|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp ( Ảnh: Trí Dũng ) |
Ủy ban Thường vụ sẽ dành thời gian xem xét, thông qua Nghị quyết công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016; cho ý kiến về một số nội dung như: Chuẩn bị kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII; việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2010; phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011; tiêu chí, định mức và phương án phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011.
Ngay sau khi khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày báo cáo của Ban chỉ đạo sơ kết Kế hoạch 900 của Ủy ban Thường vụ QH sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ QH thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Báo cáo đã nêu bật những kết quả cơ bản đã đạt được qua năm năm triển khai Kế hoạch 900. Ðó là xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phù hợp với yêu cầu trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; quy trình xây dựng luật, pháp lệnh có những đổi mới quan trọng; việc ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng cơ chế huy động trí tuệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992... Báo cáo cũng đã phân tích những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong việc xây dựng, triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; trong đổi mới quy trình xây dựng luật, pháp lệnh; về chất lượng văn bản luật, pháp lệnh; trong việc thực hiện các định hướng, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; tổ chức thực thi pháp luật.
Báo cáo cũng đã nêu lên nhu cầu, định hướng và giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020. Về nhu cầu, định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần tổng kết việc thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quốc phòng - an ninh quốc gia; về trật tự an toàn xã hội; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế.
Báo cáo đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật như đổi mới việc lập và thông qua Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật; tăng cường điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật. Nhu cầu định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật sẽ tập trung về tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật; về phát triển hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường năng lực tiếp cận của nhân dân đối với hệ thống pháp luật; phát triển hệ thống đào tạo nguồn nhân lực làm công tác pháp luật; nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp...
Báo cáo của Ban chỉ đạo đã đưa ra một số kiến nghị với Bộ Chính trị, với QH, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
Các ý kiến thảo luận đã tập trung đánh giá tình hình tổ chức triển khai Kế hoạch 900 của Ủy ban Thường vụ QH thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị; những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập; những bài học kinh nghiệm; nhu cầu, định hướng và giải pháp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2011-2020.
* Chiều 4-1, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) long trọng tổ chức lễ truy tặng Huân chương bậc cao cho các vị nguyên là lãnh đạo QH qua các thời kỳ. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến. Ðến dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư; các đồng chí Phó Chủ tịch QH; cùng đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các ban, ngành T.Ư và đại diện gia đình các vị lão thành cách mạng được truy tặng Huân chương bậc cao.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trân trọng trao Huân chương Sao Vàng cho đại diện gia đình các ông: Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực QH khóa I; Nguyễn Xiển, Phó Chủ tịch QH từ năm 1960 đến 1987; Tôn Quang Phiệt, Phó Trưởng Ban Thường trực QH khóa III và IV; Nguyễn Xuân Linh, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH; Nghiêm Xuân Yêm, Phó Chủ tịch QH khóa VII. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đại diện gia đình các ông: Trần Ðình Tri, nguyên Chánh Văn phòng QH, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Thường vụ QH; Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch QH khóa VIII và IX; Y Ngông Niêk Ðăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH từ năm 1987 đến 2001.
Phát biểu ý kiến tại lễ truy tặng, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng các vị lão thành cách mạng được truy tặng Huân chương bậc cao, đồng thời nhấn mạnh, việc truy tặng Huân chương Sao Vàng và Huân chương Hồ Chí Minh, phần thưởng cao quý nhất của Ðảng và Nhà nước là sự ghi nhận của Ðảng và Nhà nước đối với những đóng góp to lớn của các bậc lão thành cách mạng. Ðây không chỉ là vinh dự của các vị lão thành được truy tặng và gia đình mà còn là niềm vui chung của QH. Ðặc biệt, việc trao tặng Huân chương bậc cao đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam càng mang ý nghĩa lớn. Ðảng và Nhà nước luôn tôn vinh, đánh giá cao đóng góp của những người có công đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðó cũng là đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của người Việt Nam.
Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mong muốn, gia đình các vị lão thành cách mạng được truy tặng Huân chương bậc cao tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mãi là gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo./.