằng, Việt Nam sẽ có vị trí cao hơn nữa với tiêu chí thành lập DN nếu những bước cải cách được ghi nhận kịp thời trong các bản nghiên cứu của WB.

Thế nhưng, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm cuối bảng về bảo vệ nhà đầu tư với vị trí 178/183, lùi một bước so với năm ngoái. Đây cũng là tiêu chí duy nhất của Việt Nam trong tổng số 9 tiêu chí được xem xét bị tụt hạng.

Việt Nam cũng có tên trong danh sách 10 nước có thời gian nộp thuế nhiều nhất trong năm (941 giờ - chỉ trên có hai nước là Brazil và Bolivia) cho dù về thứ hạng chung, Việt Nam tăng 13 bậc trong tiêu chí nộp thuế. “Các vấn đề này đòi hỏi những thay đổi về các quy định pháp lý có liên quan mà Việt Nam và nhiều quốc gia, nền kinh tế khác cần tiếp tục tập trung”, ông Karim khuyến nghị.

Bình luận về vị trí thấp của tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư, ông Cung cho rằng, những cải thiện mới nhất liên quan đến nội dung này vừa được ban hành tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DN. “Các tồn tại mà các chuyên gia WB đánh giá thấp về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư, khó truy cứu trách nhiệm với HĐQT ... đã được quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật DN sẽ có hiệu lực vào ngày 15/11/2010. Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ tăng điểm ở tiêu chí này trong lần xếp hạng về môi trường kinh doanh năm tới”, ông Cung nói.

Với vị trí 78 trên tổng số 183 nền kinh tế được xếp hạng, Việt Nam đã đứng trên 1 bậc so với Trung Quốc. Thái Lan, Malaysia tiếp tục ở vị trí cao (lần lượt là 19 và 21 trong Bảng Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2011). Các quốc gia trong ASEAN là Indonesia, Philippines, Campuchia và Lào đều bị đánh giá tụt hạng và đứng ở các nhóm nền kinh tế nửa sau của Bảng Xếp hạng./.

Theo Báo Đầu tư (số 133, ngày 05/11/2010)
Tìm kiếm