Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất tới nay, các đơn vị hành chính đã có nhiều lần thay đổi lớn. Đó là giai đoạn hợp nhất (1976 - 1986) và giai đoạn chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính của 3 cấp tỉnh, huyện, xã từ cuối những năm 80, đầu thập kỷ 90 và kéo dài cho đến năm 2013 (khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành). Đối với đơn vị hành chính nói chung và các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nói riêng, sự biến động thường xuyên các đơn vị hành chính đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của nhân dân.
Quá trình chia, tách, thành lập mới đơn vị hành chính các cấp, bên cạnh một số kết quả trước mắt đạt được như việc quản lý của chính quyền gần dân hơn, sau khi chia tách được sự đầu tư từ ngân sách nhà nước nên có những thay đổi nhất định về kinh tế - xã hội, thì việc chia, tách đơn vị hành chính cũng phát sinh không ít hạn chế, đó là sự chia nhỏ đơn vị hành chính dẫn đến phân tán các nguồn lực, tiềm năng phát triển của các địa phương, làm cho bộ máy nhà nước thêm cồng kềnh, tăng biên chế công chức, viên chức, gây lãng phí ngân sách cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc…
Để khắc phục những bất cập, hạn chế của việc chia, tách các đơn vị hành chính trong thời gian qua, dẫn đến hiện nay có rất nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định; đồng thời để thực hiện chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII, Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian tới, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 là cần thiết.
Dự thảo Nghị quyết gồm 03 chương và 18 điều, quy định về Nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau khi thực hiện sắp xếp…
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Ủy ban Pháp luật cũng thống nhất với những nội dung tiếp thu của Chính phủ như trong dự thảo Nghị quyết mới.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế trong các cơ quan nhà nước (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương) mà còn gồm tổ chức bộ máy, biên chế trong các cơ quan Đảng, đoàn thể. Những nội dung này không thuộc phạm vi điều chỉnh trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Ủy ban Pháp luật kiến nghị UBTVQH (hoặc Đảng đoàn Quốc hội), sau khi ban hành Nghị quyết này, cần có văn bản đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan, theo thẩm quyền, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp để bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các đối tượng có liên quan.
Cho ý kiến tại phiên họp, đa số các ý kiến UBTVQH cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quán triệt được tinh thần của Trung ương; Bộ Nội vụ cùng Ủy ban Pháp luật đã làm việc khẩn trương, thống nhất cơ bản các nội dung của dự thảo. Các ý kiến cũng nhất trí việc ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn, thông qua tại một Kỳ họp của UBTVQH và cho rằng, sau khi ban hành, trong lộ trình thực hiện, nếu có vướng mắc cần phải báo cáo kịp thời với UBTVQH.
Sau khi thảo luận, 100% Ủy viên UBTVQH có mặt tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết.
Theo đó, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% số tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Cũng trong phiên họp chiều nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang./.