Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật.
Một hạn chế khác là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế. Theo Tờ trình của Chính phủ, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ chưa bao quát hết các lĩnh vực và chưa tương xứng với vị trí của người đứng đầu Chính phủ và đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước. Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cụ thể và mới phát sinh trong hoạt động của Chính phủ.
Chưa có sự phân định rành mạch về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và với Bộ trưởng; chưa xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người lãnh đạo Chính phủ như là một thiết chế độc lập; của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu một cơ quan của Chính phủ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực...
Nhiều đại biểu Quốc hội sáng nay cũng đã thảo luận chung quanh chế định về Chính phủ và mối quan hệ của Chính phủ với các thiết chế quyền lực khác như Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và chính quyền địa phương trong việc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Quy định cụ thể quyền hạn và trách nhiệm
Về sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp và sự thống nhất với hệ thống pháp luật, Báo cáo thẩm tra do ông Phan Trung Lý, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày, nêu rõ: So với Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, vừa có kế thừa các quy định hợp lý đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong các văn bản pháp luật có liên quan vừa để thể chế hóa quy định và tinh thần mới của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn sâu sắc hơn nữa, làm rõ những quy định mới của Hiến pháp để sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ, trong đó trọng tâm là về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Trong phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ vai trò của Chính phủ trong bảo vệ Hiến pháp cũng như cụ thể trách nhiệm: “Có thẩm quyền đi với có trách nhiệm. Nói về quyền nhưng trách nhiệm chưa thấy nói. Trách nhiệm thi hành Hiến pháp, mà thi hành không tốt thì có chịu trách nhiệm không, chịu trách nhiệm trước ai?”.
Chia sẻ nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng dự thảo Luật đã nêu phần quyền hạn, nhưng nêu trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng chưa rõ”.
Đặc biệt, dự thảo Luật chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ” đã được quy định tại khoản 6 Điều 98 Hiến pháp. Đồng thời, các quy định này phải khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ”, ông Phan Trung Lý nói.
Chung quanh một số nội dung chính, các đại biểu đã cho ý kiến về phần thành viên Chính phủ và tổ chức của Chính phủ (Điều 2 và Điều 3). Về số lượng, tên gọi cụ thể của các bộ, cơ quan ngang bộ, qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau.
Một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật không quy định “cứng” số lượng và tên gọi các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong Luật này nhằm bảo đảm tính năng động, sự chủ động của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng chưa được thể hiện rõ. Theo đó, thẩm quyền phải rành mạch, Chính phủ làm cái gì, Thủ tướng, Bộ trưởng làm gì. Ngoài ý kiến bàn bạc xin ý kiến tập thể, còn lại Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần xác định rõ hơn, đầy đủ hơn các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ phù hợp với tính chất, vị trí của Chính phủ trong bộ máy nhà nước.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ (Chương III trong dự án Luật), Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Thủ tướng Chính phủ vừa với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, vừa với tư cách là thiết chế hiến định có thẩm quyền riêng
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 4), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, các nguyên tắc cụ thể nêu tại Điều 4 của dự thảo Luật chưa phân định rõ nguyên tắc hoạt động của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ cũng như của các thành viên khác của Chính phủ; chưa phân định rõ được nguyên tắc về tổ chức và nguyên tắc về hoạt động của các chủ thể; chưa thể hiện rõ được nguyên tắc nền hành chính tập trung, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành và theo lãnh thổ trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước. |